Chạy đua với Nga, Trung Quốc lần đầu cấp bằng sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19

Bảo Quân| 17/08/2020 04:30

Vắc-xin ngừa Covid-19 được cấp bằng sáng chế đầu tiên ở Trung Quốc có tên gọi Ad5-nCOV, do công ty dược phẩm sinh học CanSino Biologics sản xuất.

Chạy đua với Nga, Trung Quốc lần đầu cấp bằng sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19

Trung Quốc có vắc-xin Covid-19?

Dẫn tài liệu từ Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc, tờ People's Daily hôm 16/8/2020 cho biết, vắc-xin Ad5-nCOV do CanSino điều chế đã được cấp bằng sáng chế vào ngày 11/8, và đây là loại vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên được cấp bằng sáng chế ở Trung Quốc.

Theo tài liệu công bố, Ad5-nCOV có thể được sản xuất đại trà trong thời gian ngắn nếu dịch bệnh tiếp tục bùng phát. Về tính hiệu quả của vắc-xin, mạng truyền hình quốc gia Trung Quốc CGTN viết trên Twitter rằng, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của Ad5-nCOV "an toàn và có tạo ra phản ứng miễn dịch".

Có 320 "tình nguyện viên khỏe mạnh", trong độ tuổi 18-59 đã tham gia thử vắc-xin, với 96 người tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 224 người ở giai đoạn 2. Theo Tân Hoa xã, vắc-xin Ad5-nCOV đã thành công tạo ra các kháng thể trung hòa ở các tình nguyện viên và cho thấy khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Trước đó, phía Ả Rập Saudi cho biết, họ có kế hoạch thực hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với sản phẩm vắc-xin của CanSino. Đồng thời, CanSino cũng xác nhận đang đàm phán với Nga, Brazil và Chile để bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 ở các nước này.

Sau thông tin CanSino được cấp bằng sáng chế, và trở thành ứng viên sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên tại Trung Quốc, cổ phiếu của công ty dược phẩm này trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã tăng 14% trong phiên giao dịch sáng 17/8 và tăng 6,6% vào trưa cùng ngày trên sàn Thượng Hải.

Một nhân viên kỹ thuật làm việc tại cơ sở sản xuất vaccine của CanSino Biologics tại Thiên Tân, Trung Quốc năm 2018. Ảnh: Reuters.

Một nhân viên kỹ thuật làm việc tại cơ sở sản xuất vaccine của CanSino Biologics tại Thiên Tân, Trung Quốc năm 2018. Ảnh: Reuters.

Được biết, Ad5-nCov là "ứng viên" vắc-xin Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc chuyển sang thử nghiệm trên người vào tháng 3/2020. Tuy xuất phát điểm sớm hơn, song Ad5-nCov đi sau các loại vắc-xin tiềm năng khác về tiến độ thử nghiệm.

Cuộc đua với Nga

Trong một diễn biến khác, hãng tin TASS ngày 16/8 dẫn lời Alexander Gintsburg - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học N. F. Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga rằng, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc-xin ngừa Covid-19 mang tên Sputnik V có thể sẽ bắt đầu trong 7-10 ngày tới. 

Theo TASS, đây là giai đoạn nghiên cứu hậu đăng ký, và hàng chục nghìn người dự kiến sẽ tham gia vào đợt thử nghiệm này. "Vào ngày 17/8, chúng tôi sẽ giới thiệu bản đầu tiên cho bộ quy tắc về tiến trình nghiên cứu hậu đăng ký. Do nhận được sự quan tâm lớn từ người dân và truyền thông, tôi cho rằng Bộ Y tế sẽ không trì hoãn quy trình này, và sẽ thông qua bộ quy tắc trong 1 tuần. Do đó, tôi tin trong 7 hoặc tối đa 10 ngày tới, mọi thứ sẽ bắt đầu", ông Gintsburg nói.

Link bài viết

Ngày 11/8 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến cả thế giới chấn động khi khẳng định Nga đã đăng ký vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới với tên gọi Sputnik V, được đặt theo tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới do Liên Xô phóng lên vũ trụ vào năm 1957.

Tuy nhiên, vì chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3, nên Sputnik V đã phải đối mặt với không ít dấu hỏi về mức độ an toàn từ cả các chuyên gia lẫn truyền thông trong ngoài nước, khi nhiều ý kiến cho rằng, Nga đã "đốt cháy" giai đoạn để chiến thắng trong cuộc chạy đua tìm ra vắc-xin.

Lý do là vì, thử nghiệm giai đoạn 3 là bước quan trọng và cần thiết quy mô lớn, từ vài ngàn đến 100.000 người, chia thành nhiều nhóm với các độ tuổi khác nhau (trẻ em, thanh niên, trung niên và người già). Đã có trường hợp khi thử nghiệm giai đoạn 1, 2 và 3 đều cho kết quả tốt, song đến lúc triển khai trên toàn dân thì phát sinh tác dụng tiêu cực.

Thêm vào đó, một vắc-xin được xem là hiệu quả khi ít nhất 50% số người được tiêm không bị lây nhiễm khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Thời gian thử nghiệm giai đoạn 3 phải kéo dài ít nhất là 1 năm, và có khi đến 5 năm tùy theo loại. Do đó, không khó hiểu khi cả truyền thông lẫn giới khoa học phương Tây bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển vắc-xin của Nga.

Alexander Gintsburg, giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya, trong buổi họp tại Moskva, tháng 8/2020. Ảnh: TASS

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học N. F. Gamaleya Alexander Gintsburg trong buổi họp tại Moskva vào tháng 8/2020. Ảnh: TASS

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko khẳng định, các hoài nghi về Sputnik V là "vô căn cứ". Đáp lại những nghi ngờ, ông Gintsburg đã cho biết các liều vắc-xin ngừa Covid-19 do Nga điều chế "không đi lên từ số 0".

"Cả một thế hệ bác sĩ, chuyên gia virus, nhà miễn dịch học... đã phát triển công nghệ được sử dụng để tạo ra vắc-xin này và 6 loại khác nữa trong hơn 20 năm", ông Gintsburg nói. Đồng thời, vị Giám đốc nói, luật pháp Nga cho phép rút ngắn quá trình phát triển vắc-xin do tình trạng khẩn cấp của Covid-19, tuy nhiên, không quy trình an toàn nào bị bỏ qua dưới bất kỳ hình thức nào.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Nga là một trong 170 nơi trên thế giới đang tiến hành nghiên cứu điều chế vắc-xin ngừa Covid-19, nhưng không thuộc diện 6 nơi đang ở trong giai đoạn 3. Thế nên, hiện vẫn còn quá sớm để có thể kiểm nghiệm mức độ hiệu quả thực sự của Sputnik V hay đưa ra bất cứ kết luận cụ thể nào. Song, nếu nhìn vào cách Nga tuyên bố sự chào đời của Sputnik V, không thể không nhận thấy Nga tự tin và chắc chắn đến mức độ nào. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chạy đua với Nga, Trung Quốc lần đầu cấp bằng sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO