Trong nước

Việt Nam xếp thứ 6 về tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất thế giới

Nguyễn An 20/10/2023 15:00

Việt Nam là đại diện châu Á duy nhất nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nhân vào dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE), tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ đang tăng nhanh trong những năm gần đây, hiện giữ vị trí cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động hiện rất cao, lên đến 78,2% (tỷ lệ này ở nam giới là 86%). Tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 đạt 27,2%. Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%.

Thực tế trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều sự quan tâm đặc biệt dành cho sự phát triển của đội ngũ nữ doanh nhân trong nước, với những cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo đổi mới và khởi nghiệp thành công. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kêu gọi thúc đẩy hơn nữa sự tiến bộ của phụ nữ bằng việc kêu gọi các nước cùng nhau giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ như giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xung đột, bạo lực, phát huy vai trò trong cách mạng công nghiệp 4.0…

Qua đó, vị thế của các nữ doanh nhân Việt Nam trên thương trường dần được nâng cao trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Thông qua tăng cường phối hợp nhằm thúc đẩy việc hoạch định và thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ, phụ nữ Việt Nam đã chủ động vươn lên để phát huy hết tiềm năng của mình trong một thực tiễn mới, đóng góp vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, khi nền kinh tế Việt Nam đang chịu những tác động nặng nề nhất thì các nữ doanh nhân Việt Nam lại trở thành những người truyền năng lượng tích cực cho nhân viên, cộng sự, duy trì hoạt động kinh doanh, đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng hành trong thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Dù vậy, không thể phủ nhận phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ định kiến giới, sự bất bình đẳng trong môi trường làm việc và trao cơ hội để phát triển so với nam giới.

Ở Việt Nam, hiện số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và cực nhỏ, với khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, với đặc tính giới, phụ nữ cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong việc thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh.

Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn phát triển cho doanh nghiệp nữ chủ, những định kiến tồn tại lâu đời đang đặt lên vai phụ nữ gánh nặng gấp đôi so với nam giới khi họ vừa phải chăm lo cho gia đình, vừa phải có trách nhiệm với doanh nghiệp. Phụ nữ cũng thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, khó có cơ hội được đào tạo hay giao lưu, học hỏi do gánh nặng gia đình, sinh con.

Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều hành động hỗ trợ các nữ doanh nhân trong phát triển kinh tế theo chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Theo đó, Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2025, khoảng 20.000 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp và tổ chức xã hội cũng đang chung tay để kiến tạo một môi trường làm việc bình đẳng và dành nhiều cơ hội hơn cho nữ giới.

Bên cạnh đó, nhiều Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý cũng thường xuyên hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp nữ chủ trong hoạt động kinh doanh. Đây là những hành động thiết thực trong việc hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp của Chính phủ và xã hội Việt Nam dành cho đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam xếp thứ 6 về tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO