Ứng dụng công nghệ vào xây dựng chuỗi cung ứng nông nghiệp

MQ| 30/11/2021 03:47

Với quy mô chiếm 17% GDP và 160 triệu người lao động, nông nghiệp đang là một lĩnh vực có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang đối diện với thách thức lớn trong việc phải đảm bảo đủ thực phẩm cho dân số ngày càng gia tăng của khu vực (ước tính sẽ đạt 723 triệu người nằm 2030), trong bối cảnh các rủi ro về thời tiết cũng như các áp lực làm đổ gãy chuỗi cung ứng.

Ứng dụng công nghệ vào xây dựng chuỗi cung ứng nông nghiệp

Bên cạnh đó, theo Tổ chức nông lương thế giới (FAO), khoảng 1/3 tổng số thực phẩm được làm ra, tương đương 1.3 tỷ tấn  đã bị hao hụt hoặc lãng phí hằng nằm. Có thể nói đây là vấn đề lớn nhất đối với chuỗi cung ứng nông sản khắp thế giới, bởi bản chất nhiều loại nông sản dễ hư hỏng và cần hệ thống logistics khổng lồ để đáp ứng. Bên cạnh đó, 8-10% lượng phát thải nhà kính toàn cầu đến từ sản xuất lương thực.

Bà Verena Siow- Chủ tịch & Tổng giám đốc SAP Đông Nam Á cho biết, việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm vững mạnh và bền vững cho khu vực ASEAN là vấn đề chung sự hợp tác của nhiều bên từ các chính phủ, nông dân, doanh nghiệp, đối tác cung ứng giải pháp và người tiêu dùng, với sự hỗ trợ của công nghệ như dữ liệu lớn, IoT, tự động hoá và số hoá, từ đó đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tạo lòng tin cho người tiêu dùng để chấp nhận mức giá cao hơn cho các loại thực phẩm được sản xuất xanh, bền vững.

Chia sẻ về sự thích ứng của Dole Asia trong nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững, ông Leonardo Rabelo- Giám đốc Tài chính Tập đoàn Dole Asia cho biết, trong hành trình 170 năm của mình, Dole đã xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với việc cung cấp các loại trái cây tươi như chuối, dứa, đu đủ và bơ cùng các sản phẩm chế biến từ trái cây đến người tiêu dùng. Dole là một trong các doanh nghiệp đầu tiên ủng hộ sự thành lập của Green Label - một chứng nhận sản phẩm xanh được người tiêu dùng toàn cầu tin tưởng. Từ đó, Dole luôn nỗ lực sử dụng vị thế của mình để tạo ra ảnh hưởng tích cực và khuyến khích tiêu thụ có trách nhiệm đến thị trường Châu Á. Riêng Dole đã cam kết giảm dần dẫn đến không sử dụng đường trong toàn bộ các sản phẩm chế biến của mình đến năm 2025.

Đối với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất và xây dựng chuỗi cung ứng, ông Rabelo cho rằng tốc độ chuyển đổi công nghệ của ASEAN chưa đủ nhanh để bắt kịp với các thử thách của thiên nhiên và thị trường. Bản thân Dole đã nhìn thấy các kết quả đáng khích lệ ban đầu từ việc ứng dụng quản lý vùng trồng 40,000 ha bằng bản đồ số hoá cũng như số hoá các hoạt động theo dõi sâu bệnh trên cây trồng.

Từ góc nhìn của một doanh nghiệp đã gắn bó gần 30 năm với nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Duy Thuận -Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Việt Nam là nguồn cung lúa gạo ổn định cho thị trường thế giới và chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu hằng năm. Hiện Lộc Trời đang liên kết với 200,000 nông dân tại ĐBSCL và hướng đến một triệu nông dân năm 2024. Tuy nhiên, một trong các thử thách lớn nhất thuyết phục hàng trăm ngàn nông dân đang canh tác manh mún, nhỏ lẻ chuyển đổi sang các quy trình canh tác an toàn và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu khác nhau của từng thị trường về dư lượng các hoạt chất sử dụng, các biện pháp canh tác, thu hoạch và xử lý.

"Lộc Trời đang vượt qua thử thách này bằng ứng dụng công nghệ và số hoá để kết nối đến từng nông dân, cập nhật các thông tin về tiêu chuẩn chất lượng gạo ngày càng nghiêm ngặt tại thị trường Việt Nam và thế giới và thuyết phục nông dân liên kết với Lộc Trời. Số hoá đồng thời là công cụ trọng yếu để đảm bảo truy xuất nguồn gốc và chứng minh chất lượng của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới", ông Thuận nói.

Lộc Trời cũng là đơn vị tiên phong triển khai tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững Sustainable Rice Platform (SRP) tại Việt Nam, với các tiêu chí khắt khe về quản lý đất, nước, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Lộc Trời là đơn vị duy nhất trên thế giới đạt 100 điểm SRP hoàn hảo trong 2 năm liên tiếp 2020 và 2021, với dự định triển khai SRP trên 1 triệu hecta tại ĐBSCL, nhằm nhân rộng các ảnh hưởng tích cực như giảm 35% lượng nước tưới tiêu cho ruộng lúa và 1 triệu lít hoá chất trên đồng ruộng mỗi năm. Bên cạnh đó, việc ứng dụng drone điều kiển bằng số hoá trong xử lý sâu bệnh cũng giúp tiết kiệm nước sử dụng (15 lít/ha so với 300 lít/ha nếu phun tay). Lộc Trời cũng áp dụng QR code trên toàn bộ sản phẩm sử dụng trên đồng ruộng của mình nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc cho lúa gạo.

Tuy vậy, ông Thuận cho rằng điểm bất lợi là thị trường của sản phẩm hàng hoá như lúa gạo chưa thực sự chấp nhận giá cao hơn cho các loại gạo sản xuất an toàn, phát thải carbon thấp, dù đã có nhiều nỗ lực quảng bá từ Lộc Trời, SRP và các đơn vị khác. 

 Ông Thuận cũng cho rằng, bên cạnh việc sử dụng hoạt chất BVTV thì chất lượng đất trồng cũng rất quan trọng đối với chất lượng nông sản. Các tổ chức của Hà Lan và Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam lập cơ sở dữ liệu phân tích đất trồng trên cả nước, với kết quả cho thấy từng vùng khác nhau sẽ thích hợp cho từng loại cây khác nhau. ĐBSCL với tầng đất mặt mỏng chỉ 6m chỉ thích hợp cho cây ngắn ngày như lúa, rau. Đông Nam Bộ và Tây Nguyên với đất mặt dày hơn sẽ thích hợp cho cây lâu năm. Đặc biệt, với sầu riêng hay xoài, dù có thể trồng và cho trái quanh năm, thì tuổi của cây càng lớn thì trái càng ngon. Từ đó, LTG đang dán QR code từng cây sầu riêng hay xoài trong vùng nguyên liệu liên kết của mình để đảm bảo ghi nhận đầy đủ dữ liệu trên từng cây, từ đó đảm bảo truy xuất nguồn gốc cho trái cây nhằm thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận mức giá cao hơn cho các sản phẩm chất lượng tốt hơn.

Ông Nguyễn Hồng Việt, Tổng giám đốc SAP Việt Nam cho biết: “Người tiêu dùng ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng quan tâm tới chất lượng cũng như nguồn gốc thực phẩm mà họ tiêu thụ.  Họ có xu thế tin tưởng và thân thiện hơn với những sản phẩm được sản xuất từ những công ty có chính sách tốt với môi trường. Ở góc độ vĩ mô, chính phủ Việt Nam cũng đã có những cam kết và giảm phát thải nhà kính lên đến 9% từ nay đến 2030, hay giảm mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.  Với chủ trương như vậy, chắc chắn các bộ ngành sẽ có những hướng dẫn để cam kết đó sớm đi sâu vào cuộc sống hàng ngày của người dân.  Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng chạy đua để có thể đồng hành cũng người tiêu dùng về mục tiêu bảo vệ môi trường”.

“Hơn bao giờ hết, chuỗi cung ứng số là giải pháp để chuyển đổi hoạt động doanh nghiệp theo hướng bền vững ngay cả khi môi trường kinh doanh thay đổi. Chuỗi cung ứng số mang đến sự linh hoạt và cái nhìn sâu sắc hơn về toàn bộ các quy trình doanh nghiệp. Tất cả chúng ta đều phải đưa ra những quyết định tốt hơn cho cộng đồng, cho tương lai, và giải pháp số là chìa khóa để hiện thức hóa các mục tiêu phát triển bền vững này”, ông Nguyễn Hồng Việt nhấn mạnh.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp thực phẩm Đông Nam Á đang “quốc tế hóa” hoạt động của mình, việc tạo ra một chuỗi giá trị thực phẩm linh hoạt và bền bỉ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm trong tương lai. Những yếu tố quyết định bao gồm sự tích hợp và cộng tác nhiều hơn giữa các đối tác, cùng với chuỗi cung ứng số cung cấp những thông tin kịp thời, chính xác trong các hoạt động của đối tác cũng như của chính họ.

Để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn,  giải pháp Thiết kế và sản xuất có trách nhiệm SAP® giúp các doanh nghiệp đo lường và quản lý dữ liệu một cách hiệu quả. Giải pháp giúp các doanh nghiệp có cái nhìn cụ thể và rõ ràng hơn về dòng chảy nguyên liệu xuyên suốt quá trình hoạt động của họ, bao gồm theo dõi và tuân thủ các quy định về môi trường, đặc biệt là những quy định liên quan đến nhựa và bao bì sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ứng dụng công nghệ vào xây dựng chuỗi cung ứng nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO