Ứng dụng ChatGPT vào hoạt động quản lý Nhà nước: Tiếp cận xu thế thế giới nhưng phải thận trọng

Tâm An| 02/03/2023 06:00

Ngày 1/3, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP.HCM và Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm về "Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức”.

Tham dự tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo đã trình bày những tham luận liên quan đến chủ đề ứng dụng ChatGPT và những hướng ứng dụng trong hệ thống dịch vụ công trực tuyến - cơ hội và thách thức; các cơ chế bảo mật và an toàn thông tin khi ứng dụng ChatGPT và sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Theo ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM, việc ra mắt phần mềm ChatGPT của công ty Open AI vào tháng 11/2022 đã tạo một làn sóng quan tâm trên toàn cầu. Chỉ trong vòng 2 tháng sau khi ra mắt, ChatGPT đã đạt con số 100 triệu người dùng, tạo nên "cơn sốt" trên toàn thế giới. Theo khảo sát được công bố ngày 25/2, trong số 1.000 doanh nghiệp (DN) được hỏi, có 48% các doanh nghiệp (DN) cho rằng ChatGPT đã bắt đầu thay thế một số vị trí nhân sự tại các công ty, giúp tiết kiệm 100.000USD/tháng. Các vị trí công việc mà ChatGPT có thể thay thế như viết mã code, hỗ trợ khách hàng, tóm tắt văn bản cuộc họp, soạn thảo câu hỏi phỏng vấn... Trong quản lý nhà nước, ChatGPT có thể ứng dụng tốt trong việc hỗ trợ Nhà nước cung cấp dịch vụ công.

Tuy nhiên, ChatPGT cũng tiềm ẩn thách thức như tính minh bạch, chính xác, an toàn của thông tin. Đặc biệt, những việc liên quan đến chính trị, một đặc thù của môi trường Nhà nước thì mức độ tin cậy của ChatPGT phải đặc biệt lưu ý. Đứng trước vấn đề mới, trách nhiệm của Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM là phải khẩn trương tiếp cận xu thế thế giới nhưng phải thận trọng, xem xét khách quan dưới góc độ khoa học, để từ đó, tận dụng những lợi thế nhằm phục vụ công việc, đồng thời xác định những rủi ro phát sinh để có thể khắc phục, phục vụ việc quản lý Nhà nước và người dân được tốt hơn.

-6216-1677654508.jpg

Ông Lâm Đinh Thắng - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM trả lời câu hỏi của đại biểu tại tọa đàm

Theo PGS-TS. Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc Gia TP.HCM) nhận định, bên cạnh những ưu điểm, ChatGPT còn có rất nhiều những hạn chế như trả lời sai vấn đề mang tính đặc thù (như đất nước, văn hoá, lịch sử ngôn ngữ) vì không có đủ dữ liệu; kết quả trả lời đôi khi mất kiểm soát do cơ chế tự học.

Ngoài ra, hiện tại ChatGPT chỉ có văn bản, chưa có tiếng nói, ChatGPT giải thích không đúng ngữ nghĩa, nhất là với những từ ẩn dụ. Với những chữ đặc thù tiếng Việt hoặc chữ Nôm thì ChatGPT không hiểu, trả lời sai. Đặc biệt, câu trả lời của ChatPGT về một vấn đề có khi khác nhau vì phụ thuộc vào cách hỏi, lịch sử hỏi. Vì vậy, ứng dụng ChatPGT là phải giám sát thông tin. Mặt khác, cần hiểu rõ ChatGPT để có cơ hội ứng dụng, học hỏi nhiều hơn để làm chủ được nó, biết cách hỏi và biết cách nhận ra những sai sót của ChatGPT để chỉnh sửa.

Đồng tình với quan điểm trên, TS.Võ Văn Khang - Phó chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam cho rằng, ChatGPT mang lại những rủi ro tiềm ẩn như thông tin giả, gây thất thoát dữ liệu nhạy cảm, khiến người khác nhận biết được hành vi của người dùng, từ đó có thể giúp kẻ xấu hoặc hacker lừa đảo trên không gian mạng. Vì thế, phải có cơ chế kiểm soát, bảo vệ dữ liệu đầu vào; cơ chế kiểm định tri thức đầu ra, bảo vệ tính riêng tư và phiên làm việc, cẩn trọng với các app thứ ba, không chia sẻ tài khoản và thông tin nhạy cảm, không trả tiền khi chưa kiểm chứng ứng dụng, không tin ChatGPT một cách máy móc.

Từ đó, ông Khang cũng đưa ra kiến nghị xây dựng hệ sinh thái AI có khả năng tích hợp ứng dụng GPT (AI), khả năng sử dụng GPT và các công cụ AI tương lai cho các kho dữ liệu quốc gia về DN để phục vụ người dân; xây dựng cơ chế kiểm định tự động đầu ra của ChatGPT đối với các ứng dụng liên quan đến dịch vụ công; trong hệ sinh thái Al cần có ứng dụng làm sạch, tái kiểm định chất lượng và tính chính xác của các sản phẩm được tạo ra bởi robot; nâng cao nhận thức về GPT và AI để tránh ngộ nhận, định hướng đạo đức về phát triển AI; đầu tư nghiên cứu khoa học về big data và AI tại Việt Nam.

Tại hội thảo, Sở thông tin Truyền thông TP.HCM đã đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng ChatGPT trong việc hỗ trợ thành phố nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN.... Đề xuất cơ chế, chính sách bảo mật thông tin, quản lý dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng ChatGPT.

-5995-1677654508.jpg

Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại tọa đàm

Lắng nghe các ý kiến phát tại buổi tọa đàm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu, thành phố rất quan tâm đến việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào mọi mặt, mọi lĩnh vực. Và ChatGPT hiện là một công cụ có rất nhiều điểm mạnh đang được nhiều người quan tâm, cần được tổ chức nghiên cứu một cách khoa học.

“ChatGPT hay một ứng dụng nào đó cũng chỉ là một công cụ bình thường của con người. Công cụ đó được sử dụng thế nào mới quan trọng. Và muốn sử dụng được phải hiểu nó một cách rõ ràng về thế mạnh lẫn nhược điểm. Phải có cách tiếp cận đa chiều”, ông Đức nói và cho rằng thành phố hướng đến mục tiêu tiếp cận ChatGPT nhằm định hướng đưa trí tuệ nhân tạo vào phục vụ người dân, phục vụ chính quyền thành phố một cách hiệu quả nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ứng dụng ChatGPT vào hoạt động quản lý Nhà nước: Tiếp cận xu thế thế giới nhưng phải thận trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO