Vì sao Airbnb bị phản đối trên toàn cầu?

31/10/2016 06:24

Airbnb bị cáo buộc gây ra thiệt hại trầm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.

Vì sao Airbnb bị phản đối trên toàn cầu?

Airbnb - dịch vụ chia sẻ phòng trọ trong thời gian ngắn được định giá 30 tỷ USD đang đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý trên toàn cầu.

Trong 8 năm tăng trưởng đột biến, Airbnb đã nhiều lần gặp rắc rối với các cơ quan chính phủ khi các cơ quan này muốn giảm thiểu thiệt hại từ việc cho thuê nhà ngắn hạn. Dịch vụ này gây ảnh hưởng đến các khu dân cư và thị trường nhà ở trong thành thị. Hiện, các chính quyền địa phương đã có những biện pháp mạnh tay hơn nhằm kiểm soát dịch vụ cho thuê phòng này.

Cụ thể, Thống đốc thành phố New York Andrew Cuomo đã ký một sắc lệnh vào ngày 20/10 khẳng định Airbnb làm thiệt hại đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại đây - thị trường lớn nhất của Airbnb tại Mỹ. Sau đó, Airbnb đã đệ đơn kiện lên toà án liên bang và yêu cầu chính quyền thành phố thu hồi sắc lệnh này.

Thủ đô Berlin của Đức cũng vừa ra luật cấm việc cho thuê nhà ngắn hạn. Các thành phố Barcelona và Amsterdam cũng ra những luật tương tự với các khoản phạt cao ngất.

Airbnb cũng đang trong một trận chiến pháp lý tại thành phố San Francisco nhằm chống lại một luật mới yêu cầu công ty này không được nhận tiền dịch vụ nếu các chủ nhà không đăng ký với thành phố.

Những cuộc chiến pháp lý này là thử thách đối với mô hình kinh doanh của Airbnb. Công ty cho rằng họ không chịu trách nhiệm với những hoạt động của người dùng trên nền tảng của họ. Nếu công ty này bị buộc phải áp dụng luật lên những hoạt động thuê nhà ngắn hạn của họ thì số lượng người dùng sẽ giảm trầm trọng.

Airbnb được xem là “dịch vụ ở ké”, là trang web cho phép người đi du lịch và những người có phòng trống, nhà trống hoặc thậm chí cả một tòa lâu đài trống có thể kết nối với nhau và thuê hoặc cho thuê chỗ để ở trong thời gian đi du lịch.

Được thành lập từ năm 2008, Airbnb nhanh chóng được nhiều người ưa chuộng, nhất là khách du lịch bởi họ có thể tiết kiệm được một khoản chi phí lưu trú khá lớn. Bên cạnh đó, đây cũng là mô hình “kết bạn” hiệu quả với những ai thích “giao lưu” hoặc đơn giản hơn là tìm những địa chỉ như địa điểm du lịch, quán ăn, nhà hàng giá rẻ, quán cà phê… đáng tin cậy.

Giống với dịch vụ “đi nhờ xe Uber”, Airbnb là dịch vụ mà nếu có phòng trống trong nhà, chủ nhà có thể cho người khác ở nhờ và thu lại một số tiền. Dịch vụ này hiện được định giá 30 tỷ USD và đã có mặt tại Việt Nam từ tháng 1/2015.

Airbnb vốn đã làm việc với các chính quyền địa phương tại 200 địa điểm khắp thế giới về các nghĩa vụ thuế và thỉnh thoảng là về các quy định trong việc cho thuê nhà ngắn hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ở những địa điểm thu hút khách du lịch nhất thì Airbnb làm đội giá nhà ở và làm mất trật tự trong các khu dân cư với luồng khách vãng lai ra vào thường xuyên.

Luật của bang New York nghiêm cấm việc cho thuê lại căn hộ nếu chủ nhà đi vắng ít hơn 30 ngày. Đạo luật mới thậm chí nghiêm cấm việc quảng bá mô hình kinh doanh này và tạo điều kiện cho nhà chức trách "nắm thóp" cả Airbnb chứ không chỉ người dùng. Airbnb cho rằng điều này là vô lý, rằng việc phạt một công ty về nội dung của người dùng tự đăng tải là vi phạm luật liên bang.

Tại thành phố New York, Airbnb đã gỡ bỏ 3.000 địa điểm bị cho là bất hợp pháp trong tổng số 44.622 căn hộ cho thuê trên trang web của công ty này.

Tại Đức, Airbnb có thể phải đóng khoảng phạt 110.000 USD vì vi phạm điều luật nghiêm cấm chủ nhà cho thuê nhiều hơn 50% diện tích căn hộ của họ trong thời gian dưới 2 tháng. Chính quyền thành phố yêu cầu công ty này cung cấp thông tin các chủ nhà, và Airbnb từ chối - điều này có thể dẫn đến việc hai bên dắt nhau ra toà án.

"Nếu Airbnb muốn đem việc này ra toà thì chúng tôi cũng sẽ theo tới cùng", Martin Pallgen, người phát ngôn của Thượng nghị viện Berlin cho biết.

Barcelona, thị trường lớn thứ ba của Airbnb tại châu Âu, đang đưa ra án phạt 65.000 USD hoặc cao hơn cho các trường hợp cho thuê nhà không giấy phép. Amsterdam cũng đã tiến hành chiến dịch càn quét bằng việc lọc ra những người cho thuê nhà bất hợp pháp từ website của Airbnb.

Chris Lehane, người đứng đầu bộ phận chính sách toàn cầu và đối ngoại của Airbnb cho biết công ty sẽ "thúc đẩy các chiến lược quản lý toàn diện nhằm loại trừ những người cho thuê nhà bất hợp pháp", nhằm phản hồi các chỉ trích từ chính quyền.

Các chuyên gia cho rằng vấn đề của Airbnb nằm ở chỗ nhiều người cho thuê một lúc nhiều căn hộ và đây là một dạng kinh doanh khách sạn trái phép trá hình. Airbnb lại cho rằng họ đã giúp thêm sức sống vào nhiều khu dân cư bằng việc biến những nơi này thành khu du lịch.

Tại Los Angles, tổ chức Los Angeles Alliance cho biết có đến 44% doanh thu của Airbnb đến từ những người cho thuê nhiều hơn hai căn hộ một lúc. Airbnb tất nhiên phủ nhận điều này trong một thông cáo báo chí.

Tại thành phố New York, các công tố viên cho thấy từ 2010 đến 2014, hơn 300.000 giao dịch tại Airbnb vi phạm pháp luật, mang về 304 triệu USD doanh thu thuê phòng và 40 triệu USD trong số đó chảy vào túi Airbnb.

Dân biểu Rosenthal của thành phố New York cho biết Airbnb xâm hại quyền lợi của những người cho thuê nhà và khách thuê dài hạn. "Tôi đại diện cho người dân New York, tôi không đại diện cho khách du lịch và không có nghĩa vụ bảo vệ nhu cầu tìm phòng giá rẻ cho họ", bà cho biết.

>>Uber, Xiaomi và Airbnb là startup đắt giá nhất thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao Airbnb bị phản đối trên toàn cầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO