AAFA cho rằng đây không phải là lúc để áp đặt các chi phí mới đối với chuỗi cung ứng của Mỹ. |
Theo thông cáo báo chí của VITAS được phát đi sáng thứ 6 (9/10), Bà Hoàng Ngọc Ánh- Quyền Tổng thư ký VITAS bày tỏ sự thất vọng khi USTR ra thông báo sẽ mở cuộc điều tra hàng dệt may Việt Nam theo mục 301.
“Đây là động thái có thể mở đường cho việc áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với hàng nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam. Nguyên nhân xuất phát cho cuộc điều tra lần này là do tác động tiêu cực của thuế quan đối với hàng nhập khẩu trong các cuộc điều tra trước đó,” bà cho biết.
Bà Ánh cho biết, VITAS đã làm việc với Hiệp hội may mặc và giày dép Mỹ (AAFA) về việc này ngay sau Mỹ công bố thông tin về cuộc điều tra (2/10). Ba ngày sau (5/10), AAFA đã có kiến nghị USTR cân nhắc để không gây thêm gián đoạn về chuỗi cung ứng.
Ông Steve Lamar, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Hiệp hội may mặc và giày dép Mỹ AAFA khẳng định: “Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng đối với ngành công nghiệp may mặc, giày dép, du lịch của Mỹ và ngày càng trở nên quan trọng hơn khi các doanh nghiệp của Mỹ đang thực hiện chiến dịch đa dạng hóa và thoát ly Trung Quốc.”
Theo ông, khi các thương hiệu nỗ lực để tái cấu trúc mô hình tìm nguồn cung ứng để bảo vệ người tiêu dùng Mỹ và người lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi chi phí gia tăng do thuế quan và tuân thủ các chỉ thị của chính quyền về việc đa dạng hóa thị trường và rời xa Trung Quốc, rất nhiều trong số họ đã chọn Việt Nam là đối tác đáng tin cậỵ.
Vì vậy, việc áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ gây ra sự gián đoạn vô cùng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến đầu tư và làm tăng giá, ảnh hưởng đến các hộ gia đình người lao động tại Mỹ và gia tăng chi phí cho chuỗi cung ứng hỗ trợ trực tiếp cho hàng triệu lao động tại Mỹ.
Thuế quan sẽ đánh trực tiếp vào người tiêu dùng và người lao động Mỹ. |
AAFA cho rằng đây không phải là lúc để áp đặt các chi phí mới đối với chuỗi cung ứng của Mỹ, đặc biệt là đối với những người tạo ra việc làm cho người lao động vẫn đang hồi phục sau tác động của đại dịch Covid-19. "Thuế quan sẽ đánh trực tiếp vào người tiêu dùng và người lao động Mỹ. Đã đến lúc chính quyền cần có cách tiếp cận khác về chính sách thương mại, một chính sách không trừng phạt người tiêu dùng, người lao động và cả cộng đồng Mỹ mà chính quyền vẫn đang hỗ trợ.", AAFA khẳng định.
Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc, giày dép lớn thứ hai cho thị trường Mỹ sau Trung Quốc. Ngược lại, Việt Nam cũng là quốc gia nhập khẩu bông hàng đầu của Mỹ.
Nhiều năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và là một trong những đối tác có sự mất cân đối lớn nhất. Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Việt Nam năm nay là 42.36 tỷ USD tính tới hết tháng 8, tăng hơn 7.5 tỷ USD so với hồi cuối tháng 7, mức thâm hụt lớn thứ 4 sau Trung Quốc, Mexico và Thụy Sĩ.
Trong danh sách nhà xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Mỹ, Việt Nam đã tăng đến 4 bậc, từ vị trí thứ 6 năm 2015 lên vị trí thứ 2 vào năm 2020, theo Báo cáo Nhập khẩu Toàn cầu năm 2020 của Jungle Scout, công cụ bổ trợ bán hàng hàng đầu trên Amazon.