Theo VCCA, ẩm thực đang nằm trong nhóm ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt phân khúc nhà hàng.
Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 550.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, trong đó có khoảng 430.000 cơ sở kinh doanh truyền thống, trên 82.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, hơn 22.000 cửa hàng cà phê, các quầy bar và khoảng 16.000 cơ sở dịch vụ ăn uống khác.
Chỉ riêng tại TP.HCM, có khoảng 7.500 doanh nghiệp cùng hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống đã chịu thiệt hại nặng nề trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.
"Những năm qua, ẩm thực là ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt, mỗi năm đóng góp khoảng 15% GDP cả nước nhưng những thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra cho ngành ẩm thực rất lớn, đến nay chưa thể thống kê, đánh giá cụ thể", ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch VCCA cho biết.
Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, khoảng 7.500 doanh nghiệp, hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống phải tạm ngừng kinh doanh để phòng chống dịch suốt hơn 2 tháng qua khiến doanh thu ngành ẩm thực giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu dịch vụ ăn uống 8 tháng qua của TP chỉ đạt 32.075 tỷ đồng, giảm 20,3% so với cùng kỳ. Do kinh doanh sụt giảm nên hàng loạt doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm và đồ uống phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc thu hẹp kinh doanh.
Trước tình hình dịch bệnh ở TP.HCM đang chuyển biến tích cực, VCCA kiến nghị UBND TP.HCM cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống được mở cửa hoạt động bình thường trong giai đoạn "bình thường mới" và chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Chính phủ và UBND TP.HCM.