Kỳ 1: Nàng tiên cá Vĩnh Hy
Tôi đã qua đêm trong vườn quốc gia Núi Chúa, chinh phục đỉnh Cô Tuy, tắm hồ Treo, xem rùa đẻ, đi tàu đáy kính và lặn ngắm san hô...
Bình minh diêm điền hải (ruộng muối) và thác trên biển ở Hang Rái |
Khí hậu khắc nghiệt, ít mưa nhưng đồng lúa Ninh Thuận luôn mượt mà xanh, được mệnh danh vùng đất TNT (tỏi - nho - táo) và BCD (biển - cừu - dê). Núi Ninh Thuận chập chùng đá, chen nhau tạo dáng như các sơn nam mạnh mẽ, sống động. Những vườn nho quanh năm trĩu quả, ngọt ngào như thôn nữ dậy thì.
Ninh Thuận còn sở hữu cặp đôi thiên nhiên hoàn hảo: nàng tiên cá Vĩnh Hy - nam sơn vương Núi Chúa.
Vĩnh Hy - một vịnh nhỏ được vườn quốc gia Núi Chúa bao quanh, kết hợp thành cặp đôi thiên nhiên hoàn hảo, không đâu có. Con đường ven biển điệu đàng uốn lượn. Biển xanh như không thể xanh hơn. Cát trắng trinh nguyên. Gió hào phóng dễ làm khách lạc lối. Tha hồ sống ảo với vô vàn khung hình, clip đỉnh.
Vĩnh Hy như nàng tiên cá chân quê, chưa biết trang điểm, quanh quẩn làng chài yên bình. Chưa có nhà cao tầng và dịch vụ xô bồ. Biển lặng, xanh, mát đến nao lòng. Thuộc khu bảo tồn biển trong vườn quốc gia Núi Chúa, Vĩnh Hy có hệ sinh thái san hô với 353 loài, gồm 307 loài san hô cứng tạo rạn, 46 phân loài san hô mới tại Việt Nam.
Du thuyền đáy kính ngắm san hô hoặc lặn, ngắm san hô là trải nghiệm khó quên. Suối Lồ Ồ như sợi tơ trời, se duyên vườn quốc gia Núi Chúa và Vĩnh Hy, nghìn năm chung thủy, bền chặt, quanh năm rầm rì, to nhỏ cùng gió, cùng cây. Ước gì đoạn cuối ra biển, được sắp xếp thành hồ bơi tự nhiên vô cực.
Suối Lồ Ồ |
Cách Vĩnh Hy chừng 5km là hang Rái và bãi rùa đẻ. Có thể đạp xe hoặc chạy bộ thể dục sáng sớm. Hang Rái, nghe kể chuyện xưa, giờ không thấy rái cá nhưng có nhiều trải nghiệm kỳ thú. Khối san hô cổ khổng lồ, hàng triệu năm, ngỡ chiến hạm cập bến. Bề mặt khối lồi lõm, góc cạnh như trên sao Hỏa. Khách vô tư đứng ngồi, tạo dáng check-in. Chỉ sợ mai này biến dạng, hư hỏng.
Bên cạnh là “diêm điền hải” (ruộng muối) và thác nước trên biển. Ruộng muối là những khối đá phẳng trên mặt biển. Thủy triều lên, sóng đùa nghịch tung bọt trắng xóa. Nước tràn xuống, tạo thành thác ô van độc đáo. Đôi khi, có cầu vồng thập sắc (bảy sắc thêm màu đá, nước biển, màu sóng). Thủy triều xuống, nắng lên, nước biển khô, kết tinh thành muối.
Từ chưa mờ sáng, các nhiếp ảnh gia, đủ đẳng cấp, í ới gọi nhau, lỉnh kỉnh máy, thiết bị, đợi thời khắc bình minh. Náo nức hơn cả lần đầu hẹn người yêu trong mộng. Mặt trời lên, rong rêu đủ màu khoe sắc, suốt đêm gợi tình, chờ tri kỷ.
Bãi Rùa, còn gọi bãi Thịt (xưa là nơi xẻ thịt rùa), nay là “nhà sinh” của rùa. Đầu tháng 4 đến tháng 11 hằng năm, rùa tìm đến bãi Thịt đẻ trứng, nhiệt độ cát trung bình khoảng 32 độ C. Cao hơn, trứng nở toàn rùa cái, thấp hơn, toàn rùa đực. Xem rùa đẻ, phải rón rén, kiên nhẫn. Nếu biết có người rình, rùa mẹ mắc cỡ, đẻ khó.
Ban đêm, rùa mẹ từ biển lên cát, dùng hai chân trước bới thành ổ rộng, hai chân sau đào hố nhỏ, sâu 30-40cm để đẻ trứng, xong lấp cát. Khoảng hai giờ liền, rùa đẻ chừng 80-120 trứng, rồi về lại đại dương. Lập tức tổ cứu hộ ghi ngày, tháng rùa đẻ; tuần tra, bảo vệ trứng 24/7. 40-60 ngày sau, trứng nở. Tổ cứu hộ giúp rùa con về biển an toàn. Khi trưởng thành, chúng quay lại nơi sinh ra, tiếp tục vòng đời, đẻ trứng, duy trì nòi giống.
(*) Chủ tịch Lửa Việt Tours