Ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên lý thuyết “Hành trình doanh nhân”
Vườn ươm doanh nghiệp là một trong nhiều mô hình tổ chức nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học. Ứng dụng lý thuyết “Hành trình doanh nhân” sẽ giúp các trường “ươm tạo” những thế hệ sinh viên đầy đủ kiến thức, tinh thần và văn hóa khởi nghiệp, tạo nên những doanh nghiệp (DN) công nghệ đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Tập trung phát triển vườn ươm doanh nghiệp công nghệ
Có nhiều hình thức để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học. Vườn ươm DN là một trong số những hình thức ấy.
Để xây dựng và vận hành một vườn ươm DN công nghệ hiệu quả, các trường đại học cần có nguồn lực nhất định, bao gồm cơ sở vật chất, con người, tài chính. Việc xây dựng cách thức vận hành và quy chế hoạt động vườn ươm DN cần thực hiện từ sớm, bài bản và phù hợp với thực tế của từng đơn vị. Vì vậy, hiện nay nhiều trường đại học vẫn cân nhắc nên thành lập vườn ươm DN riêng biệt hay “tận dụng” bằng cách tích hợp vào một phòng ban hiện có để hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Nhìn rộng hơn về đổi mới sáng tạo, hiện trên thế giới áp dụng một số tiêu chí gồm danh tiếng học thuật của trường, số lượng công ty được thành lập từ trường (startup hoặc spin off), chương trình đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (số lượng và chất lượng chương trình). Với các vườn ươm DN, một số tiêu chí đánh giá phổ biến là cơ sở hạ tầng, hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các nhóm khởi nghiệp, khả năng phát triển đội ngũ cố vấn (mentor), khả năng kết nối với đối tác, DN, quỹ đầu tư bên ngoài.
Khi các trường đại học triển khai mô hình vườn ươm, không chỉ tập trung vào việc đào tạo kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp mà điều quan trọng nhất là phải chú trọng vào việc xây dựng tinh thần và văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thực tế cho thấy, tỷ lệ thành công của startup, bao gồm những startup xuất phát từ trường đại học, chỉ khoảng 10%. Nguyên nhân là do sự thành công trong khởi nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như thị trường, công nghệ, nguồn lực... Tuy nhiên, một sinh viên được đào tạo bài bản về văn hoá và tinh thần khởi nghiệp sẽ luôn khao khát đổi mới sáng tạo, dù có thất bại trong hiện tại vẫn có khả năng tạo ra những mô hình kinh doanh thành công trong tương lai, sớm hay muộn.
Lý thuyết “Hành trình doanh nhân”
Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM (IEC) đã ứng dụng lý thuyết "Hành trình doanh nhân" vào ươm tạo sinh viên khởi nghiệp. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm nâng cao năng lực và tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo một cách bài bản cho thế hệ trẻ, từ khâu ý tưởng đến khi trở thành những nhà lãnh đạo DN thành công, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Đề án 844 và Đề án 1665 của Chính phủ.
Những hoạt động với mục tiêu “truyền cảm hứng” là bước đầu tiên trong hành trình, nơi sinh viên được khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp thông qua sự thành công, những bài học từ các doanh nhân đi trước. Giai đoạn “khám phá” và “trải nghiệm” sẽ tập trung vào việc cho sinh viên cơ hội thực tế “đắm mình” vào môi trường kinh doanh. Thông qua các chương trình thực tập, làm việc nhóm và sinh hoạt cộng đồng, sinh viên được trang bị những kỹ năng cần thiết để đối mặt với những thử thách khắc nghiệt của thương trường. Trong giai đoạn này, những cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, những buổi nói chuyện chuyên đề và các chương trình đào tạo ngắn hạn đều đóng góp tích cực vào mục tiêu khơi gợi tinh thần và xây dựng văn hoá khởi nghiệp cho sinh viên.
Sau đó mới là thời điểm sinh viên bắt đầu khởi nghiệp chính thức với sự hỗ trợ đến từ Đề án 1665, Đề án 844 thông qua việc cung cấp nguồn vốn, tư vấn pháp lý và kết nối mạng lưới doanh nghiệp. Vườn ươm doanh nghiệp tại các trường đại học là nơi sinh viên có thể triển khai đề án khởi nghiệp, nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia và nhà đầu tư. Sau khi khởi nghiệp thành công, việc mở rộng quy mô (scale-up) và phát triển bền vững là mục tiêu tiếp theo. Cuối cùng, “nhà vô địch” là giai đoạn cao nhất trong mô hình tháp - nơi sinh viên khởi nghiệp có khả năng lãnh đạo và điều hành DN một cách hiệu quả, không chỉ thành công trong kinh doanh mà còn có thể truyền cảm hứng và dẫn dắt các thế hệ khởi nghiệp tiếp theo.
Cần chính sách sát đúng
Các trường đại học “truyền thống” có hai chức năng cơ bản là đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội và nghiên cứu công nghệ mới, ý tưởng mới. Theo Liên minh các trường đại học châu Âu, có thêm một chức năng mà các trường đại học hiện nay cần có là dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, nhận thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đã gia tăng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và thiếu chính sách hỗ trợ.
Một số chính sách đã được đưa ra, nhưng khi triển khai vẫn còn độ “chênh” do tình hình thực tế của các đơn vị. Thiếu chuẩn chung dẫn đến các trường còn loay hoay, phân vân trong quá trình đưa vào kế hoạch để thực hiện. Đối với đại học công lập còn phải đối mặt với một số rào cản liên quan đến việc sử dụng cơ sở vật chất, nguồn lực công cho thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên. Đối với những cán bộ triển khai vườm ươm DN tại các trường đại học cũng chưa có chính sách cụ thể đối với họ.
Trong thời gian tới, cần nghiên cứu sửa đổi và bổ sung các chính sách phù hợp với vòng đời của một DN khởi nghiệp, từ giai đoạn chuẩn bị, hình thành đến khi “scale-up”. Khi chính sách bám sát nhu cầu thực tế sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc tạo ra các DN khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.
(*) Giám Đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Đại học Quốc gia TP.HCM (IEC)
Khánh Hưng (ghi)
Từ năm 2017 đến nay, IEC đã hỗ trợ trên 300 đề án, trong đó “ươm mầm” thành công hơn 120 đề án, bao gồm cả sinh viên và cộng đồng. Có một số đề án khởi nghiệp nổi bật như AirCity, BusMap, Gcalls, MimosaTEK, Casso…