Vắc xin - Cần hành động chiến lược

Thảo Minh| 26/08/2020 06:00

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/8/2020 thông báo Bộ Y tế nước này đã chính thức cấp phép cho loại vắc xin ngừa bệnh Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Vắc xin được đặt tên "Sputnik V" do Viện Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh học Gamaleya ở Moscow phối hợp cùng Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Ngay sau khi Nga tuyên bố có vắc xin với giá 10 USD hai liều, đã được 20 nước đặt mua trên một tỷ liều vắc xin.

Sau Nga, một ứng viên khác là vắc xin của hãng SinoVac (Trung Quốc) đang được thử nghiệm trên gần 9.000 người tại Brazil. Vắc xin của hai hãng BioNTech (Đức) và Pfizer (Mỹ) phát triển cũng đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ ba trên 30.000 người tình nguyện từ tháng 7 tại các nước Argentina, Brazil, Đức và Mỹ. Hãng Moderna (Mỹ) dự kiến thử nghiệm vắc xin của hãng này trên 30.000 người và kết quả ban đầu sẽ sớm được công bố vào tháng 11. Châu Âu cũng đã gây quỹ 8 tỷ USD để tìm kiếm vắc xin, Pháp Đức, Ý, Hà Lan cũng đã thành lập liên minh nghiên cứu và sản xuất vắc xin tại châu Âu.

Cuộc chạy đua sản xuất vắc xin vẫn đang diễn ra không chỉ ở các nước cường quốc trên thế giới mà kể cả các nước như Úc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cũng đang được đẩy mạnh sản xuất vắc xin trong nhiều năm tới. 

AFP ngày 12/8/2020 dẫn số liệu chính thức cho thấy có ít nhất 5,7 tỉ liều vắc xin ngừa Covid-19 đã được đặt mua trước trên toàn cầu. Chính quyền Mỹ cũng đã chi ít nhất 10,9 tỷ USD cho các nhà phát triển để sở hữu ít nhất 800 triệu liều vắc xin.

vaccine-2-8325-1598347766.jpg

Nhu cầu cấp thiết cùng với cuộc chạy đua điều chế vắc xin của các quốc gia đã khiến nhiều chuyên gia nhận định vắc xin đang trở thành một... vũ khí, không chỉ thể hiện quyền lực thế mạnh về y tế mà còn thể hiện quyền lực quốc gia. Bởi quốc gia nào dẫn trước vắc xin sẽ có khả năng khôi phục nền kinh tế, khẳng định vị trí tiên phong vai trò của quốc gia đó, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc và Nga đều muốn điều chế vắc xin thành công để củng cố nền chính trị nội tại cũng như khẳng định vị trí lãnh đạo của mình. 

Tuy nhiên, ngay cả khi các quốc gia điều chế được vắc xin chống Covid-19 thì cũng chỉ có tác dụng trực tiếp trước mắt vì không ai có thể đảm bảo vắc xin này có thể tiêu diệt triệt để virus Corona, bởi virus này liên tục có những chủng loại mới. Vậy việc một vài quốc gia có vắc xin cũng không thể đảm bảo vĩnh viễn miễn dịch vắc xin.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhận định, việc nhiều nước đang đặt lợi ích của mình lên trên những nước khác đang khiến cuộc khủng hoảng y tế hiện nay trở nên tồi tệ hơn, khi toàn thế giới đã có hơn 23 triệu người mắc Covid-19, hơn 800.000 người tử vong (tính đến ngày 22/8/2020). Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh: "Cần chấm dứt chủ nghĩa dân tộc vắc xin và hành động một cách chiến lược và trên quy mô toàn cầu thực sự là lợi ích quốc gia của mỗi nước, không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn".

Quan ngại về khả năng các nước giàu sẽ hành động một mình trong cuộc đua tìm kiếm vắc xin ngừa Covid-19 sau khi đạt thỏa thuận với các hãng dược phẩm, để đảm bảo hàng triệu liều vắc xin tiềm năng dành riêng cho công dân của các quốc gia giàu có, WHO đã đưa ra sáng kiến COVAX và đang hối thúc các nước ủng hộ sáng kiến này, vì cho rằng bất cứ quốc gia nào ủng hộ sáng kiến COVAX đều có cơ hội tốt hơn trong việc có được một loại vắc xin ngừa Covid-19 thành công. WHO khẳng định: "Càng có nhiều quốc gia tham gia COVAX thì các cơ hội thành công của chương trình này càng lớn. Mục đích của chương trình là cung cấp 2 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 hiệu quả và được chứng nhận vào cuối năm 2021. Đến nay đã có hơn 75 quốc gia quan tâm đến việc tham gia COVAX.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vắc xin - Cần hành động chiến lược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO