LTS: Nhân dịp kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh Nhân Việt Nam, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn xin giới thiệu bài viết của tác giả Võ Quang Cảnh - Chủ tịch CLB Doanh Nhân Sài Gòn về danh nhân Lương Văn Can người đã đề ra triết lý, tư tưởng kinh doanh, hướng giới doanh nhân đi theo con đường kinh doanh trung thực, hiếu nghĩa.
Khó ai có thể hình dung được cách đây gần một thế kỷ mà Cụ Lương Văn Can - một người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình nhưng đã nhìn thấy tầm quan trọng của nghề kinh doanh đối với sự thịnh suy của đất nước, đã cảm nhận được “phong khí mở rộng, hoàn cầu đi lại như một nhà, đường bộ thì có hỏa xa, đường thủy thì có hỏa thuyền, không trung thì có tàu bay, lại thêm điện báo để thông thư tín, điện thoại để thông âm ngữ, tin tức đã mau, vận tải rất tiện, người mà thông thạo buôn bán thì làm giàu cũng dễ... Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy, không thể coi thường...”(1)
Cụ Lương Văn Can đã chỉ ra 10 nguyên nhân làm cho thương mại, kinh tế nước ta không phát triển được, đó là “không có thương phẩm, không có thương hội, không có tín thực, không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao thiệp, không biết tiết kiệm, khinh nội hóa”.
Về việc lập hội, cụ Lương Văn Can đánh giá: “Cách thức lập hội chưa thạo, kẻ gian quyệt mượn tiếng lập hội làm kế vơ vét, thành ra thương hội chưa lập đã vỡ, cổ phần chưa họp đã tan”(2). Về việc đào tạo lớp doanh nhân kế thừa, cụ nêu nhược điểm: “Không có thương học không có kế đào tạo cho học sinh có đủ tư cách làm nghề buôn”(3).
Những nhận xét của Lương Văn Can về những hạn chế trong kinh doanh của Việt Nam thời đó vẫn đúng trong bối cảnh nền kinh tế bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường. Năm 2006, khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO và đến năm 2011, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về “Xây dựng và phát huy vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế” có nhiều điểm tương đồng với tinh thần Lương Văn Can, như đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân; xây dựng chuẩn mực doanh nhân có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội...(4) thì giới doanh nhân càng nhận thức hơn về điều này và ngày càng có nhiều doanh nhân quan tâm tìm hiểu về đạo kinh doanh của danh nhân Lương Văn Can.
Học theo lời dạy của danh nhân Lương Văn Can
Ngày 20/9/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải ký Nghị định số 990/QĐ-TTG lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Gần một năm sau đó, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho thành lập Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân Sài Gòn. Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, CLB Doanh nhân Sài Gòn luôn lấy tư tưởng kinh thương của Lương Văn Can làm tôn chỉ hoạt động. Ban đầu, CLB hoạt động với ba tôn chỉ: “Biết làm giàu - Biết tôn trọng pháp luật - Có trách nhiệm xã hội”.
Từ năm 2010, khi được nâng lên thành tổ chức hội do UBND TP.HCM ra quyết định thành lập, để thích ứng với thực tiễn tình hình, CLB Doanh nhân Sài Gòn đã phát triển thêm tôn chỉ: “Làm giàu chân chính - Hợp tác phát triển - Văn hóa tri thức - Trách nhiệm xã hội”. 4 tôn chỉ trên đã được triển khai cụ thể như sau:
Làm giàu chân chính: CLB Doanh nhân Sài Gòn khuyến khích hội viên sản xuất, kinh doanh đúng đắn, tuân thủ luật pháp, không gây ảnh hưởng xấu cho cộng đồng.
Hợp tác phát triển: Để cùng thành công, không để bên nào bị thua thiệt trong quá trình hợp tác, liên kết.
Văn hóa tri thức: CLB Doanh nhân Sài Gòn mong muốn các thành viên có văn hóa tri thức, kỹ năng ứng xử trên thương trường và trong “mái nhà chung” là CLB.
Trách nhiệm xã hội: Là một trong những tôn chỉ rất quan trọng, vì vậy ngay từ những ngày đầu hoạt động, CLB Doanh nhân Sài Gòn đã thành lập Ban công tác xã hội. Qua 15 năm hoạt động, thực hiện trách nhiệm xã hội của giới doanh nhân, CLB đã tặng trên 400 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, 12 cầu nông thôn, ba trường mẫu giáo cho các địa phương vùng sâu vùng xa và nhiều tỷ đồng cho các đợt cứu trợ đồng bào bị bão lũ và tặng quà cho bà con nghèo... CLB Doanh nhân Sài Gòn được Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều tỉnh, thành tặng bằng khen về thành tích hoạt động xã hội - từ thiện.
Gìn giữ, phát triển di sản văn hóa của danh nhân Lương Văn Can
Được nhà sử học Dương Trung Quốc cung cấp những thông tin quý giá ban đầu, năm 2011, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 7 Ngày Doanh nhân Việt Nam, CLB Doanh nhân Sài Gòn đã tìm được hai tác phẩm gốc của Lương Văn Can là Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn. CLB đã phối hợp với NXB Thời Đại tái bản theo bản gốc từ hình thức đến nội dung tác phẩm Kim cổ cách ngôn để phục vụ hội viên CLB và sinh viên các trường đại học trong các đợt tham gia Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can do Báo Doanh Nhân Sài Gòn và CLB Doanh nhân Sài Gòn phối hợp tổ chức.
Đến năm 2020, được sự gợi ý và trực tiếp tham gia của ông Nguyễn Kiểm - cựu Cục trưởng Cục Xuất bản, cựu Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, CLB Doanh nhân Sài Gòn đã liên kết với NXB Hồng Đức tái bản tác phẩm Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn. Các tác phẩm xuất bản lần này được TS. Lý Tùng Hiếu - nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ giúp giới thiệu và chú giải.
Ông Lương Tiến - hậu duệ đời thứ tư của danh nhân Lương Văn Can đang ký tặng cuốn sách Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn cho ông Nguyễn Thanh Minh - nguyên Tổng biên tập Doanh Nhân Sài Gòn tại Tuần lễ Doanh nhân và Sách do Doanh Nhân Sài Gòn khởi xướng tổ chức năm 2020 |
Một tư liệu quý liên quan đến Lương Văn Can cũng được công bố trong lần xuất bản này là Lương gia tộc phả với sự giúp đỡ và giới thiệu của PGS-TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS-TS. Đinh Khắc Thuân - Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã cung cấp bản sao chữ Hán và chữ Nôm, đồng thời dịch sang chữ Quốc ngữ và chú giải.
Việc xuất bản các tác phẩm, tư liệu trên góp phần bảo tồn và phổ biến di sản của danh nhân Lương Văn Can, giúp doanh nhân và sinh viên - thế hệ doanh nhân tương lai của Việt Nam hiểu sâu về triết lý kinh doanh và đạo đức thương trường.
Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn cùng Lương gia tộc phả của cụ Lương Văn Can xuất bản vào dịp kỷ niệm lần thứ 16 Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2020), kỷ niệm 15 năm thành lập CLB Doanh nhân Sài Gòn, Tuần lễ Doanh nhân và Sách lần đầu tiên tại Việt Nam trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19, là món quà rất có ý nghĩa dành cho giới doanh nhân và bạn đọc.
Các thế hệ doanh nhân Việt Nam luôn xem danh nhân Lương Văn Can là người thầy
Tư tưởng kinh doanh của cụ Lương Văn Can không chỉ về đạo đức mà còn chỉ ra phương thức kinh doanh bao gồm cả nghiệp vụ và tri thức; về bản lĩnh, về tầm nhìn, định hướng, về đào tạo nghiệp vụ chuyên môn... Tư tưởng ấy rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam gia nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, doanh nhân không thể chỉ làm giàu bằng kinh nghiệm và đạo đức mà còn có cả tri thức để phân tích đúng đâu là thời cơ, đâu là nguy cơ...
Những lời tâm huyết của cụ Lương Văn Can để lại cho hậu thế không phải của một nhà Nho nặng về lý thuyết, mà là từ kinh nghiệm và từ sự hy sinh của chính gia đình mình cho sự nghiệp chung của đất nước, như cụ bà Lê Thị Lễ - vợ Lương Văn Can đã mang cả cửa hàng là của hồi môn của mình ở phố Hàng Đào, Hà Nội để tạo nguồn tài chính cho Trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Trong nhiệm kỳ của Chính phủ vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 (tên tiếng Anh: One commune one product, gọi tắt OCOP)(5) hướng đến mục tiêu sản phẩm chương trình OCOP là sự kết tinh giữa văn hóa và chất lượng, có khả năng cạnh tranh giữa thị trường trong nước và quốc tế, là một chủ trương rất đúng, tuy có hơi chậm.
Ngày 21/4/2021, khi đến thăm xã Tứ Xã, một xã nông thôn mới của huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng nhất của xây dựng nông thôn mới là đưa thông tin và trí thức đến người dân, trên tinh thần là khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Nông thôn mới không chỉ có đường, có cầu, có cổng chào, nhà xây, có chợ, mà cốt yếu nhất vẫn là khả năng làm kinh tế của người dân... Mong muốn xã có nhiều sản phẩm OCOP nổi tiếng, phục vụ thị trường”(6). Xét cho cùng, những chủ trương, chính sách hiện nay của Chính phủ có những điểm tương đồng, trùng hợp với lời kêu gọi của cụ Lương Văn Can là phải xây dựng thương phẩm, thương hiệu từ gần một thế kỷ trước đây.
Nếu không quan tâm đúng mức đến thương phẩm, thương hiệu, doanh nghiệp Việt rất dễ bị chiếm dụng thương hiệu, như kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, giày Biti’s từng bị và mới nhất là gạo ngon nhất thế giới ST25 có nguy cơ bị một số doanh nghiệp tại Mỹ và Úc đăng ký bản quyền. Đó là bài học kinh doanh luôn cần nhắc lại.
Giới doanh nhân trong CLB Doanh nhân Sài Gòn luôn xem cụ Lương Văn Can như người thầy trên cả lý thuyết và thực tiễn. CLB Doanh nhân Sài Gòn trong thời gian qua đã ứng dụng tư tưởng kinh doanh của cụ vào nhiều hoạt động của CLB.
Doanh nhân Việt Nam có niềm tự hào dân tộc và ý chí làm giàu chân chính, luôn muốn vươn lên ngang tầm với doanh nhân các nước, đặc biệt lớp doanh nhân trẻ hiện nay có rất nhiều người được đào tạo bài bản, giỏi ngoại ngữ, dễ dàng tiếp nhận những cái mới, nhanh chóng thích nghi với môi trường kinh doanh toàn cầu. Những tư tưởng được xem là “đạo kinh doanh” phù hợp với dân tộc Việt Nam của cụ Lương Văn Can chính là những bài học vượt thời gian mà giới doanh nhân ngày nay rất nên tìm hiểu, ứng dụng.
* Bài viết này được trích một phần từ tham luận của tác giả gửi tham gia Hội thảo Tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quóc gia TP.HCM dự kiến tổ chức vào cuối năm 2021
(*) Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn
Tài liệu tham khảo: (1)(2)(3) Thương học phương châm của Ôn - Như Lương Văn Can. NXB Hồng Đức và CLB Doanh nhân Sài Gòn xuất bản 2020. (4) Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 19/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. (5) Quyết định 490/QĐ-TTg 2018 của Chính phủ phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020. (6) Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi thăm xã nông thôn mới Tứ Hải, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ ngày 21/4/2021. (7) Giấy chứng nhận số 346686 và 346687 ngày 9/3/2020 của Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. |