Hiệu lực của hợp đồng lao động không đóng dấu

17/12/2013 04:36

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Đối với những hợp đồng không đóng dấu của doanh nghiệp vẫn được pháp luật thừa nhận.

Hiệu lực của hợp đồng lao động không đóng dấu

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Đối với những hợp đồng không đóng dấu của doanh nghiệp vẫn được pháp luật thừa nhận.

Bộ luật Dân sự quy định hình thức của giao dịch dân sự được thể hiện dưới dạng văn bản, lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể.

Theo quy định của Bộ luật Lao động về hình thức hợp đồng lao động thì hợp đồng phải được lập thành văn bản trừ trường hợp đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Cả hai Bộ luật Dân sự và Bộ luật Lao động đều không có các quy định về việc đóng dấu vào hợp đồng. Trong khi đó, Điều 1 Nghị định 58/2001/NĐ-CP quy định:

“Con dấu được sử dụng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hội quần chúng, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (dưới đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức) và một số chức danh nhà nước.

Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước. Con dấu được quản lý theo quy định của Nghị định này”.

Quy định trên không khẳng định con dấu của công ty là dấu hiệu duy nhất thể hiện giá trị pháp lý của văn bản. Tương tự trong hợp đồng lao động, con dấu của công ty không phải là dấu hiệu duy nhất xác thực hiệu lực pháp lý của hợp đồng. Con dấu chỉ là một trong những chứng cứ chứng minh cho sự ràng buộc trách nhiệm giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Mặt khác, quy định pháp luật về mặt hình thức của hợp đồng không bao gồm yếu tố con dấu mà chỉ xem xét hợp đồng được ký dưới dạng văn bản hay lời nói.

Vấn đề có hoặc không có con dấu không làm ảnh hưởng đến điều kiện có hiệu lực của hợp đồng về mặt hình thức. Do đó, hợp đồng lao động không có con dấu không thuộc trường hợp hợp đồng vô hiệu về hình thức theo quy định của pháp luật.

Hợp đồng lao động không có dấu của công ty nhưng có chữ ký của người đại diện theo pháp luật và được công ty thừa nhận thì hợp đồng lao động vẫn có hiệu lực pháp luật.

Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, các bên phải cung cấp các chứng cứ nhằm chứng minh ý chí của công ty- người sử dụng lao động đối với việc sử dụng lao động như: thời gian làm việc tại công ty có sự xác nhận của trưởng bộ phận hoặc những người lao động khác tại công ty; Giấy tờ xác nhận về việc nhận lương từ phía người sử dụng lao động; Các giấy tờ khác liên quan đến hoạt động của người lao động như biên bản làm việc, bảng chấm công, quyết định bổ nhiệm…

Hiện nay, do chưa có quy định pháp luật cụ thể về vấn đề này nên khi tranh chấp xảy ra, việc giải quyết hệ quả pháp lý của hợp đồng lao động không đóng dấu phụ thuộc nhiều vào quan điểm, lập luận của người giải quyết. Để đảm bảo lợi ích người lao động và người sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng lao động, đôi bên cần ký tên và đóng dấu đầy đủ trong hợp đồng.

Công ty luật PLF

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiệu lực của hợp đồng lao động không đóng dấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO