Diễn đàn

Từ vụ 500.000 đồng ba quả dứa: Nghĩ về văn hóa kinh doanh và ứng xử của người Việt

Ý Nhi 09/05/2024 - 15:16

Tuần qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip có nội dung tố người bán hàng rong đã “Bán 3 quả dứa với giá 500.000 đồng cho du khách người nước ngoài”. Ngay sau đó, nhiều người dùng mạng xã hội đã phê phán nặng nề người bán hàng rong được cho là “bán giá chát” cho khách du lịch.

Sự việc được ghi lại trong đoạn clip như sau: Bà T. bán hàng rong tại ngã tư Hàng Đường - Hàng Buồm (Hà Nội). Khoảng tối, có hai nữ du khách nước ngoài đến hỏi mua dứa. Bà T. bán một quả dứa đã gọt với giá 50.000 đồng. Hai nữ khách đưa tờ 500.000 đồng, bà T. trả lại 450.000 đồng.

Hiện nay, mạng xã hội đang có những ưu thế riêng và sự lan truyền thông tin, định hướng thông tin rất nhanh nhưng đáng lo là nó lại không có màng lọc thông tin, vì thế, mỗi người dân cũng đừng vội tin vào những cái thứ mà mình trông thấy, nghe thấy hoặc là thậm chí là bị giật dây bởi những người cố tình thao túng tâm lý đám đông.

Tuy nhiên, hai vị khách nước ngoài sau khi cầm tiền thừa đã tự lấy thêm hai quả dứa chưa gọt nhưng bà T. không đồng ý, dẫn đến to tiếng. Một trong hai nữ du khách nước ngoài với thái độ hung hăng đã hất đồ đạc của bà T. trên xe xuống đất. Những người xung quanh xúm lại, một số người cho rằng giá 50.000 đồng/quả dứa là vẫn đắt nên yêu cầu bà T. trả lại tiền. Sau đó, bà T. lấy lại 450.000 đồng rồi trả lại tờ tiền 500.000 đồng cho 2 nữ du khách, không bán nữa.

Sau khi công an mời bà T lên làm việc và đã xác định lại thông tin: “Bà T không bán giá 500.000 đồng ba quả dứa mà chỉ là 50.000 đồng/quả dứa”. Thế nhưng, vẫn có rất nhiều người “bênh vực” người khách nước ngoài và tiếp tục chửi bới bà T.

Qua sự việc trên, có hai vấn đề cần suy nghĩ, đó là văn hóa kinh doanh và ứng xử của người Việt. Tại sao chính người Việt lại luôn mặc định người Việt xấu xí?

dua.jpg

Theo một số chuyên gia thì tâm lý trên xuất phát từ một vài người nhìn thấy sự việc cảm thấy bức xúc, sau đó, kéo theo nhiều người được nghe cũng bức xúc. Các chuyên gia gọi đây là hiệu ứng đám đông. Thực tế, có những cái mình nhìn thấy nhưng chưa hẳn là sự thật và đôi khi những cái mình thấy, cũng chỉ là một phần của sự thật mà thôi. Vì thế, đã có không ít người từng bị tổn thương vì những hiệu ứng đám đông như thế.

Ở góc độ văn hóa ứng xử của người Việt: Nếu nhìn lại toàn bộ sự việc qua đoạn clip, có thể thấy, hành vi của vị nữ du khách nước ngoài với thái độ khá hung hăng giật hai quả dứa lấy thêm và hất tung sạp hàng của người bán hàng rong là hành vi chưa thể hiện sự văn minh và văn hóa ứng xử. Ngay lúc đó, rất cần một thái độ phản đối để ít ra, những vị du khách kia cũng thấy họ đang đến một quốc gia khác cũng cần ứng xử văn hóa. Cách hành xử xấu xí của họ cũng đang bị người dân bản xứ phản ứng để bảo vệ cho đồng bào của họ, cho văn hóa của người Việt.

Thế nhưng, không có sự phản đối nào với hành động như thế, trong khi, người bán hàng rong lại bị đổ dồn sự chửi bới, dù một số người chưa biết đúng, sai diễn biến của câu chuyện. Có câu hỏi rằng, phải chăng người Việt lâu nay vẫn luôn mặc định: “Tây” luôn đúng, “Ta” luôn sai?

Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, vẫn có một thực tế đang tồn tại, đó là người Việt chưa thật sự tin vào văn hóa của mình, vào cộng đồng của mình. Điều này cũng xuất phát từ trong quá khứ, một số nước châu Á, trong đó có người Việt Nam đã vô tình thừa nhận thấp bé hơn về văn minh, về ứng xử, về sức mạnh nội lực so với người phương Tây, dẫn đến sự tự ti. Hiện, ở nước ta và một số nước đang phát triển, vẫn còn tâm lý khi nhìn thấy một người đến từ một quốc gia phát triển, thịnh vượng giàu có hơn thì người dân tại nước sở tại vẫn cảm thấy mặc cảm tự ti.

Ở góc độ văn hóa kinh doanh của người Việt: Cho dù thực tế người bán hàng chỉ bán với giá 50.000 đồng/quả dứa cho hai nữ du khách thì quả thật, giá này tuy chưa phải “quá chặt chém” nhưng cũng đã bị tăng lên gấp đôi, gấp ba so với giá bán cho người dân trong nước. Phải chăng, đây cũng là cách bán hàng theo kiểu “ăn xổi ở thì”, chộp giật hay mặc định người nước ngoài phải được bán với giá cao hơn người mua trong nước của một số người bán hàng.

Trước đó không lâu, dư luận cũng đã từng bất bình vì đã có không ít vụ người bán hàng rong, tiểu thương ở chợ đã bán hàng với giá “chặt chém” cho khách Tây và đã tạo hình ảnh xấu của người Việt, của du lịch Việt Nam trong mắt nhìn khách quốc tế. Xa hơn trong quá khứ, đã có rất nhiều những tiểu thương đã buôn bán theo kiểu “ăn xổi ở thì”.

Một khi “thói hư tật xấu” của kiểu làm ăn chộp giật, “ăn xổi ở thì” đã trở thành một văn hóa trong kinh doanh của nhiều người thì cũng dễ tạo ra sự ám ảnh cho cộng đồng. Dẫn đến tâm lý định kiến. Chỉ cần thấy cảnh người Việt người Tây cãi vã khi mua bán, chỉ cần thấy phản ứng của khách Tây thì dù chưa hiểu chuyện gì, đúng sai ra sao thì sự định kiến và mặc định “người Việt đang sai vì buôn bán gian dối” sẽ hiện diện trong suy nghĩ số đông người và câu chuyện 500.000 đồng ba quả dứa là một điển hình.

Tuy nhiên, trong xu thế kinh tế phát triển, việc giao thương với nước ngoài cũng đang kết nối hội nhập, nhiều người kinh doanh, buôn bán (gọi là doanh nhân) cũng đã thay đổi cung cách kinh doanh và bản thân họ đang tốt dần lên và tiến tới một nền văn hóa kinh doanh coi trọng chữ tín hơn, có đạo đức và chân thật với nhau hơn.

Vì thế, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cũng cho rằng, không nên có những định kiến về thói hư tật xấu về kinh doanh của người Việt nữa. Bởi nếu chúng ta cứ rao giảng hoặc cứ tuyên truyền rằng, người Việt xấu như vậy thì nó lan đi rất rộng và sẽ vô tình hằn sâu thêm những định kiến xấu.

Hiện nay, mạng xã hội đang có những ưu thế riêng và sự lan truyền thông tin, định hướng thông tin rất nhanh nhưng đáng lo là nó lại không có màng lọc thông tin, vì thế, mỗi người dân cũng đừng vội tin vào những cái thứ mà mình trông thấy, nghe thấy hoặc là thậm chí là bị giật dây bởi những người cố tình thao túng tâm lý đám đông.

Mỗi cá nhân phải có ý thức xây dựng gìn giữ những nét đẹp văn hóa, xây dựng cung cách ứng xử giữa người Việt với người Việt và người Việt với du khách nước ngoài để người Việt Nam không còn bị xem là xấu xí nữa.

“Việc chúng ta tôn trọng nhau, tôn trọng chính bản thân mình, tôn trọng nền văn hóa và đất nước của mình là thể hiện cho sự văn minh, tiến bộ chứ không phải vì sợ mất thể diện của mình trong mắt du khách quốc tế để “chĩa súng” vào người dân của mình”, (Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức chia sẻ với VTV Now)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ vụ 500.000 đồng ba quả dứa: Nghĩ về văn hóa kinh doanh và ứng xử của người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO