Về làng Kông Hoa với Nguyên Ngọc

VĂN CÔNG HÙNG| 04/09/2009 07:10

Kông Hoa là tên do nhà văn Nguyên Ngọc đặt trong tiểu thuyết Đất nước đứng lên, còn ở ngoài đời, tên làng là S’tơ...

Về làng Kông Hoa với Nguyên Ngọc

Kông Hoa là tên do nhà văn Nguyên Ngọc đặt trong tiểu thuyết Đất nước đứng lên, còn ở ngoài đời, tên làng là S’tơ, một ngôi làng Bana hiền hòa tựa lưng vào dãy Konkaking hùng vĩ, có con suối Chơ Pâu chảy qua, nơi ông Núp đã lập làng chiến đấu mà ông Nguyên Ngọc đã kể rất tài tình cuộc sống, chiến đấu trong thời kỳ chống Pháp.

Nếu không có chuyến về làng cũ của ông Núp, tôi không biết rằng, ngay từ năm 1953 Nguyên Ngọc, khi ấy là một chàng lính trẻ đã về làng S’tơ để trinh sát cho một trận đánh nổi tiếng. Trận đánh mà ta đã tiêu diệt 1.100 lính Pháp và Âu Phi, bắt sống 800 tên, có cả quan năm Ba-Rốt, bẻ gãy xương sống chiến dịch Át-Lăng, chia lửa cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Anh lính trẻ Nguyễn Văn Báu (tên thật của Nguyên Ngọc) được ông Núp là đội trưởng du kích, đêm đêm dẫn xuyên rừng 10 cây số ra đường cái để nghiên cứu địa hình. Tình bạn của họ bắt đầu từ đấy cho đến vài năm sau thì Nguyên Ngọc lại là người phiên dịch cho ông Núp khi ông đọc báo cáo tại đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua bằng tiếng Bana...

Bà Ch’rơ, vợ anh hùng Núp đón nhà văn Nguyên Ngọc

Lần này, Nguyên Ngọc vào để dự tưởng niệm mười năm ngày mất của anh hùng Đinh Núp, nhân vật văn học của ông, người bạn lớn đã gắn kết ông với nghiệp văn chương và núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, bất khuất sống hơn nửa thể kỷ qua.

Làng bây giờ không còn ở chỗ cũ mà đã xịch xuống phía dưới. Chúng tôi leo lên ngọn núi, nơi từng cắm chông thò để kháng chiến; lội xuống con suối, leo lên cây xoài nơi Núp đã kê ná để... bắn Pháp chảy máu. Có lẽ nhiều người cho rằng việc bắn Pháp chảy máu là vớ vẩn, là trẻ con. Thực ra, đó là một “cách mạng” ghê gớm trong tư tưởng của người dân Tây Nguyên trong những ngày đầu chống Pháp. Từ đó mà có làng S’tơ, làng Kông Hoa kháng chiến, từ đó có đội du kích do Núp chỉ huy, bền bỉ đánh Pháp cho đến ngày thắng lợi. Từ đó có một anh hùng Núp lừng lẫy không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài...

Ở nhà bây giờ còn ba người là bà Ch’rơ, người vợ nối dây của ông Núp từ năm 1967, cô con dâu vợ sau của anh H’rup (con của Núp với H’liêu mà ông Núp đã cõng ra Bắc khi đi tập kết), và đứa cháu gái, con của H’rup. Ngoài ra, còn một người cháu gái gọi ông Núp là cậu ruột ở nhà gần đấy. Chị này có ba đứa con gái rất xinh đều đang học trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội...

Cặp bài trùng anh hùng - nghệ sĩ Đinh Núp - Nguyên Ngọc là một hiện tượng khá độc đáo của văn chương và lịch sử VN hiện đại. Ở đây, lịch sử tự nó đã là một thiên hùng văn bất tử, là cội nguồn, là cảm hứng của văn chương. Còn văn chương đã góp phần tái hiện diện mạo sống động của lịch sử, lưu giữ lịch sử cùng với những con người bình dị mà kiên trung, bất khuất.

Với nhiều người, sẽ là đi, là đến, là thăm... làng Kông Hoa, nhưng với Nguyên Ngọc đó mãi là những chuyến trở về. Về để yêu thương và đáp nghĩa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Về làng Kông Hoa với Nguyên Ngọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO