Gen Z bị căng thẳng trong đại dịch Covid-19 hơn các thế hệ khác

Anh Mi (*)| 09/12/2021 05:30

Covid-19 là nguyên nhân chính gây căng thẳng cho người Mỹ ở mọi lứa tuổi, nhưng một cuộc thăm dò mới đây cho thấy tầng lớp Gen Z (sinh năm 1997-2012) đã phải đối mặt với sự khủng hoảng tâm lý nặng nề nhất vì họ trưởng thành trong thời kỳ hỗn loạn.

Gen Z bị căng thẳng trong đại dịch Covid-19 hơn các thế hệ khác

Một cô gái Gen Z đi bộ trên cầu Tình Yêu (Love Bridge) vào ngày 3/11/2021 trong khu phố thuộc quận Oakland của thành phố Pittsburgh (tiểu bang Pennsylvania, Mỹ)

Theo AP, nhìn chung, hơn 1/3 người Mỹ từ 13-56 tuổi xem đại dịch là nguyên nhân đưa đến sự căng thẳng và nhiều người nói rằng Covid-19 đã khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn. Nhưng khi nói đến giáo dục, tình bạn và hẹn hò, sự giãn cách xã hội đã tác động nặng nề đối với Gen Z, theo kết quả khảo sát mới nhất từ MTV Entertainment Group và Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng của AP-NORC. Trong nghiên cứu tiến hành từ ngày 1-19/9/2021, AP-NORC đã phỏng vấn 3.764 công dân Mỹ, bao gồm 1.658 thanh thiếu niên từ 13-17 tuổi.

Gen Z đối diện với đại dịch khó khăn hơn tất cả các thế hệ 

Trong số thanh thiếu niên Mỹ thuộc Gen Z (cuộc khảo sát bao gồm độ tuổi từ 13-24), có 46% cho biết đại dịch đã khiến các em khó theo đuổi mục tiêu học hành hoặc nghề nghiệp hơn, so với 36% Gen Millennials (sinh năm 1981-1996) và 31% Gen X (sinh năm 1965-1980). Liên quan đến việc hẹn hò và các mối quan hệ lãng mạn, 40% Gen Z nói rằng điều đó trở nên khó khăn hơn, cũng chiếm tỷ lệ cao nhất. 

45% Gen Z cũng cho biết khó duy trì tình bạn, so với 39% Gen X và 41% Gen Millennials. Trong khi 18% Gen Millennials nói rằng mối quan hệ bạn bè khó khăn hơn thì mức độ này ở Gen Z là 24%. Khoảng một nửa số người Mỹ của nhiều thế hệ, bao gồm cả Gen Z, cho biết đại dịch buộc họ phải nỗ lực rất lớn để có được niềm vui và duy trì sức khỏe tâm thần.

Các phát hiện từ nghiên cứu này phù hợp với những gì mà các chuyên gia y tế và giáo dục Mỹ đang nhận ra. Sau nhiều tháng học từ xa và hạn chế tương tác xã hội, thanh thiếu niên và thanh niên đang có tỷ lệ trầm cảm và lo lắng cao hơn. Nhiều em đang phải đương đầu với sự thất bại trong việc học trực tuyến. 

TS. Cora Breuner - bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Children Seattle cho biết, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch tác động lớn trẻ em và thanh thiếu niên một phần có liên quan đến lứa tuổi, khi các em đang trong quá trình phát triển não bộ để trưởng thành. Đây là thời kỳ não bộ phát triển mạnh nhất của con người, hình thành những kỹ năng tinh thần cần thiết cho tương lai. 

Breuner nhận định: “Thật là một sự xáo trộn dữ dội khi bạn bị cô lập trong việc học tập, giảm tương tác xã hội với các bạn cùng lứa tuổi, trong khi các bậc phụ huynh cũng đang phải vật lộn với những vấn đề tương tự. Điều đó có nghĩa là, trong khi những người trẻ tuổi đang bị tụt hậu ở trường học, họ cũng đang bị tụt hậu về các kỹ năng cần thiết để đối phó với căng thẳng và đưa ra quyết định”.

So với các thế hệ khác, Gen Z xem trọng giáo dục và cho rằng đây là phần cốt lõi hình thành nên bản sắc cá nhân, theo cuộc khảo sát. Khoảng 2/3 số thanh thiếu niên Gen Z cho biết giáo dục rất quan trọng và vô cùng quan trọng đối với cá nhân, so với một nửa Gen Millennials và khoảng 4/10 ở Gen X.

Vilmaris González - người quản lý các chương trình thanh thiếu niên cho tổ chức phi lợi nhuận Education Trust ở tiểu bang Tennessee cho biết không có gì ngạc nhiên khi những người trẻ tuổi xem giáo dục là một lợi thế trong tương lai. Khi giới trẻ Gen Z đối mặt với những trở ngại trong học tập, họ lo ngại về tương lai, vì sự nghiệp của họ phụ thuộc vào giáo dục đại học mà hiện tại với cách học từ xa thì chẳng có gì chắc chắn.

“Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ không hiểu được mức độ nghiêm trọng của những tác động đó trong nhiều năm tới. Điều này sẽ là vết tổn thương mãi mãi trên thế hệ của họ”, cô Vilmaris González nói. 

9-12-pic-2-ap-2414-1639036542-7785-5892-

46% Gen Z cảm thấy khó khăn trong mục tiêu học tập và theo đuổi sự nghiệp và 49% Gen Z cảm thấy khó khăn để duy trì sức khỏe tâm thần, tỷ lệ cao nhất so với Gen Millennials và Gen X

Câu chuyện từ Gen X

Sự không chắc chắn về đại dịch trong mùa Thu năm nay là mối quan tâm hàng đầu của nhiều thế hệ, với 35% cho rằng đại dịch là lý do gây căng thẳng chính. Còn 29% khác cho biết nỗi sợ nhiễm Covid-19 là một tác nhân gây căng thẳng trầm trọng. 

Đối với Ivy Enyenihi, 16 tuổi, chỉ cần nghĩ về năm học vừa rồi thôi cũng khó. Trong khi cha mẹ cô gái tiếp tục đến văn phòng làm việc, em một mình ngày này qua ngày khác trong ngôi nhà ở Knoxville, Tennessee. Các lớp học trực tuyến ở trường trung học của Enyenihi bao gồm tương tác trực tiếp với giáo viên chỉ hai ngày một tuần, khiến cô gái hoàn toàn bị cô lập.

Enyenihi nói: “Tôi là một người rất thích xã giao và vì vậy không có mọi người xung quanh có lẽ là điều khiến tôi khó chịu nhất. Đại dịch khiến những điều bình thường trở nên khó thực hiện, khiến tôi cảm thấy thật chán nản”. Vào học kỳ mùa Xuân, Enyenihi đã bỏ qua các bài tập và chỉ làm ở mức tối thiểu để vượt qua, vì cảm giác bị cắt đứt với các bạn học và giáo viên ở trường mình.

Mọi thứ đã được cải thiện kể từ khi Enyenihi được trở lại lớp học trực tiếp trong năm nay và em vẫn bắt kịp các bài học toán đã bỏ lỡ năm ngoái. Enyenihi luôn tự hỏi liệu mình đã học đủ để hồ sơ đăng ký đại học được nổi bật hay chưa. Nhìn chung, cảm giác bị cô lập đã mờ đi đối với Enyenihi, nhưng ký ức về sự giãn cách xã hội kinh khủng vẫn tồn tại. 

Tanner Boggs, 21 tuổi, cho biết đại dịch đã làm rúng động gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống của em. Sinh viên năm cuối này tại Trường Đại học Nam Carolina cho biết đại dịch đã khiến học lực, sức khỏe tinh thần và thể chất của em đều quỵ ngã.

Boggs đã dành phần lớn thời gian của niên học trước trong phòng ngủ của mình, hầu như không có động lực để theo kịp các lớp học trực tuyến. Một số ngày Boggs thức dậy chỉ để đăng nhập vào một bài giảng của Zoom và sau đó trở lại giường. Sự lo lắng của Boggs trở nên tồi tệ hơn, ngay cả khi buộc phải đi đến cửa hàng tạp hóa để mua sắm thứ gì đó. 

Mặc dù Boggs hiếm khi ra ngoài nhưng cuối cùng Boggs vẫn bị nhiễm Covid-19 từ một người bạn cùng phòng. Sau khi chủng ngừa và trở lại các lớp học trực tiếp, học lực và sức khỏe tâm thần của Boggs đã được cải thiện, nhưng em nói, tình bạn với một số người dường như đã phai nhạt và một phần trong cuộc sống của em sẽ thay đổi mãi mãi.

Tuy nhiên, đối với một số người, đại dịch là thời điểm để suy nghĩ lại về các kế hoạch trong tương lai. Trước đó, Gabi Hartinger, 21 tuổi, đang theo học ngành sư phạm với mong muốn trở thành giáo sư. Nhưng năm ngoái,  khi cha em phải nhập viện hơn 40 ngày vì nhiễm Covid-19, cuộc sống của Hartinger hoàn toàn xáo trộn. Sự cô lập vì giãn cách xã hội khiến Hartinger càng thêm lo lắng và phải tìm đến bác sĩ tư vấn sức khỏe tâm thần.

Giờ đây, Hartinger - một sinh viên năm cuối tại Trường Đại học Ozarks ở Point Lookout, tiểu bang Missouri, hy vọng sẽ trở thành một nhà cố vấn tâm lý học đường để giúp các em học sinh trung học đương đầu với những thử thách của chính mình. “Đối với nhiều em học sinh trung học mà tôi biết, phải xa rời trường học và bạn bè trong thời kỳ đại dịch là một khó khăn rất lớn, việc muốn giúp các em đã thay đổi quan điểm của tôi về những gì tôi muốn làm khi tốt nghiệp đại họcHartinger bộc bạch. 

(*) Theo Collin Binkley & Hannah Fingerhut/AP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gen Z bị căng thẳng trong đại dịch Covid-19 hơn các thế hệ khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO