Những Chủ nhật Zoom

Vũ Violet (Từ St. Louis, Missouri, Mỹ)| 30/05/2021 01:00

Từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, phần mềm Zoom Cloud Meeeting đã nhanh chóng trở thành một kênh giao tiếp rộng rãi và phổ biến hàng đầu tại Mỹ. Do các thành phố ở hầu hết tiểu bang phải cách ly xã hội, công sở và công ty phải tổ chức làm việc tại nhà, trường học cũng vậy, Zoom là một công cụ được mọi người sử dụng hằng ngày. Chỉ cần tải theo đường link, ai cũng có thể “nhảy” lên màn hình máy tính hoặc điện thoại, nhìn mặt và trò chuyện trực tiếp với người khác. Từ người làm dự án mới, làm hợp đồng kinh doanh, cho đến học sinh gặp thầy cô, các bạn trong lớp, hay đơn giản là bạn bè, người thân trong gia đình đều có thể tán chuyện, thăm hỏi nhau.

Cũng vì đại dịch, con người trở nên đơn côi hơn vì rất lâu rồi không được gặp gỡ, giao tiếp với nhau, thậm chí chỉ để được bắt tay, ôm hôn người thân, bè bạn. Cũng không có một chương trình sinh hoạt nghệ thuật nào như hòa nhạc, ca múa, hoặc đọc thơ, diễn kịch được tổ chức trong thành phố, nơi gia đình nhỏ của tôi đang sinh sống cũng như tại các thành phố khác trên đất nước Mỹ rộng lớn. Năm đại dịch hoành hành, tôi và hầu hết bạn bè chỉ biết đến những người thân yêu, gần gũi nhất, hay chạy bộ, tập thể dục ở các công viên thưa vắng người, chỉ đi mua sắm khi thật cần thiết. Thời gian còn lại gắn liền với điện thoại, máy tính qua những buổi Zoom cùng gia đình và bạn bè là người bản xứ, vào những dịp sinh nhật hay hiếu hỉ của người quen thân... 

Một số thành viên trong nhóm Viet Sisters gặp nhau khi dịch Covid-19 suy giảm tại Mỹ

Một số thành viên trong nhóm Viet Sisters gặp nhau khi dịch Covid-19 suy giảm tại Mỹ

Trong gần một năm đó, đều đặn mỗi sáng,  hoặc chiều Chủ nhật, tôi luôn mở điện thoại trò chuyện cùng một nhóm bạn gái người Việt. Chị Khánh Hòa và tôi biết nhau đã hơn mười năm từ những ngày tôi đang săn tìm học bổng sang Mỹ học. Chị và chồng là anh Hiển, luôn động viên tôi và giúp tôi hoàn tất hồ sơ sang Mỹ, chuẩn bị cho cuộc sống mới xa nhà. Sau khi tôi kết hôn, hai gia đình chúng tôi thường xuyên đến thăm nhau, hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống riêng và cả trong công việc, cùng nhau làm từ thiện để giúp đỡ trẻ em nghèo tại quê nhà. 

Từ lâu rồi, chị Hòa ấp ủ kế hoạch xây dựng một cộng đồng những phụ nữ người Việt sinh sống ở Bắc Mỹ trở thành bạn hữu thân thiết như chị em tôi, để cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sống, hay chỉ đơn giản là cùng nhau trò chuyện xung quanh những vướng mắc về tâm tư, tình cảm của người phụ nữ Việt Nam nhập cư. Dịch Covid-19 lại càng cho thấy ai cũng cần bạn bè - dù là trên mạng - để làm chỗ dựa cho nhau, giúp nhau vượt qua những cơn trầm cảm do buộc phải sống gần như trong cảnh giam hãm. Chị Hòa đã tổ chức các buổi gặp gỡ hằng tuần trên Zoom cho nhóm bạn gái của chúng tôi. Nhóm gồm chín người độ tuổi 30-40, sống ở các tiểu bang Florida, Tennessee, Virginia, Missouri, Washington và cả ở Canada, tất cả đều đã lập gia đình. Có bạn đang nghiên cứu bậc cao học, có bạn đang làm việc trong lĩnh vực học thuật, có bạn vừa học vừa kinh doanh. Gặp nhau trên Zoom, chúng tôi có thể “tám” không dứt về các kỹ năng hoạch định tài chính cho gia đình và bản thân, trao đổi về cách định vị bản thân trong môi trường làm việc tại Bắc Mỹ, cách cư xử văn minh khi vợ chồng gặp khúc mắc và cách chăm sóc bản thân để cuộc sống có ý nghĩa, đồng thời đủ thời gian theo đuổi những sở thích và thú vui, tham gia sinh hoạt cộng đồng. Rồi bọn tôi cùng nhau tổ chức viết blog, tổ chức các buổi thảo luận online về kỹ năng sống, về sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật với bạn bè bên ngoài, hỗ trợ nhau trong những chương trình mang tính cộng đồng, từ thiện. Ban đầu, bọn tôi có danh xưng tiếng Việt là “các chị em ở Mỹ”. Về sau, để tiện cho những chương trình cộng đồng cùng với các nhóm khác, nhóm đổi tên là Viet Sisters (những chị em người Việt). Những buổi Zoom ngày Chủ nhật trở thành liều thuốc tinh thần giúp chúng tôi đi qua một năm đại dịch thật ý nghĩa cùng với nhiều niềm vui. 

Cuộc sống hằng ngày của chúng tôi luôn bận rộn, phải làm việc, học tập 8 tiếng đồng hồ, hoặc (như tôi) có khi đến 12 tiếng đồng hồ trong môi trường sống xa lạ, người xung quanh mình không nói cùng ngôn ngữ, lại có quan điểm sống rất khác biệt người Việt Nam, do vậy việc có một nhóm bạn “đồng hương” thân thiết giúp tôi neo giữ mình với văn hóa và lịch sử của quê nhà, cũng như được chia sẻ những hiểu biết và trải nghiệm cá nhân. Đối với tôi đó là một nguồn hỗ trợ tinh thần rất lớn. Rồi tôi chợt nghĩ, đâu chỉ riêng ở Mỹ, ở các xứ sở khác có nhiều người Việt nhập cư hay ngay tại quê nhà, ai cũng cần có một nhóm bạn như thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những Chủ nhật Zoom
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO