Văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật gây khó khăn cho doanh nghiệp

Trọng Nhân| 12/11/2022 06:00

Ngày 11/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh”.

Văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật gây khó khăn cho doanh nghiệp

Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam – Aus4Reform).

Từ lâu, doanh nghiệp đã quen với các dạng công văn hướng dẫn áp dụng luật trong thời gian chờ các văn bản hướng dẫn luật ban hành. Mặc dù đây là một giải pháp tình thế, nhưng đưa đến nhiều nguy cơ về việc công văn chứa đựng các quy phạm pháp luật lại được ban hành phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của cơ quan ban hành. 

Đánh giá về chất lượng của thông tư, công văn - hai văn bản quan trọng trong hướng dẫn thi hành các quy định, chính sách thể hiện trong luật, pháp lệnh, nghị định, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng, Ban Pháp chế VCCI, cho rằng bên cạnh những mặt được thì thông tư vẫn còn những vấn đề về mặt chất lượng của quy định. Cụ thể như, thông tư vẫn còn quy định về điều kiện kinh doanh - điều bị cấm trong Luật Đầu tư 2020; các quy định tại thông tư vẫn còn chưa bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có những thông tư bị đình chỉ thi hành khi vừa mới phát sinh hiệu lực trong thời gian ngắn.

Các vấn đề như chất lượng của công văn chưa được đảm bảo, không đủ độ tin cậy, tình trạng các công văn trả lời chậm, thậm chí không trả lời khi doanh nghiệp gửi các câu hỏi, vướng mắc.

Thông tin tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, Thông tư đang làm khổ doanh nghiệp, chưa kể các Thông tư dạng này thường to hơn Nghị định.

“Thông tư còn nguy hiểm hơn tham nhũng, vì Thông tư chất lượng kém khiến doanh nghiệp không làm được, cản trở doanh nghiệp thì người dân không có việc làm, Nhà nước không thu được ngân sách… Đáng ra, Thông tư là thúc đẩy doanh nghiệp làm theo luật, khoanh trước cho doanh nghiệp những vùng cấm”, ông Đệ bày tỏ.

Bà Trần Ngọc Ánh - Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng kể thực tế các doanh nghiệp tham gia góp ý nhiều văn bản nhưng cũng không biết được tiếp thu thế nào, khi văn bản ra thì lại không thấy tiếp thu, không thực hiện được, đến mức có trường hợp cơ quan quản lý phải ra công văn để xử lý.

Nhưng ở hình thức công văn, nhiều khi doanh nghiệp nhận được mà không biết vận dụng ra sao vì cách trả lời "liệt kê các quy định hiện có" trong khi doanh nghiệp cần là làm theo quy định nào thì không rõ.

“Còn có nỗi khổ từ các quy định không tương thích với các quốc gia khác, nên nhiều doanh nghiệp bị phạt, không cho thông quan”, bà Anh nói và cho rằng, phải cải cách từ phương pháp làm văn băn quy phạm pháp luật.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng ban pháp chế - VCCI, nguyên nhân của những bất cập nêu trên là do quy trình xây dựng, ban hành chưa thực sự minh bạch. Từ 2005 đã có quy định cấm thông tư ban hành điều kiện kinh doanh, nhưng vẫn còn tình trạng này. Điều đó cho thấy cơ chế kiểm soát thực thi về thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh tại Luật Đầu tư chưa hiệu quả.

Do đó, VCCI cho rằng, quy trình xây dựng thông tư cần phải minh bạch hơn, thống nhất các tiêu chí về điều kiện kinh doanh, minh bạch về quy định tiếp nhận phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp…

Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn đối với nội dung của công văn để ngăn chặn tuyệt đối tình trạng công văn ban hành các quy phạm pháp luật; cần cơ chế để tăng tính trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong xử lý và trả lời vướng mắc doanh nghiệp.

Mặt khác, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng cho rằng việc lạm dụng ban hành thông tư hướng dẫn (ngay cả khi không được ủy quyền hoặc có thể quy định vấn đề ngay trong các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao hơn) vừa khiến cho hệ thống pháp luật nước ta trở nên phức tạp, vừa không bảo đảm chất lượng của các quy định pháp luật. Do đó, cần thiết phải hạn chế tình trạng ban hành nhiều thông tư hướng dẫn. Điều này phải được thể hiện ngay trong các văn bản từ cấp nghị định trở lên và phải có cơ chế giám sát hiệu quả.

Vì thế, cần kiểm soát hiện tượng thông tư ban hành điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính ngay từ luật. Trong các luật chuyên ngành, cần chú trọng đến việc ủy quyền cho các thông tư hướng dẫn, trong đó tuyệt đối không ủy quyền cho thông tư quy định các quy định có tính chất là điều kiện kinh doanh và hạn chế tối đa ủy quyền quy định về thủ tục hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật gây khó khăn cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO