Vĩnh Hy và Núi Chúa: Cặp đôi thiên nhiên hoàn hảo (Kỳ 2)

Nguyễn Văn Mỹ (*)| 11/03/2023 01:00

Tôi đến Vĩnh Hy từ năm 1998 bằng xe gắn máy. Vùng đất “nắng như rang” chưa có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đường 702 hẹp, nhiều đoạn cát tràn, vắng ngắt. Thi thoảng phải giảm ga vì sợ dông cát đột ngột băng qua đường. Suối Lồ Ồ hoang dã với mấy “khẩu mía” (tiếng Raglay là đập tràn) tạo nên những thác và hồ nhỏ, len lỏi rừng cây và đá. Đến nay, hơn chục lần trở lại, lần nào cũng có thêm trải nghiệm mới, bất ngờ.

Kỳ 2: Nam sơn vương Núi Chúa

Vườn quốc gia Núi Chúa - khu dự trữ sinh quyển thế giới, rừng khô hạn châu Phi duy nhất ASEAN diện tích gần 30.000ha (22.513ha đất liền và 7.352ha biển). Có 1.504 loài thực vật bậc cao thuộc 85 bộ, 147 họ và 596 chi, 30 loài quý hiếm sách đỏ; 330 loài động vật xương sống, 84 loài thú, 163 loài chim, 83 loài bò sát lưỡng cư, 46 loài nguy cấp quý hiếm sách đỏ Việt Nam và thế giới. 

-8244-1678418160.jpg

Bình minh Núi Chúa

Là nơi duy nhất đất liền ASEAN có rùa biển sinh sản hằng năm, gồm rùa xanh, đồi mồi và đồi mồi dứa. Chà vá chân đen, gà tiền mặt đỏ, ếch cây Trung Bộ là động vật đặc hữu Đông Dương. Khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, sơn dương, nai, gà lôi lông tía, rùa núi vàng... là những loài được bảo tồn. 

Núi Chúa cao 1.039m, hình rùa quay đầu phía Nam, đuôi là mũi Xốp như đang bò lên từ biển. Cao nhất là đỉnh Cô Tuy (Chúa Anh). Thấp hơn là Núi Ông (Chúa Em). Để chinh phục, phải gian nan vượt qua nhiều đỉnh khác. Dân phượt gọi là Chúa Chắt, Chúa Cháu, Chúa Chồng, Chúa Vợ...

Khí hậu khô hạn, mưa ít, cát bỏng nhưng Núi Chúa có nhiều suối và hồ đẹp. “Anh cả” là hồ Treo, đường kính 70-80m, quanh năm nước trong xanh, nhiều vỉa đá nhấp nhô như non bộ. Từ những sườn núi cao, nhiều dòng suối chảy xiết, tung bọt trắng xóa mà “chị Hai” là suối Lồ Ồ, len lỏi giữa các vách đá và cỏ cây ra vịnh Vĩnh Hy. 

Núi Chúa được mệnh danh là “thảo nguyên cây gai”. Cây thường thấp, lá dày và nhỏ, hình răng cưa hoặc gai. Đến cây rừng cũng quắt, cành nhỏ xíu, gai nhọn tua tủa, chạm vào lá cũng nhói đau. Nhờ nắng gió trui rèn, cây xanh tự biến mình thích nghi với hình thù đẹp mắt như cả rừng bonsai khổng lồ. 

Lên cao, cây cối xanh hơn. Có cả rừng mai kiêu hãnh, nở vàng rực, làm ngẩn ngơ mây gió. Có rừng cỏ tranh như trong phim Thập diện mai phục. Ngỡ ngàng như đang nghe cỏ hát lời tình tự ngàn năm. Buổi sáng nóng bức, xế chiều trời mù, mờ ảo nhưng “Không phải khói, chẳng sương rơi/Chỉ là mây lạc xuống chơi thôi mà”. 

-4569-1678418160.jpg

Đỉnh Núi Chúa

Hành trình chinh phục Núi Chúa chừng 20km, 2 ngày 1 đêm, đi sớm về trễ, có hướng dẫn viên và porter chuyên nghiệp lo hậu cần. Mang thêm thức uống tăng lực, vitamin C. Ngủ lều hoặc mắc võng kiểu bộ đội Trường Sơn bên bếp lửa. Thức giấc, giật mình nghe chim hót, vượn hú, bướm bay và bình minh. 

Trong nắng sớm, đỉnh Cô Tuy lờ mờ trước mặt. Hơn 200m độ cao cuối cùng, lác đác cây lá kim, vắt rình rập và dốc đứng hù dọa. Chân bám đất, tay níu cây, mặt chạm giày người đi trước. Ven đường, thi thoảng gặp cây hoàng đàn giả, loại “cây thần thánh”, gỗ thơm, không mối mọt, đuổi côn trùng, thư giãn thần kinh, dùng tạc tượng, làm xâu chuỗi. 

Có nhiều loài cây thuốc như huyết giác (giác máu, dứa dại, xó nhà). Cây chân vịt (trường sinh) mùa khô lá xoắn tròn, gặp ẩm, lá xòe xanh sống lại. Cây xào dông để xào dông cát, thịt gà, thịt vịt. Cây chành rành làm chổi chà. Gặp mưa bão, lá tươi nhóm lửa, cháy như lá khô. Cây mã tiền (củ chi), ngâm rượu chữa nhức mỏi nhưng uống nhầm là theo tổ tiên.

Đoạn cuối của đỉnh bao giờ cũng rất khó khăn. Hình như thiên nhiên muốn nắn gân lữ khách trước khi ban tặng thành quả. Đứng bên cột mốc kim loại hình chóp nhọn với dòng chữ “Núi Chúa - nơi khí hậu khắc nghiệt khô hạn nhất Việt Nam”, ngỡ đang bay giữa vũ trụ, bỏ lại sau lưng mọi gian truân của chặng đường vừa qua, dù mấy lần muốn bỏ cuộc.

Thiên nhiên khéo đặt tảng đá lớn trên đỉnh Núi Chúa để du khách dưỡng sức, selfie và chuẩn bị tiếp tục hành xác. Chạm đỉnh cao nào rồi cũng phải xuống. Hành trình gian nan không kém. Leo lên hay xuống, đều có cái khó riêng. 

Ai cũng giật mình vì đã vượt qua những đoạn dốc hiểm trở, rất dễ té vào những bụi cọ đầy gai. Từ đỉnh Núi Chúa về điểm xuất phát chừng 9km đường rừng. Cứ hạ cao độ khoảng 200m lại gặp những cánh rừng khác nhau. Rừng rậm, rừng cỏ tranh, rừng bonsai, rừng cây gai...Cả người rã rời. Đôi chân bướng bỉnh cố cãi lệnh từ não. Bù lại, cảm giác ngập tràn niềm vui chiến thắng. Ùa xuống biển vẫy vùng. Vĩnh Hy thủy chung, nồng nàn đón đợi những lữ khách dám vượt qua chính mình.

Ẩm thực đặc sản địa phương cực kỳ phong phú, hương vị “rất Phan Rang”. Qua đêm cùng “cặp đôi” có resort cao cấp đến nhà nghỉ bình dân, tùy túi tiền. 

Du lịch Việt Nam hiếm có nơi nào “thiên thời, địa lợi, thủy hòa” như Vĩnh Hy - Núi Chúa.

(*) Chủ tịch Lửa Việt Tours

Kỳ 1: Nàng tiên cá Vĩnh Hy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vĩnh Hy và Núi Chúa: Cặp đôi thiên nhiên hoàn hảo (Kỳ 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO