Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023”. Báo cáo đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam, theo đó tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47% theo kịch bản 1 và 6,83% trong kịch bản 2. Bên cạnh đó, lạm phát bình quân năm dự báo lần lượt ở mức 4,08% và 3,69%.
Tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD...
Báo cáo đã nhìn nhận lại thời kỳ đổi mới năm 1986 đến nay, Việt Nam tập trung cải cách 3 trụ cột chính là cải cách thể chế kinh tế định hướng thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Theo báo cáo, ba giai đoạn 1989-1996; 2000-2007 và 2014-2019, Việt Nam hội nhập kinh tế mạnh mẽ và có những đổi mới căn bản cũng như đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng.
Nhờ đó, kim ngạch thương mại vẫn đạt được những kết quả khả quan ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế phải đối mặt với những tác động bất lợi như căng thẳng Mỹ - Trung Quốc hay những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Việt Nam được xem là một trong những thị trường thương mại điện tử tiềm năng trên thế giới.
Trong khi đó, theo báo cáo từ Google, Temasek và Bain&Co (e-Conomy SEA 2022), ước tính kinh tế số của Việt Nam đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và cao thứ ba trong khu vực (sau Indonesia 77 tỷ USD và Thái Lan 33 tỷ USD). Báo cáo này dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025. Kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng được dự báo ở mức trung bình 31%/năm cho giai đoạn 2022-2025.