Việt Nam sẽ là điểm sáng kinh tế toàn cầu 2022

Nguyễn Hòa| 12/10/2022 03:33

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam cả năm 2022 có thể đạt từ 7,5-8%.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Mức tăng trưởng này nếu đạt được, Việt Nam sẽ là một điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

* Tăng trưởng GDP ba quý đầu năm vượt ngoài kỳ vọng. Theo bà, những yếu tố nào giúp nền kinh tế hồi phục khả quan như vậy? 

- Số liệu tổng hợp, phân tích, đánh giá của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý III/2022 tăng trưởng GDP bứt phá đạt 13,67% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung, ba quý đầu năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Yếu tố quan trọng khiến nền kinh tế Việt Nam hồi phục tăng trưởng ấn tượng, đó là sự nỗ lực hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cũng như cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, tăng trưởng GDP âm của quý III/2021 là một yếu tố tạo đà cho tăng trưởng GDP quý III/2022 bứt phá đạt hai con số.

* Những lĩnh vực nào đang đóng vai trò là động lực, giúp cho nền kinh tế đang hồi phục tăng trưởng nhanh vậy thưa bà?

- Dịch vụ là bức tranh nổi bật của nền kinh tế ba quý đầu năm 2022. Kể từ quý III/2021, lĩnh vực dịch vụ đã được khôi phục, cho đến nay một số ngành đã có tốc độ khôi phục vượt mốc thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19 (năm 2019). Đặc biệt, một số ngành dịch vụ trong quý III/2022 đã hồi phục rất mạnh với mức tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm 2021 (bán buôn, bán lẻ, vận tải...).

Tăng trưởng công nghiệp ba quý đầu năm 2022 cũng rất ấn tượng, đạt 9,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,6%, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, dầu thô vẫn duy trì tốt.

Nông nghiệp duy trì được đà tăng trưởng khoảng 3%, bảo đảm an ninh lương thực, góp phần ổn định lạm phát với nguồn cung lương thực và thực phẩm dồi dào, bảo đảm hàng hóa cho hoạt động xuất khẩu.

* Theo bà, những yếu tố nào sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng GDP những tháng cuối năm?

- Độ mở của nền kinh tế Việt Nam với thế giới rất lớn. Các dự báo đều cho thấy, kinh tế toàn cầu 2022 hồi phục chậm, áp lực lạm phát cao ở nhiều quốc gia, cùng với tình hình thế giới và thiên tai, bão lũ... diễn biến phức tạp, những yếu tố này sẽ tác động ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam. 

Kinh tế toàn cầu hồi phục chậm khiến nhu cầu tiêu dùng suy giảm, có thể khiến xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp. Giá nhiên liệu xăng dầu tăng, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào sản xuất của các doanh nghiệp. Đồng thời, việc thay đổi tỷ giá của quốc tế cũng sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá trong nước, tạo ra áp lực về đầu vào sản xuất trong nước, cũng như ảnh hưởng đến đầu ra của các sản phẩm Việt Nam.

* Bà dự báo khả năng tăng trưởng GDP cuối năm và cả năm 2022?

- Những tháng cuối năm 2022, gói phục hồi kinh tế sẽ tiếp tục triển khai, các ngành nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp chế biến và chế tạo vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. 

Dưới sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp... trong việc tiếp tục duy trì ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, khai thác hiệu quả các yếu tố nội lực của nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, tôi cho rằng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong cả năm 2022 có thể đạt khoảng từ 7,5-8%. 

Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam sẽ là điểm sáng kinh tế toàn cầu 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO