Xây dựng đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ: Cần 10 tỷ USD

Nguyễn Loan| 25/07/2019 06:00

Chiều 24/7/2019, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Cần Thơ đã có buổi làm việc cùng Viện Khoa học & Công nghệ Phương Nam, Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam góp ý hướng tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ.

Xây dựng đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ: Cần 10 tỷ USD

Theo báo cáo, tuyến đường sắt cao tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ có tổng chiều dài hơn 173km, tổng vốn đầu tư xây dựng dự kiến khoảng 10 tỷ USD, có điểm đầu hàng hóa tại phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương; điểm đầu hành khách ở xã huyện Bình Chánh, TP.HCM và điểm cuối tuyến tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. Toàn tuyến sẽ có 14 ga và hai trạm khách, đi qua địa phận tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Theo đánh giá, đường sắt cao tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Đồng thời đáp ứng khai thác vận tải, tổ chức luồng hàng, luồng khách, cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa với khối lượng lớn an toàn, giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo bảo ATGT trên hành lang TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP. Cần Thơ, chủ trì buổi làm việc, đề nghị Viện Khoa học & Công nghệ Phương Nam và Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam có phương án thiết kế tuyến đường sắt và nhà ga cuối đảm bảo kiến trúc, cảnh quan đô thị và môi trường; có hệ thống đường kết nối giao thông bằng đường bộ cho khu vực hai bên tuyến đường sắt đi qua; các vị trí giao cắt giữa tuyến đường sắt với các trục giao thông đường bộ như Quốc lộ (QL) Nam Sông Hậu, QL91… phải đảm bảo kết nối đồng bộ, đảm bảo ATGT; quy mô, công suất tuyến đường sắt nhà ga phải đảm bảo khai thác lâu dài. Đồng thời có phương án kết nối với cảng Cái Cui, Trung tâm Logistics trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ được Sở GTVT Cần Thơ đưa ra nghiên cứu bàn bạc với các bên tư vấn trong bối cảnh vấn đề xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam còn đang rất nóng trong các chương trình nghị sự. Về tuyến đường sắt cao tốc Bắc- Nam, ngày 14/2/2019, Bộ GTVT có tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Theo đó, Bộ GTVT đưa ra 6 kịch bản và ba phương án chính. Trong đó, đề xuất tốc độ thiết kế 350km/giờ (phương án 3) với tổng chiều dài 1.559km đi qua 20 tỉnh/thành phố, dự kiến tổng mức đầu tư hơn 1,3 triệu tỷ đồng (khoảng 58,7 tỷ USD), tương đương khoảng 1/4 GDP toàn nền kinh tế.

Trên cơ sở các kịch bản, phương án của Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận thấy phải làm rõ các kịch bản phát triển dự án. Trong đó, nếu dự án có tốc độ thiết kế 350 km/giờ và chỉ vận chuyển hành khách, chi phí rất lớn, tốn kém. Trường hợp vận chuyển cả hành khách và hàng hóa thì chưa cần tốc độ lớn. Vì vậy, Bộ KH&ĐT nêu quan điểm về tốc độ chạy tàu hợp lý 200km/giờ chở khách và hàng hóa với mức đầu tư 26 tỉ USD, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia và tốc độ khai thác thực tế ở một số nước (Đức, Hà Lan…). Với vận tốc 200 km/giờ sẽ khả thi về nguồn vốn, nợ công…, đáp ứng yêu cầu và thực trạng phát triển của Việt Nam.

Được biết, năm 2010, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP. HCM được Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên, thời điểm đó Quốc hội khóa XII, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2010) đã không thông qua do còn nhiều tranh luận. Sau đó, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đường sắt tốc độ cao. Đến năm 2017, Luật Đường sắt được Quốc hội phê duyệt tạo hành lang pháp lý để nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao, bởi trong Luật có một chương đưa ra các mục tiêu, yêu cầu cụ thể về loại hình này.  Năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Liên danh tư vấn Tedi - Tricc - TediSouth phối hợp tư vấn quốc tế nghiên cứu lại dự án đường sắt tốc độ cao. 

Do đây là dự án lớn, cần chặt chẽ nên mới đây, Thủ tướng đã lập Hội đồng thẩm định nhà nước dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm Chủ tịch Hội đồng. Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. 

Quyết định nêu rõ, Hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập dự án để thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo đúng quy định. Bộ GTVT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định dự án, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư phục vụ việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ: Cần 10 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO