Giao thông bằng xe đạp

Trần Kung (*)| 01/08/2021 04:00

Xe đạp? À, cái xe hai bánh. Cứ leo lên yên, cầm chắc tay lái rồi nhấn đều lên bàn đạp là nó chạy. Ai mà chẳng biết!

Kể ra thì từ ngày chiếc xe đầu tiên do Karl von Drais người Đức phát minh năm 1817-1818 thì chiếc xe đã thay đổi về cơ bản rất nhiều. Tuy nhiên, công lớn của ông là chế thêm một bộ phận để chiếc xe từ không bẻ lái được, có thể được điều khiển rẽ phải - trái. Nhưng chiếc xe đạp của quý ông Von Drais vẫn chưa có hai bàn đạp và người “lái” phải dùng hai chân quệt xuống mặt đường lùa xe tiến lên phía trước. 

Mãi đến năm 1861, hai cha con nhà Micheaux, Pierre và Ernest người Pháp mới phát minh thêm bộ pédal cho đỡ mệt mỏi cặp giò. Qua nhiều bước phát triển, đến khoảng giữa thế kỷ XX thì chiếc xe đạp được cải tiến vượt bậc, một bước hiện đại hóa tối đa nhờ các phát minh ra những vật liệu mới như nhôm cứng và cuối cùng là vật liệu nhựa tổng hợp như vật liệu sợi carbon gia cường, nhẹ bâng, khiến trọng lượng một chiếc xe loại đẳng cấp chỉ còn dưới 10kg. 

Từ ngày kinh tế và kỹ thuật cơ giới tiến triển mạnh mẽ thì hệ thống xe gắn máy và xe ô tô đủ loại chiếm lĩnh toàn bộ mặt đường, khiến giao thông trở nên ồn ào náo nhiệt, gây ô nhiễm không khí một cách đáng ngại và mức độ an toàn giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

xe-dap-3126-1627032058.jpg

Tuy vậy, vẫn còn một dân tộc nhỏ bé ở Âu châu là Hà Lan kiên cường và chung thủy với chiếc xe đạp cố hữu của mình. Kiểu xe đạp ở Hà Lan vẫn giữ thiết kế truyền thống đã nhập từ nước Anh hồi năm 1885 đến nay. Có vài đặc điểm chính để nhận diện chiếc xe đạp Hà Lan: xe hầu hết được sơn đen, trụ giữ tay lái cao gấp đôi xe thường nên người đi xe luôn phải ngồi thẳng lưng, bộ líp chỉ có 1 số hoặc tối đa 3 số do địa hình Hà Lan rất phẳng, không đồi núi và dây xích/sên luôn có vỏ bọc che kín suốt từ đĩa trước đến đĩa líp bánh sau. 

Có thể nói rằng không nơi nào trên thế giới người dân đi xe đạp nhiều và thường xuyên như ở Hà Lan. Khoảng 36% dân số của 17 triệu dân sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển hằng ngày. Tỷ lệ giao thông bằng xe đạp trên cả nước là 27%, ở thành phố lớn như Amsterdam là 38% và kỷ lục là thành phố Zwolle với 46% (theo Wikipedia). Do tỷ số dân sử dụng xe đạp cao nên hệ thống đường dành riêng cho xe đạp rất nhiều, tiện nghi... Các đường lớn đều được phân làn cho xe đạp. Tại các ngã tư còn có đèn giao thông riêng cho xe đạp nên mức độ an toàn rất cao, người đi xe đạp không chịu cảnh bị xe hơi, xe máy chèn ép. 

Ngoài phạm vi trung tâm thành phố, có đường riêng cho xe đạp dọc hai bên ven đường, có khi song song suốt cả một đoạn đường hàng vài chục cây số. Không chỉ ở Hà Lan mà hiện nay hầu hết các nước sung túc trên thế giới, từ khoảng 50 năm qua khắp Âu châu đã hình thành một mạng lưới xe đạp để người dân có thể du ngoạn tích cực trong suốt mùa Hè. Đường dành riêng cho môn thể thao xe đạp đại chúng được thiết kế khắp Âu châu, dọc các bờ biển, các dòng sông lớn nhỏ như sông Danube (Đức - Áo), dọc sông Rhin từ Thụy Sĩ đến tận biển Bắc ở Hà Lan, nhiều không kể xiết. 

Nhưng độc đáo nhất từ vài chục năm nay là một hệ thống đường xe đạp được thiết kế trên các hệ thống đường sắt cũ không còn được sử dụng nữa ở những vùng thôn quê hẻo lánh hoặc một số tuyến trong phố, có khi xuyên suốt cả thành phố dài 15-20 km như ở thành phố Wuppertal, Đức bị bỏ hoang từ những năm 1970.

Hiện ở Âu châu đang có khuynh hướng phát triển các “xa lộ xe đạp” rộng rãi và rất an toàn.

Mong sao tới đây khi Việt Nam xây dựng xong các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, chúng ta có thể cải tạo các tuyến đường hẹp trong phố như ở Hà Nội và TP.HCM thành các tuyến giao thông chỉ dành riêng cho xe đạp đi xuyên thành phố, giải quyết nạn ùn tắc, giảm ô nhiễm không khí và tăng cường sức khỏe người dân.

(*) Từ Thành phố F. Engels/CHLB Đức

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giao thông bằng xe đạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO