HCA công bố ký kết với đối tác thành lập Viện Fintech và Viện AI trực thuộc HCA |
Trên thế giới hiện có khoảng 10.000 công ty Fintech đang cạnh tranh với các ngân hàng trong mọi lĩnh vực từ thanh toán, huy động vốn, cho vay, kinh doanh ngoại hối và cả tư vấn đầu tư.
Riêng ở Việt Nam, Fintech đã và đang thu hút được sự quan tâm rất lớn tuy nhiên các công ty Fintech ở Việt Nam hiện chủ yếu chỉ tập trung ở ba dịch vụ: thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng. Còn hệ sinh thái số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam mặc dù phát triển nở rộ gần đây nhưng vẫn đang còn nhiều hạn chế và gặp không ít các khó khăn, trở ngại.
Trong bối cảnh đó, Toàn cảnh Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Outlook - VIO) 2019 với chủ đề “Định hình tương lai Fintech Việt Nam - Shaping the future of Vietnam Fintech” - hội thảo được Hội Tin học TP.HCM (HCA) phối hợp cùng Fintech Academy Singapore (FTA), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng Đại học Quốc gia TP.HCM (VNUHCM-IBT) tổ chức đã giúp gợi mở nhiều vấn đề vướng mắc cho các doanh nghiệp liên quan đến Fintech.
Buổi hội thảo kéo dài cả ngày 31/10/2019 gồm nhiều phiên tham luận sáng và chiều giúp cho các công ty công nghệ, các công ty công nghệ tài chính, các ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề và các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ về các cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đánh giá lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế với hàng triệu giao dịch giữa các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp mỗi giờ. Do vậy, việc áp dụng thành công các công nghệ số để phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ có tác động lan tỏa rất to lớn, có thể mang lại hiệu quả theo cấp số nhân đối với toàn bộ hoạt động kinh tế.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) đã nêu ra những gợi mở để TP.HCM trở thành trung tâm Fintech của cả nước. Theo đó, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước và là nơi tập hợp nhiều công ty phần mềm, doanh nghiệp công nghệ, khu công nghệ và trung tâm công nghệ và là nơi khởi nghiệp của nhiều Fintech. TP.HCM cũng là nơi có sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam. Bên cạnh đó, TP.HCM nhiều ngân hàng đặt trụ sở chính, trong đó có 4 ngân hàng quốc tế đã đặt trụ sở và nhiều quỹ đầu tư quốc tế. Ngoài ra, vị trí địa lý của TP.HCM cũng kết nối chặt chẽ với trung tâm tài chính khu vực là Singapore và được đánh giá là một trong những trung tâm Fintech mới nổi.
Còn ông Trần Đình Cường - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, phát triển mô hình ngân hàng số là xu hướng tất yếu mà ngành ngân hàng hướng cần hướng đến trong thời gian tới. Trong quá trình triển khai, các ngân hàng cần sự hợp tác của các công ty Fintech để giúp ngân hàng nâng cao năng lực quản trị, mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ với hiệu quả cao trên nền tảng công nghệ mới. Do vậy, sự phát triển Fintech sẽ trở thành một trong những vấn đề mà ngành ngân hàng Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 24 (Vietnam ICT Outlook - VIO 2019) với chủ đề Định hình Tương lai Fintech Việt Nam - Shaping the future of Vietnam Fintech được sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP.HCM, Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM đã thu hút khoảng 3.000 lượt khách tham dự sự kiện.