“Văn minh vật chất của người Việt”: Góc nhìn mới mẻ về những giá trị di vật Việt

M. Quân| 18/12/2020 07:00

Dù chúng ta đang hội nhập thì để không đánh mất chính mình, chúng ta cũng không bao giờ nên quên đi những giá trị cốt lõi, những giá trị truyền thống đã tạo nên chúng ta ngày hôm nay”, đó chính là thông điệp được gửi gắm trong  cuốn sách Văn minh vật chất của người Việt của tác giả Phan Cẩm Thượng.

“Văn minh vật chất của người Việt”: Góc nhìn mới mẻ về những giá trị di vật Việt

Cảm hứng để Phan Cẩm Thượng nghiên cứu, viết nên Văn minh vật chất của người Việt bắt đầu từ ký ức tuổi thơ tươi đẹp, ông viết: “Thuở nhỏ khi sống ở Hà Tây, tôi thường ngắm nhìn những bà cụ bận váy sối vuông, thắt bao tượng xanh, yếm trắng và khoác bên ngoài áo cánh, đầu đội nón thúng hông giắt xà tích, mà thấy rất ấn tượng. Không chỉ là y phục, lời ăn tiếng nói, những truyện thơ Nôm thuộc lầu, công cụ lao động sử dụng, hành vi ứng xử... những người bà của tôi có tất cả những cái có thể gọi là văn minh Việt Nam...”.

Với tâm thế trăn trở của một nhà nghiên cứu, một họa sĩ luôn theo đuổi sự nghiệp viết và vẽ về văn hóa và đời sống của người Việt, Phan Cẩm Thượng đã lang thang khắp các vùng miền, đi đến đâu, suy nghĩ gì, ông đều viết ra, vẽ lại. Quan trọng hơn, ông quan sát, lắng nghe, suy nghĩ thực tế và rành mạch về nếp ăn, nếp sống dung dị, đời thường nhất của người Việt Nam... 

Cầm cuốn sách với vô vàn những phát hiện mới mẻ về giá trị văn hóa, nào là đồ trang sức, đồ gỗ gia dụng, đồ dùng mây tre đan... độc giả sẽ bị lôi cuốn vào “văn minh vật chất của người Việt” lúc nào không hay. Ngạc nhiên chưa, thời đại này, chúng ta phụ thuộc vào quá nhiều điều kiện vật chất: điện, nhà vệ sinh, điện thoại, máy vi tính, Internet... - những cái này được xem là tối thiểu, ở tất cả nơi ta đến. Đời sống hối hả gấp gáp, làm gì có thời gian mà quan tâm, mà để ý đến những giá trị xưa cũ... Vậy Văn minh vật chất của người Việt có gì khiến người đọc phải mê mải tìm hiểu vậy?

Nhờ vào góc nhìn tinh tế của một họa sĩ, nhà nghiên cứu kết nối lăng kính Phật học... tác giả đã cho ta thấy, cho ta nghe ngôn ngữ của đồ vật, đó có thể là cái thuổng, cái bừa, cái rìu, cài cày... cho đến cái bát ăn cơm, cái gáo múc nước, cái chum muối dưa... Đó chính là những bản sắc, căn tính, những đặc trưng, rất đời thường, rất sáng tạo để Việt Nam không lẫn với bất kỳ quốc gia nào. 

Mỗi một đồ vật ẩn sau đó là một câu chuyện lịch sử, là lấp lánh những số phận, những kiếp trầm luân, hay những tuyên ngôn của một nền văn minh mà tác giả gọi đó là “nền văn minh vật chất”, cung cấp cho người đọc giá trị di vật tổng quát với số lượng hình ảnh đồ sộ với 959 ảnh, 505 hình minh họa đặc sắc...

“Cuốn sách này không có tham vọng là lịch sử của đời sống vật chất Việt Nam mà chỉ là một câu chuyện về đời sống ấy, tôi biết gì thì kể lại, một quá khứ không ít trong tôi. Bạn đọc cũng sẽ có cách nhìn và hiểu riêng của mình, nếu có thể thì cùng nhau gìn giữ lại những gì dân tộc đã trải qua...”, tác giả bộc bạch. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Văn minh vật chất của người Việt”: Góc nhìn mới mẻ về những giá trị di vật Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO