Từ vài chục cây chanh núm...

PHƯỚC HƯNG| 22/04/2010 09:51

Hai mươi lăm năm, từ một nông dân trực tiếp trồng chanh, lái chanh rồi trở thành chủ vựa cung cấp chanh cho nhiều nơi, kể cả giao chanh xuất khẩu, Phạm Văn Vui vẫn là một nông dân ưa đờn ca tài tử...

Từ vài chục cây chanh núm...

Ông chủ vựa chanh Phạm Văn Vui (sinh năm 1960, hiện ở Bình Dương B, P. Long Tuyền, Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ) có mái tóc bồng bềnh, dáng người cao ráo, nở nụ cười thật tươi khi nhìn những lái chanh xuôi dòng kinh Long Tuyền lần lượt chở chanh về vựa của mình. Hai mươi lăm năm, từ một nông dân trực tiếp trồng chanh, lái chanh rồi trở thành chủ vựa cung cấp chanh cho nhiều nơi, kể cả giao chanh xuất khẩu sang Singapore, Hồng Kông, Phạm Văn Vui vẫn là một nông dân ưa đờn ca tài tử...

Không chịu nghèo hoài

Căn nhà lá te tua cùng khu vườn tạp hai công với vài chục cây chanh núm (chanh tàu) là tài sản được cha mẹ cho Vui khi vợ chồng anh ra riêng, Vui quần quật suốt năm chẳng nuôi nổi vợ và một con. Lúc trúng mùa chanh, vợ anh ngồi thấm nước bọt trên đầu ngón tay đếm tiền, quặn lòng chi trả cho cảnh ăn trước trả sau, tức bán mão chanh như bán lúa non. Kinh nghiệm nhà vườn chưa nhiều, gặp lúc chanh thúi rễ, thúi củ hủ, vàng lá, vợ chồng ngồi thở dài. Nhưng đời nhà vườn, cây trái là cội nguồn của cuộc sống, Vui không chịu thua mà tiếp tục học hỏi để những cây chanh tạo nên cơm áo.

Bước ngoặt của cuộc đời Vui là khi biết người lái chanh từng vào vườn nhà mình năn nỉ mua chịu nhưng chẳng bao lâu cuộc sống của anh ta đã khấm khá. Năm 1979 (29 tuổi), Vui làm thêm nghề lái chanh. Vốn ít, ngày ngày anh phải lội bộ mấy chục cây số, gõ cửa nhà vườn để mua xô, lựa trái lớn, da láng cân cho vựa, còn lại giao vợ đem ra chợ bán lẻ. Nhưng việc buôn bán đâu phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, ngay cả trái chanh cũng đánh đố con mắt. Chẳng hạn, chanh còn trên cây nhìn thấy đẹp, nhưng hái xuống mới thấy da cám do để quá lứa. Nhưng lái chanh phải lấy uy tín làm đầu, giá cả đã thỏa thuận, phải giữ lời.

Thời gian dần trôi, trời không phụ người chịu thương chịu khó như anh: lái chanh có chút đỉnh lời, vườn chanh ở nhà trở nên xanh tốt nhờ có phân bón, thuốc trừ sâu. Rồi vợ chồng Vui sắm được xe đạp, bớt đi việc khuân vác nhọc nhằn, 5 năm sau lại mua được xe gắn máy.

Thủy chung với nghề

Vào một chiều tháng 3/1995, có một vị khách từ miền Trung vào Cần Thơ tìm đến Phạm Văn Vui do biết anh là tay lái chanh có kinh nghiệm, uy tín với các chủ vườn chanh. Người khách muốn anh hợp tác để cung ứng chanh số lượng lớn. Trong việc buôn bán, cách tốt nhất là “tiền trao cháo múc”, đằng này mua bán theo hợp đồng, khi nhận điện thoại đặt hàng thì phải bao xe chở tận nơi, một tuần sau thanh toán tiền qua bưu điện, làm Vui lúng túng vì quá mới mẻ, mà phần thua thiệt có thể đứng về phía chủ vựa, khiến vợ chồng anh đã khó khăn về đồng vốn lại càng khó khăn hơn. Nhưng sau nhiều đêm gác tay lên trán, anh nghĩ đây là cơ hội hiếm hoi mình cần phải nắm bắt. Hàng mua tận gốc, bán tận ngọn, mình lại buôn bán thật thà thì không ngại bị giựt dọc.

“Nhất cận thị, nhì cận giang”. Duyên may đã giúp Vui tìm thuê được mảnh đất như ý, trên là hương lộ 18, dưới là con kinh Long Tuyền, bên cạnh chợ Long Tuyền rất thuận lợi cho việc thu mua, vận chuyển chanh. Từ đó, anh đặt mối chanh các nhà vườn, thương lái. Trước đây làm lái, buôn bán cò con ngày năm bảy chục ký chanh, ai cũng là bạn, ai cũng cảm thông, khi mở vựa phát sinh bao chuyện, anh phải đối mặt với bao khó khăn, hệ lụy, bởi xuất phát điểm của anh quá thấp. Trong kinh doanh, người bình thường nhưng có vốn thì dễ mượn tiền, người có vốn mà khôn ngoan thì dễ mượn thế. Riêng Vui, chẳng thế, chẳng tiền, nhưng trời phú cho đôi mắt biết nhận xét, biết nhìn người nên anh biết cách làm ăn.

Vào cuộc rồi Vui mới thấy sự cạnh tranh thu mua chanh ngày càng gay gắt, sáng giá này chiều giá khác. Rồi phát sinh việc mua chuộc thương lái. Có vựa chào hàng xuất tỉnh loại chanh tốt, hạ giá thấp để giành mối. Rồi mối các tỉnh nhận hàng xong, lại nêu lý do như bán ế, hàng hư, mưa kéo dài nên bán chậm để tự động trả bớt tiền. Tệ hơn nữa là mối vựa thua lỗ, ở xa không hay biết, cứ tiếp tục gởi hàng, cuối cùng mất luôn cả vốn lẫn lời. Dù có lúc phải phá huề hay chịu lỗ, nhưng bao giờ Vui cũng tươi cười, nói năng nhỏ nhẹ, khéo léo để vừa lòng bạn hàng, vừa tạo chữ tín vừa giữ mối.

Qua nhiều năm trồng chanh, lái chanh, vựa chanh, sự lời lỗ của nhà vườn anh rõ như lòng bàn tay. Mùa mưa chính vụ, không phải tốn nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, chanh thu hoạch mỗi ký bán 4 - 5 ngàn đồng đã có lời. Chanh trái mùa, mỗi ký chừng 10.000 đồng mới kiếm được chút đỉnh. Chanh có đầu ra, giá không quá thấp, khiến nhà vườn không còn cốt bỏ mà được chiết cành, nhân giống. Ưu điểm của chanh núm là dễ trồng, dễ ra hoa, đậu quả, thích nghi nhiều loại đất, biết kích thích cho trái nghịch mùa đã giúp các vựa chanh ngày nào cũng có hàng xuất đi các tỉnh.

Thủy chung với nghề, không bo bo thủ lợi một mình, Phạm Văn Vui đã có điều kiện giúp các thương lái về tiền bạc khi thu mua, giúp nhà vườn có tiền thâm canh cây chanh. Anh còn học hỏi kỹ thuật trồng chanh để hướng dẫn cho nhà vườn, tìm thêm đầu ra cho trái chanh.
Hiện nay, vựa chanh của anh Vui đã xuất chanh đi TP.HCM, Vũng Tàu, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Gia Lai, Hải Phòng, Hà Nội... mỗi ngày từ 5 - 6 tấn, có ngày trên 10 tấn.

Qua 15 năm làm chủ vựa, Phạm Văn Vui không thể nào nhớ được số lượng chanh đã xuất, nhưng anh rất vui vì đã giúp nhiều nhà vườn có nơi bán chanh ổn định. Riêng gia đình anh, từ mảnh đất 2.000m2 nay đã có thêm 6.000m2 nữa cũng chuyên trồng chanh, có xe chuyển hàng, nhà cửa khang trang. Gia đình anh là tụ điểm đờn ca tài tử của P. Long Tuyền.

Sự thành đạt hôm nay, anh không quên nhắc đến vợ anh là Thi Thị Thủy, người đàn bà chịu thương chịu khó đã tạo điều kiện giúp anh thành đạt trên thương trường và sinh cho anh hai người con trai hiếu thảo, tạo nên một gia đình hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ vài chục cây chanh núm...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO