Rời chức vụ giám đốc marketing của một công ty nội thất có tiếng để vào vị trí bếp trưởng của Nhà hàng Góc Á, hỏi Ngô Thanh Hòa có tiếc không, anh chỉ cười. Tám năm miệt mài học tập để có tấm bằng thạc sĩ marketing, việc làm đúng nghề, đúng chuyên môn, với Hòa, không thể so sánh với việc làm để thỏa đam mê.
Đọc E-paper
Ngã rẽ đã định trước
Gặp lại Ngô Thanh Hòa khi hành trình tìm kiếm Vua đầu bếp Việt Nam mùa thứ 3 rục rịch khởi động. Hai năm sau ngày đăng quang ngôi vị Vua đầu bếp Việt Nam 2013, Hòa có quá nhiều việc phải làm: xuất bản một tập sách, đảm nhận công tác tư vấn ẩm thực cho vài nhà hàng, tập tành tổ chức tiệc cho các resort..., tất cả đều thuộc lĩnh vực ẩm thực.
"Danh hiệu đạt được trong cuộc thi là bước đẩy cuối cùng để tôi toàn tâm với con đường mà trước đây tôi chỉ nghĩ là phụ trong sự nghiệp của mình", Vua đầu bếp đầu tiên của Việt Nam nói. Và bước đi đầu tiên trên con đường mới của Hòa là gia nhập Góc Á, một nhà hàng nhỏ xinh nằm trên đường Hồ Xuân Hương, TP.HCM.
Hòa chia sẻ: "Có nhiều cách để khởi nghiệp. Khi mình chưa đủ tự tin, chưa đủ cứng cáp, cách tốt nhất là chọn bạn đồng hành. Cùng nhau khởi nghiệp cũng sẽ tiết kiệm được thời gian hơn".
Thanh Hòa cho biết, trước khi tham gia Góc Á cũng có vài lời mời hợp tác nhưng anh từ chối. "Với tôi, nguyên tắc hợp tác kinh doanh đầu tiên là phải tương đồng về quan điểm. Có được điều này thì liên kết mới bền vững", Hòa tiết lộ.
Với vai trò đồng sở hữu, việc đầu tiên và cũng thuộc chuyên môn của Hòa là thiết kế lại thực đơn và xây dựng lại phong cách phục vụ của Nhà hàng. Anh cho biết, không như khởi tạo sự nghiệp của riêng mình, có thể tự do thiết kế mọi thứ theo ý muốn, khởi nghiệp dựa trên nền tảng có sẵn và kết hợp với người khác đòi hỏi anh phải vừa nhu vừa cương.
Dù được đối tác tôn trọng tuyệt đối nhưng Hòa vẫn vừa mạnh dạn đưa ra những ý tưởng của mình, vừa linh hoạt, uyển chuyển để thích ứng với hạ tầng đã có sẵn nhằm không gây ra sự xáo trộn.
Thực đơn của Góc Á, dưới bàn tay thiết kế của Hòa, có sự hiện diện của những món ăn đã giúp anh chiến thắng ở sân chơi ẩm thực "Master Chef Việt Nam 2013" và cũng có những sáng tạo mới của Vua đầu bếp. Có thể kể đến các món như: cá chẽm sốt 3 vị, cá hồi chế biến với nước mắm và gừng, gỏi bưởi cơm dừa với đường thốt nốt...
Thanh Hòa chia sẻ: "Hướng đến khách hàng là các gia đình trẻ, yêu thích trải nghiệm mới, tôi muốn Góc Á giới hạn giá phục vụ ở mức trung bình. Chi phí một bữa ăn cho một gia đình có 4 thành viên ở tầm dưới 1 triệu đồng".
Âu trong Á
Nhiều năm sống và làm việc tại Úc, dù luôn quan tâm giữ gìn "hương vị quê nhà” nhưng "gu" ẩm thực của Hòa đã hòa trộn tinh hoa ẩm thực Âu lẫn Á. Nguyên liệu, gia vị có thể thuần Á nhưng cách nấu lại rất Âu và ngược lại. Chính điều này đã làm nên sự khác biệt cho những món ăn của Thanh Hòa.
"Không chỉ ngon, tôi muốn món ăn mình nấu còn phải đảm bảo sức khỏe nên thường cân nhắc kỹ sự hài hòa trong các nhóm chất. Việc chọn lựa, bảo quản và chế biến nguyên liệu phải đúng quy trình. Bởi, chi tiền nhiều mua nguyên liệu đắt tiền mà không bảo quản hay chế biến đúng cách thì món ăn cũng sẽ mất dưỡng chất", Hòa nói vậy. Lượng khách đến với Góc Á ổn định, có đơn hàng đặt tiệc liên tục chính là sự ủng hộ của thực khách TP.HCM dành cho Thanh Hòa.
Nghiên cứu thị trường ẩm thực tại TP.HCM, Hòa vui mừng nhận ra sự hào phóng trong việc đón nhận cái mới của khách hàng. Theo Thanh Hòa, nhu cầu ẩm thực không bao giờ giảm, người Sài Gòn lại thích trải nghiệm món ăn mới..., đó là lý do ẩm thực được xem là lĩnh vực được nhiều người chọn để khởi nghiệp và thuận lợi nhất hiện nay.
Tuy nhiên, Vua đầu bếp mùa đầu tiên cho biết thêm, đây cũng chính là thách thức đối với những người chọn ẩm thực để kinh doanh. Anh bảo: "Áp lực cạnh tranh trong ngành này rất lớn. Nếu tạo được ấn tượng tốt với khách hàng mà không chú ý chăm sóc họ thì việc giữ chân "thượng đế” sẽ rất khó”. Thế nên Góc Á triển khai công tác giao tiếp và kết nối với khách hàng rất chu đáo.
Đã có được tình cảm của thực khách, hỏi Thanh Hòa có ý định phát triển Góc Á thành chuỗi để quảng bá thương hiệu hay không, anh lắc đầu bảo: "Sự tinh túy khó thể "nhân giống" theo kiểu công nghiệp. Chiều sâu chưa đạt mà sa đà vào phát triển chiều rộng dễ dẫn đến làm khách hàng thất vọng".
Trong dự định của anh sẽ chỉ có một Góc Á, bởi anh còn muốn dành sức để theo đuổi giấc mơ khác. Đó là một tạp chí về ẩm thực để qua đó giới thiệu đến những người đam mê nghệ thuật ẩm thực những xu hướng, địa chỉ... cần tìm đến. Cùng với đó là truyền cảm hứng để mọi người thấy nấu ăn thực sự không khó, chỉ cần yêu thích, sáng tạo là có thể làm ra những món ăn ngon.
>Kinh doanh ẩm thực "hút" giới trẻ
>NTK Châu Phạm - "chân dài" xa showbiz