Giảm giá gói thầu mua sắm công áp dụng thế nào?

Vân Ly| 29/05/2020 07:29

Theo quy định của pháp luật, việc điều chỉnh giá hợp đồng các dự án mua sắm công thông qua đấu thầu chỉ được áp dụng đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian.

Thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp khi thực hiện việc đấu thầu không đúng theo quy định, hoặc không thực hiện theo Luật Đấu thầu với một số tài sản dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Để làm rõ hơn vấn đề pháp lý xung quanh hoạt động đấu thầu, Doanh Nhân Sài Gòn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và ThS. Vũ Thị Thanh Tuyền - Trọng tài viên và Hòa giải viên thương mại của Trung tâm Trọng tài Thương mại Thịnh Trí.

Talkshow-mua-sa-m-co-ng-JPG-3471-1590748

TS. Nguyễn Vinh Huy và ThS. Vũ Thị Thanh Tuyền tại Talkshow "Vấn đề pháp lý xung quanh hoạt động đấu thầu" do báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức mới đây

* Thưa TS. Nguyễn Vinh Huy, việc một cơ quan nhà nước tuyên bố giảm giá gói thầu mua sắm công sau khi bên bán đã hoàn tất việc chuyển giao thiết bị được thực hiện theo quy định nào?

- TS. Nguyễn Vinh Huy: Theo quy định của Luật đấu thầu hiện nay thì việc điều chỉnh hợp đồng phải được quy định cụ thể trong văn bản hợp đồng, văn bản thỏa thuận về điều kiện của hợp đồng (nếu có) trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực. Việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ được áp dụng đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian.

Tuy nhiên, loại hợp đồng áp dụng chủ yếu cho gói thầu mua sắm hàng hóa là hợp đồng trọn gói. Trường hợp hàng hóa có tính đặc thù, phức tạp, quy mô lớn và thời gian thực hiện hợp đồng trên 18 tháng thì có thể áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, trường hợp có thay đổi về đơn giá và cần phải điều chỉnh giá hợp đồng thì nhà thầu phải chứng minh được các yếu tố dẫn đến sự thay đổi về đơn giá đó.

* Thưa ThS. Vũ Thị Thanh Tuyền, khi nào thì một cơ quan nhà nước đã mua thiết bị thông qua đấu thầu được yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thiết bị giảm giá?

- ThS. Vũ Thị Thanh Tuyền: Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và đầu tư thì việc hiệu chỉnh, bổ sung hợp đồng có thể được thực hiện trong các trường hợp:

Thay đổi bản vẽ, thiết kế công nghệ hoặc yêu cầu kỹ thuật đối với trường hợp hàng hóa cung cấp theo hợp đồng mang tính đặc chủng được đặt hàng sản xuất cho riêng chủ đầu tư; bổ sung hạng mục công việc, hàng hóa hoặc dịch vụ cần thiết ngoài phạm vi công việc quy định trong hợp đồng; thay đổi phương thức vận chuyển hoặc đóng gói; thay đổi địa điểm giao hàng; thay đổi thời gian thực hiện hợp đồng; các nội dung khác quy định tại điều kiện cụ thể của hợp đồng mà hai bên đã thỏa thuận.

Như vậy, cơ quan đã mua thiết bị thông qua đấu thầu chỉ được phép yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thiết bị giảm giá nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng phát sinh các trường hợp nêu trên.

* Ở góc độ pháp lý, việc mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 đã hoàn tất, nhưng khi bị phát hiện vi phạm quy định đấu thầu sẽ bị xử lý thế nào, thưa TS. Huy?

- TS. Nguyễn Vinh Huy: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đấu thầu, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý đấu thầu được quy định cụ thể tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP. Mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 40 triệu đồng tùy hành vi vi phạm.

Tổ chức và cá nhân thực hiện các hành vi bị cấm trong đấu thầu được quy định tại Luật đấu thầu và nhà thầu không tuân thủ quy định về sử dụng lao động của Nghị định 63/2014/NĐ-CP sẽ bị cấm tham gia vào hoạt động đấu thầu. Thời gian cấm tham gia hoạt động đấu thầu tùy theo mức độ vi phạm, ít nhất là 6 tháng, cao nhất là 5 năm.

Cá nhân vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Nhẹ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, nặng thì có thể bị phạt tù đến 20 năm tùy theo mức độ thiệt hại. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Ngoài ra, khi phát hiện vi phạm pháp luật về đấu thầu, người có thẩm quyền, chủ đầu tư có thể hủy thầu, đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của bên mời thầu.

* Vậy, bên mời thầu (hay còn gọi là chủ đầu tư) và nhà thầu (doanh nghiệp dự thầu) cần lưu ý những điểm gì khi tham gia hoạt động đấu thầu?

- TS. Nguyễn Vinh Huy: Có thể nói, hồ sơ dự thầu chính là thông điệp đầy đủ và rõ ràng của nhà thầu đối với chủ đầu tư về năng lực kinh nghiệm, khả năng thực hiện và mức giá chào đối với công việc đã đề ra trong hồ sơ mời thầu. Trong hồ sơ dự thầu, các nhà thầu phải cân nhắc kỹ để tránh các sai lầm khiến hồ sơ của mình bị loại. Một số điểm cần lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ dự thầu như:

4535353-3828-1590652213.jpg

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý các biểu mẫu dự thầu, đây không phải là nội dung hướng dẫn để tham khảo mà là nội dung nhà thầu bắt buộc phải thực hiện theo. Làm y nguyên không được thay đổi nội dung, hình thức của các biểu mẫu trong hồ sơ mời thầu yêu cầu, không được làm thiếu một biểu mẫu nào mà hồ sơ mời thầu yêu cầu phải có. Chỉ cần sơ suất ở một nội dung nào đó trong các biểu mẫu cũng có thể dẫn đến hồ sơ dự thầu bị loại.

Doanh nghiệp nên lưu ý đơn dự thầu phải đầy đủ nội dung được yêu cầu, đặc biệt là thẩm quyền người ký trong trường hợp ủy quyền, thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu.

Các văn bản được yêu cầu sao y công chứng thì cần lưu ý thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày sao y đến ngày hồ sơ dự thầu hết hiệu lực.

Việc trình bày hồ sơ dự thầu nên mạch lạc, rõ ràng, bám sát theo sườn và yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Mỗi mục khác nhau nên có tờ phân trang tách bạch rõ ràng để bên mời thầu dễ kiểm tra, chấm thầu. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú ý đến các yêu cầu về bảo mật của hồ sơ dự thầu.

- ThS. Vũ Thị Thanh Tuyền: Doanh nghiệp cần đọc kỹ hồ sơ mời thầu, tránh dẫn đến "lạc đề", làm sai sót hồ sơ dự thầu, tránh rơi vào "bẫy" vô tình hay hữu ý của hồ sơ mời thầu. Hồ sơ dự thầu phải có đầy đủ các nội dung mà hồ sơ mời thầu yêu cầu. Hồ sơ dự thầu phải thật chuẩn, chi tiết đến từng đầu việc; kiểm tra kỹ hồ sơ mời thầu, xem đã đầy đủ thông tin cho một bản dự thầu chính xác chưa, nếu chưa đủ thông tin thì phải ngay lập tức gửi công văn đến bên mời thầu đề nghị làm rõ hồ sơ dự thầu; đối với nhà thầu liên danh thì cần đặc biệt lưu ý đến tên liên danh, tính hợp lệ, tính pháp lý của thỏa thuận liên danh, giấu ủy quyền trong hồ sơ dự thầu, nhất là trong trường hợp công ty mẹ ủy quyền cho công ty con tham gia liên danh; doanh nghiệp cũng cần chú ý lỗi số học, lỗi chính tả trong hồ sơ dự thầu, đặc biệt là các phần liên quan đến giá dự thầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm giá gói thầu mua sắm công áp dụng thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO