Kinh doanh

Ứng dụng công nghệ để "đối phó" hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Hưng Khánh 13/11/2024 10:23

Tốc độ phát triển mạnh của thương mại điện tử (TMĐT), nhất là TMĐT xuyên biên giới sẽ ngày càng đặt ra nhiều thách thức trong việc phòng chống hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của doanh nghiệp (DN).

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, hoạt động kinh doanh thương mại dần mở rộng phạm vi, quy mô vượt ra khỏi thị trường truyền thống và diễn ra một cách sôi nổi trên các sàn TMĐT, mạng xã hội... Những kênh trực tuyến trong không gian mạng được ví như mô trường "mở" - tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro cao về việc xâm phạm quyền SHTT.

Để kiểm soát việc quản lý hàng hóa trong môi trường TMĐT; ngăn chặn các vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025.

Bên cạnh các quy định của Chính phủ, các DN cũng cần có chiến lược bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền SHTT của DN mình, bởi đây vẫn là xu hướng tất yếu có tính hiệu quả cao cũng như tiết kiệm chi phí trong chuỗi cung ứng.

anh-man-hinh-2024-11-12-luc-22.15.24.png
Ứng dụng công nghệ số giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm nguồn nhân lực và chi phí trong việc phát hiện và xử lý hàng giả

Chia sẻ trong buổi hội thảo với chủ đề "Chuyển đổi số trong phòng chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ", được tổ chức sáng ngày 12/11, ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng giám đốc Vina CHG cho rằng, việc ứng dụng chuyển đổi số để chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT, không chỉ giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm nguồn nhân lực và chi phí, mà còn tạo ra sự linh hoạt và chủ động cho DN.

Để triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực chống hàng giả một cách hiệu quả, DN cần chú trọng ứng dụng các công nghệ chống giả trên nền tảng số, có khả năng nhận diện, xác thực hàng thật giả nhanh, đảm bảo độ bảo mật cao, truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin, đồng thời hỗ trợ DN quản trị hàng hóa, quản lý kho, kênh phân phối, định danh và theo dõi và truy vết đường đi sản phẩm.

Ngoài ra, ông Hồng đề xuất giải pháp đăng ký bảo hộ quyền SHTT nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và chống giả bằng việc tích hợp QR code trên bao bì.

Ông Trần Đình Ngọc - Giám đốc Công ty CP Onyx Việt Nam cho biết, gần đây thị trường đã xuất hiện nhiều giải pháp công nghệ mới chống hàng giả bằng kỹ thuật số nhờ sử dụng thành quả từ trí tuệ nhân tạo (AI) và Blockchain.

Giải pháp chống hàng giả này sử dụng phương thức gắn chip RFID, hoạt động dựa trên nguyên lý thu thập và bảo vệ dữ liệu. Dữ liệu bao gồm các thông tin liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, quá trình lưu hành sản phẩm... được thu thập tự động trên đường đi của sản phẩm, được bảo vệ nhờ vào công nghệ mã hóa dữ liệu.

Người dùng, các cơ quan chức năng hoàn toàn có khả năng truy vết "hành trình" của một sản phẩm, từ đó nhận biết được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

cach-check-ma-vach-san-pham-11.jpg
Người tiêu dùng cũng cần được trang bị kỹ năng, tạo thói quen kiểm tra nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR, mã vạch hay các ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Ngoài những giải pháp mang tính chủ động từ phía DN sản xuất, cung ứng sản phẩm, để công tác chuyển đổi số đạt hiệu quả cao không thể đơn lẻ của một bên mà đòi hỏi sự đồng lòng, vào cuộc đồng bộ của của các bên liên quan, trong đó có người tiêu dùng.

Việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng các công cụ công nghệ số để phân biệt hàng thật - hàng giả cũng là yếu tố không thể thiếu.

Cụ thể, người tiêu dùng cần được trang bị kỹ năng, tạo thói quen kiểm tra nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR, mã vạch, hoặc các ứng dụng truy xuất nguồn gốc mà nhiều DN đã triển khai. Các mã truy xuất này cho phép người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin sản phẩm ngay tại điểm bán hoặc khi mua sắm trực tuyến.

Qua các biện pháp này, người tiêu dùng không chỉ bảo vệ được quyền lợi của mình mà còn góp phần tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch hơn.

Nạn hàng giả, hàng nhái không giảm mà còn tăng, "chen chân" vào tất cả các lĩnh vực:

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), hiện nay tình hình buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cả nước không giảm, nhất là các loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), tình hình buôn bán hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử có xu hướng tăng do nguyên nhân chủ yếu là hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

anh-man-hinh-2024-11-13-luc-09.57.25.png
Nạn hàng giả, hàng nhái không giảm mà còn tăng, "chen chân" vào tất cả các lĩnh vực

Phần lớn sản phẩm bị làm giả, làm nhái đều tập trung vào các thương hiệu nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, thuộc mọi lĩnh vực gồm thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, dược phẩm, thiết bị y tế, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, thiết bị điện tử…

Tùy vào loại sản phẩm bị làm giả mà mức độ gây thiệt hại sẽ khác nhau, trong đó, nghiêm trọng hơn cả là gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ứng dụng công nghệ để "đối phó" hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO