* Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, theo ông sẽ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?
- Chưa bao giờ việc dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm lại khó khăn như hiện nay. Nước ta đang phụ thuộc quá nhiều vào những yếu tố bất định. Đặc biệt gần đây, ở Đà Nẵng có một số người nhiễm SARS-CoV-2 rồi lây lan sang các địa phương khác càng đòi hỏi chúng ta bình tĩnh, áp dụng một cách nghiêm túc các biện pháp phòng chống đại dịch để trở lại trạng thái "bình thường mới", vừa "sống chung" với dịch, vừa phát triển kinh tế.
GS. Trần Thọ Đạt - Đại học Kinh tế Quốc dân |
Dự báo kinh tế được các tổ chức đưa ra khá nhiều và thường xuyên thay đổi. Với những thông tin, đánh giá cập nhật nhất hiện nay, có thể thấy khả năng nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 3% trong hai quý cuối năm. Muốn vậy, phải có những động lực tăng trưởng mới để nền kinh tế tiếp tục phát triển. Lưu ý một điều, mọi dự báo từ nay đến cuối năm đều có thể thiếu chính xác vì Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ và mở, phụ thuộc nhiều vào các đối tác thương mại và đầu tư nước ngoài, trong khi những đối tác ấy đều ở các nước mà dịch Covid-19 không giảm, có nước còn tăng.
* Ông có thể nói rõ hơn về mức độ quan trọng của việc nền kinh tế tạo đáy?
- Một câu hỏi đang được các nhà kinh tế quan tâm là nền kinh tế Việt Nam đang ở lân cận đáy, đang tạo đáy hay đã ở đáy. Với chỉ số tăng trưởng của quý II chỉ 0,36% và quý III còn rất khó khăn nên việc xác định nền kinh tế của chúng ta thực sự tạo đáy hay chưa thì vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng do chưa có đầy đủ số liệu thống kê. Thông thường, chỉ khi nền kinh tế đã đi qua đáy thì mới biết được điều này. Dù vậy, tôi hy vọng kinh tế nước ta đạt được tăng trưởng dương, dù chỉ ở mức khiêm tốn là 0,36%.
Covid-19 trở lại tại Đà Nẵng và ở một số tỉnh, thành phố, song với kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch bệnh này thì tác động của nó đến nền kinh tế sẽ không mạnh như đợt dịch trước, và quý III le lói chiều hướng để nền kinh tế đi lên từ đáy. Theo tôi thì nếu nền kinh tế chưa chạm đáy thì cũng đang ở cận đáy, hy vọng quý III và quý IV sẽ có sự cải thiện.
* Như ông nói, kinh tế có thể sẽ được cải thiện trong quý III và quý VI?
- Khả năng phục hồi nền kinh tế, cứ hy vọng sẽ bật lên như cái lò xo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần một kịch bản nữa để đối phó với dịch bệnh và chịu đựng trạng thái tăng trưởng thấp trong một thời gian nữa trước khi có thể bật dậy vào năm sau, khi vắc xin Covid-19 được sử dụng rộng rãi. Do đó, nền kinh tế hiện nay đang chờ đợi giải pháp về y tế, không phải kinh tế.
Một điểm nữa cũng cần lưu ý, trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, tầm nhìn đến năm 2045, thì một trong những động lực quan trọng vẫn là thể chế. Nhiều nghiên cứu cho thấy, mức độ phát triển kinh tế càng cao thì mối quan hệ giữa tự do và tăng trưởng kinh tế ngày càng chặt chẽ. Ở những nước có mức độ tự do về kinh tế càng cao thì mức độ giao lưu về thương mại và mức độ thu hút đầu tư sẽ càng tăng.
Covid-19 đã gây ra khủng hoảng lớn cho kinh tế toàn cầu nhưng cũng tạo ra cơ hội cho sự xuất hiện những phương thức kinh doanh mới, đặc biệt là sự phát triển kinh tế số. Những chủ thể nào tận dụng được cơ hội này đều có thể phát triển. Tất nhiên, để tận dụng được cơ hội này, đòi hỏi phải chủ động tạo điều kiện cho các phương thức thương mại mới, phương thức sản xuất mới, phương thức tiêu dùng mới phát triển.
* Cảm ơn ông!