Từ việc Mỹ trao trả 17.000 cổ vật, nhìn lại “vết thương văn hóa” tại Iraq

Thùy Chi| 21/08/2021 09:00

Mới đây, 17.000 cổ vật bao gồm các phiến đất sét chữ nêm và các loại cổ vật khác đã được Mỹ trao trả về Iraq. Đây chỉ là một phần trong số rất nhiều cổ vật bị đánh cắp hoặc phá hủy tại đất nước này trong nhiều thập kỷ qua.

Một trong những cái nôi của văn minh nhân loại chưa được bảo vệ xứng tầm

Với phần lớn lãnh thổ nằm trong lưu vực hai con sông Tigris và Euphrates, đất nước Iraq ngày nay chính là một phần trung tâm của khu vực Lưỡng Hà (Mesopotamia) trước kia. Không những là một trong những cái nôi của nền văn minh cổ đại, nơi xuất hiện những đô thị đầu tiên trên trong lịch sử, khu vực này còn từng mang trong lòng nó những địa danh, di tích, gắn với nhiều sự kiện trong kinh Cựu Ước của Kito giáo.

Di tích thành cổ Ur tại Iraq, nơi được coi là quê hương của Abraham, tổ phụ của 3 tôn giáo độc thần lớn trên thế giới: Do Thái giáo, Kito giáo, và Hồi giáo

Di tích thành cổ Ur tại Iraq, nơi được coi là quê hương của Abraham, tổ phụ của 3 tôn giáo độc thần lớn trên thế giới: Do Thái giáo, Kito giáo và Hồi giáo

Ngay từ nửa sau của thế kỷ XIX, các nhà khảo cổ học đã hướng về Iraq với mong muốn tìm kiếm dấu tích của những thành phố được nhắc đến trong Kinh thánh như thành Ur - nơi được coi là nơi xuất thân của Abraham, tổ phụ của ba tôn giáo độc thần lớn trên thế giới: Do Thái giáo, Kito giáo, và Hồi giáo; hay Babylon cổ đại - nơi ra đời của chữ viết, thiên văn học, và bộ luật Hammurabi, bộ luật thành văn xưa nhất được biết đến; hoặc Nineveh - thành phố của người Assyria, một trong những quê hương của loài người theo Kinh Thánh…

Không chỉ các nhà khoa học bị hấp dẫn bởi kho tàng khảo cổ trong lòng đất, mà cả những kẻ cướp bóc, trộm cắp cũng bị thu hút. Ngay khi khu vực Bắc Phi và Trung Đông (trong đó có Iraq) nổi lên với những di tích khảo cổ được khai quật, người ta đã lập tức lo ngại không chỉ cho các khu vực này, mà cả với các khu vực chưa được khám phá.

Những năm đầu thế kỷ XX, thị trường chợ đen buôn bán đồ cổ trở nên phát triển, kéo theo nạn trộm cắp bùng nổ ở tất cả những nơi có khả năng tìm thấy cổ vật. Đến tận giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, Iraq vẫn còn là một trong số ít những nước không cấm việc bán đồ cổ ra nước ngoài. Điều này đã thu hút những kẻ trộm cắp, những tay buôn đồ cổ từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Khi Saddam Hussein lên nắm quyền tại Iraq vào năm 1979, chính quyền Iraq bắt đầu có những động thái đầu tiên để ngăn chặn nạn đánh cắp và buôn bán cổ vật ra nước ngoài. Tuy nhiên Iraq đã không duy trì được sự ổn định bền vững, những xung đột chính trị dai dẳng, những cuộc chiến lớn nhỏ liên tiếp nổ ra ngay từ đầu thập niên 1980, không những gây ra những tổn thất trực tiếp, mà còn kéo theo nạn trộm cắp cổ vật diễn ra trên diện rộng, và không có một lực lượng hay tổ chức nào thực sự đứng ra làm nhiệm vụ bảo vệ các di tích lịch sử.

Các khu vực chứa các tài sản văn hóa này bị cướp bóc bởi chính những người đã từng làm việc ở đó, ngay cả Bảo tàng Quốc gia Iraq, nơi sở hữu một trong những bộ sưu tập khảo cổ lớn nhất thế giới, cũng bị cướp phá. Nạn “chảy máu cổ vật” xảy ra khắp mọi nơi, một số lượng khổng lồ di sản văn hóa lịch sử bị khai quật khỏi lòng đất và bán ra nước ngoài thông qua các giao dịch chợ đen, song song với sự tàn phá của chiến tranh.

Đặc biệt với sự nổi lên và chiếm đóng của tổ chức Nhà nước hồi giáo ISIS, cả Iraq và thế giới đã phải chứng kiến và phẫn nộ trước hành vi cướp bóc và phá hoại nghiêm trọng mà tổ chức này gây ra đối với những di sản lịch sử quý báu của loài người.

Cổng Nergal của thành Nineveh, một thành phố của người Assyria cổ, thuộc Iraq ngày nay. Ảnh chụp năm 1977. Năm 2016, ISIS đã phá hủy toàn bộ cổng thành này

Cổng Nergal của thành Nineveh, một thành phố của người Assyria cổ, thuộc Iraq ngày nay. Ảnh chụp năm 1977. Năm 2016, ISIS đã phá hủy toàn bộ cổng thành này

Đây có thể coi là một vết thương văn hóa không chỉ của Iraq hay khu vực, mà còn là của nhân loại nói chung, khi không thể bảo vệ những gì lịch sử để lại.

Chung tay hàn gắn

Bảo tàng Quốc gia Iraq đã bị đóng cửa năm 2003 sau những vụ cướp phá bị lên án là hành động phá hoại văn hóa tồi tệ nhất thời hiện đại, với hơn 15.000 cổ vật bị đánh cắp. Sau 12 năm nỗ lực khôi phục, khoảng 4.300 vật phẩm trong số bị đánh cắp đã được đưa về bảo tàng.

Vào tháng 2 năm 2015, trong khi ISIS tung ra những video quay cảnh phá hoại gây phẫn nộ trên toàn thế giới, Iraq đã gấp rút chuẩn bị và cho mở cửa trở lại Bảo tàng Quốc gia, như một hành động cố gắng xoa dịu vết thương mà chiến tranh và xung đột liên miên gây ra.

Việc mở cửa Bảo tàng Quốc gia Iraq khi đó còn là nỗ lực của đất nước này để củng cố niềm tin trong chính người dân Iraq cũng như thế giới, về việc người Iraq sẽ tiếp tục gìn giữ những giá trị văn hóa của họ, ngăn chặn những hành động hủy diệt đang diễn ra khắp nơi bởi ISIS.

Ở các nước phát triển như khu vực châu Âu và Mỹ, nhu cầu sở hữu, sưu tầm cổ vật liên tục tăng cao trong suốt thế kỷ qua. Cũng như với các tác phẩm nghệ thuật, những người giàu có ở các khu vực này tìm mua cổ vật không chỉ vì sự yêu thích, ngưỡng mộ, hay ham muốn sở hữu, mà họ còn coi đó như những món đầu tư.

Mặc dù hành vi mua bán cổ vật tại các nước này bị coi là trái phép, nhưng hoạt động chợ đen lại diễn ra sôi nổi, từ đó thúc đẩy hành vi trộm cắp, cướp phá di tích lịch sử tại các quốc gia như Iraq. Để hạn chế hết mức có thể hoạt động mua bán trái phép, chính quyền các nước liên quan đều có hành động nhất định để tăng cường ý thức cho người mua, các nhà sưu tầm.

Họ đã chỉ ra rằng, hoạt động mua bán này mang rất nhiều rủi ro, vì nguồn mua cổ vật hợp pháp thật sự hạn chế, các giao dịch chợ đen không có chuyên gia thẩm định dễ dẫn đến các vụ lừa đảo. Kèm theo đó là nỗ lực siết chặt quy định về giao dịch trên thị trường nghệ thuật, nhằm đẩy các giao dịch này ra khỏi “vùng tối” bí mật.

Mới đây nhất, đầu tháng 8/2021, theo quyết định của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Bảo tàng Kinh thánh và Đại học Cornell đã trao trả 17.000 cổ vật về cho Iraq. Trong đó, khoảng 12.000 hiện vật thuộc về Bảo tàng Kinh thánh, từng được sử dụng với mong muốn cung cấp bối cảnh lịch sử cho các sự việc diễn ra trong Cựu Ước.

Hơn 5.000 cổ vật còn lại do một nhà sưu tầm người Mỹ tặng cho đại học Cornell vào năm 2000, được giới thiệu là bộ sưu tập những di vật từ một thành phố chưa được biết đến của người Sumer, và vẫn được đại học Cornell lưu giữ suốt những năm qua. 17.000 cổ vật này được cho là đã bị đánh cắp ở Iraq và đưa ra giao dịch bất hợp pháp tại nước ngoài.

Mảnh vỡ của một phiến đất sét khoảng 3.500 tuổi, có khắc một phần của một sử thi. Đây là một trong số 17.000 cổ vật được trao trả cho Iraq lần này

Mảnh vỡ của một phiến đất sét khoảng 3.500 tuổi, có khắc một phần của một sử thi. Đây là một trong số 17.000 cổ vật được trao trả cho Iraq lần này

Vụ trao trả 17.000 cổ vật này không những là cuộc “hồi hương” lớn nhất từ trước đến nay về số lượng của các di sản bị đánh cắp, mà còn đánh dấu bước tiến lớn trong nỗ lực chung của nhiều quốc gia về việc tạo sức ép buộc các tổ chức phương Tây trả về nguyên quán các hiện vật lịch sử, văn hóa mang ý nghĩa quan trọng.

Hy vọng trong tương lai, “vết thương văn hóa” khổng lồ của Iraq- hệ quả của chiến tranh và xung đột dai dẳng sẽ sớm phục hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ việc Mỹ trao trả 17.000 cổ vật, nhìn lại “vết thương văn hóa” tại Iraq
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO