TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: “Đã làm kiến trúc thì tôi luôn hướng về tương lai”

Lữ Ý Nhi| 30/10/2021 01:00

Đề cập đến vấn đề quy hoạch TP.HCM - chủ đề mà TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã rất trăn trở và tâm huyết hơn 10 năm qua, tôi chắc ông sẽ có nhiều thời gian để trò chuyện khi những ngày này Thành phố vẫn chưa trở lại nhịp sống hối hả như trước khi có dịch Covid-19.

Thế nhưng ngay cuộc điện thoại đầu tiên, ông đã đề nghị: “Tôi đang còn nhiều việc dang dở phải làm. Chỉ có thể trò chuyện với bạn tối đa hơn nửa tiếng đồng hồ”...

* Nhắc đến KTS. Ngô Viết Nam Sơn là nhớ đến những phát biểu của ông về mối quan tâm quy hoạch đô thị... 

- Được sống qua nhiều giai đoạn của đất nước, từ lúc chiến tranh trước năm 1975 đến những năm khó khăn sau chiến tranh và đất nước bắt đầu mở cửa vào năm 1990 với nhiều cơ hội phát triển mới, lúc đó mong muốn mãnh liệt của tôi là được góp sức để Việt Nam mau giàu mạnh. 

Sau gần hai thập niên du học và làm việc tại Bắc Mỹ, tôi trở về Việt Nam. Bắt đầu là những dự án quy hoạch kiến trúc, cùng các bài báo chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm thu thập được từ nước ngoài. 

Mặc dù sống và làm việc tại Bắc Mỹ, nhưng 80-90% những dự án mà văn phòng chúng tôi thực hiện đều ở các nước châu Á. Bởi đó là giai đoạn đô thị châu Á phát triển nhanh và mạnh hơn rất nhiều so với Bắc Mỹ. 

Mr-Nam-Son-Bia-1200-1635330838.jpg

Trong số các dự án đã thực hiện, tôi đặc biệt chú ý sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc. Khi bắt đầu đổi mới, trước Việt Nam khoảng một thập niên, Trung Quốc vẫn chưa là một nước phát triển, nhưng nhanh chóng trở thành một quốc gia phát triển nhanh hàng đầu thế giới, có thể gấp nhiều lần so với Việt Nam. Khi đó, tôi đã mơ và hy vọng Việt Nam cũng có thể phát triển mạnh như Trung Quốc. 

Với kinh nghiệm từng làm quy hoạch Phố Đông Thượng Hải, nhìn lại Thủ Thiêm, tôi thấy tiếc. Cùng một thời gian 15-20 năm, với hiện trạng và nhiều điều kiện tương đồng nhưng Phố Đông từ một khu đất trống đã trở thành một trung tâm đô thị như Hồng Kông, trong khi Thủ Thiêm chỉ xây dựng được một ít đường sá và công trình. Cho đến nay, Thủ Thiêm vẫn phát triển rất chậm, vì thế tôi vẫn mong góp sức giúp TP.HCM đổi mới để tăng tốc phát triển.

* Việc thành lập thành phố Thủ Đức - một dự án chưa có tiền lệ vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông, muốn Thủ Đức phát triển như Phố Đông, cần có chính sách và cơ chế gì?

- Năm 2019, tôi tham gia hội đồng chấm thi tuyển cuộc thi quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác phía Đông TP.HCM (HIID)” đợt 1. Đề thi lúc đó chưa nói gì đến thành phố Thủ Đức, mà chỉ yêu cầu đề xuất ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo trên 20 khu đất tiềm năng, chiếm khoảng tổng diện tích, nằm rải rác trong ba quận phía Đông TP.HCM (quận 2, 9, Thủ Đức). Do đó, ý tưởng đoạt giải chỉ tập trung vào 6 khu lớn nhất, trong số 20 khu của đề thi mà thôi. 

Đến đầu năm 2020, đề xuất của TP.HCM với Trung ương về chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức, thuộc TP.HCM, gồm ba quận 2, 9, Thủ Đức được chấp thuận. Lúc đó, lãnh đạo TP.HCM mới yêu cầu khai triển phương án đoạt giải thành quy hoạch thành phố Thủ Đức. Tôi đã góp ý kiến, phải xem việc phát triển thành phố Thủ Đức là một đề bài mới, vì đây không còn là một đề bài quy hoạch dự án các khu đô thị mới cho 20 khu đất nữa, mà là một quy hoạch hoàn chỉnh về cải tạo, chỉnh trang, và phát triển mới cho hẳn một thành phố, với diện tích 212km vuông. Do vậy, về mặt tư duy chiến lược, có nhiều vấn đề mà TP.HCM phải lưu tâm:

1-1148-1635331618.jpg

Thứ nhất, khái niệm “thành phố trong thành phố” chưa có tiền lệ ở Việt Nam và cơ sở pháp lý còn thiếu. Ví dụ, Chủ tịch thành phố Thủ Đức ngang cấp nào? Về lý thuyết thì hiện giờ, Chủ tịch thành phố Thủ Đức vẫn chỉ thấp ngang cấp chủ tịch quận. Tôi đề xuất nâng lên ngang cấp Phó chủ tịch UBND TP.HCM, giống cách làm của Phố Đông Thượng Hải, để tương xứng hơn với trách nhiệm xây dựng thành phố mới. 

Thứ hai, nếu quy hoạch Thủ Đức thành một thành phố thì vừa phải phát triển mới và hiện đại, thu hút được từ 500.000 - 1 triệu cư dân có tri thức cao và thu nhập cao đến định cư tại đây, vừa phải chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống cho 1,2 triệu dân hiện hữu, trong đó nhiều khu vực vẫn đang bị kẹt xe, ngập nước.   

Thứ ba, bên cạnh lợi thế là hạ tầng giao thông kết nối vùng đến Biên Hòa, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, thì thành phố Thủ Đức vẫn phải xây dựng mới hạ tầng cho các khu đô thị mới đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ, trong tình hình ngân sách khó khăn, do TP.HCM phải nộp cho Trung ương đến 82% ngân sách thu được hằng năm. 

Từ kinh nghiệm thành công của Phố Đông, có sự hỗ trợ rất lớn từ ngân sách trung ương và có chính sách mở để lãnh đạo Phố Đông toàn quyền quyết định sách lược thu hút đầu tư một cách hiệu quả và nhanh chóng, mà không cần phải thường xuyên xin phép Trung ương hay “thành phố mẹ”. Nhờ vậy, việc cấp phép thành lập công ty, hoặc phê duyệt dự án, hoặc cấp phép xây dựng được tiến hành rất nhanh, chỉ trong vòng vài tuần. 

Tôi nghĩ, để phát triển thành phố Thủ Đức, chúng ta nên học kinh nghiệm phát triển quốc tế, đặc biệt là bài học của Phố Đông, không chỉ về mặt quy hoạch, mà cả về mặt kinh tế, tài chính, môi trường, thủ tục, pháp lý... Cần phải cho thành phố Thủ Đức một cơ chế thoáng, cơ chế đặc khu, để không những có thể xây dựng nên một thành phố hiện đại tầm quốc tế không lệ thuộc vào ngân sách công, mà còn biến nơi đây thành một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất nước và trong khu vực.

 * Những năm qua, việc đô thị hóa và phát triển đô thị TP.HCM còn những hạn chế như thiếu bền vững, thiếu tính kết nối, thiếu bản sắc. Theo ông, những bất cập ấy do đâu? 

- Phát triển đô thị cần phải đi đôi với việc giảm thiểu tác động môi trường, bảo vệ di sản kiến trúc và đảm bảo lợi ích chung của người dân. Có hai nguyên nhân gây ra bất cập. 

Thứ nhất, có thể do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức. Nếu vậy, các nhà quản lý đô thị nên cầu thị, lắng nghe ý kiến chuyên gia các ngành kinh tế, xã hội, môi trường, lịch sử... 

Thứ hai, có thể nhiều nhà đầu tư có kiến thức và hiểu biết, nhưng vẫn cố tình làm sai để đạt lợi ích riêng. Trường hợp này rất cần có vai trò của Nhà nước khi cấp phép cho dự án, để điều phối được lợi ích của nhà đầu tư hài hòa với lợi ích chung. 

* Trong việc phát triển đô thị ở Việt Nam, theo ông những yếu tố nào quan trọng nhất?

- Phát triển đô thị trước hết cần phải bền vững, nghĩa là ít gây tác động xấu đến môi trường, không làm gia tăng kẹt xe, hoặc ngập nước, hoặc ô nhiễm không khí vượt mức có thể cho phép. 

Thứ hai là phát triển đô thị phải giữ gìn được di sản quy hoạch kiến trúc và di sản văn hóa cộng đồng. Bởi vì đó là những giá trị quý báu đem lại bản sắc độc đáo cho đô thị. 

Thứ ba, phát triển đô thị phải kích thích được phát triển kinh tế - xã hội. Tức là phát triển đô thị phải làm cho người dân giàu có hơn, công ăn việc làm thuận lợi hơn, đời sống vật chất và văn hóa tinh thần tốt hơn.

Cuối cùng, phát triển đô thị phải đáp ứng được các nhu cầu, khai thác các tiềm năng phát triển, tận dụng được các tiến bộ của thế kỷ XXI, là thế kỷ của toàn cầu hóa, thông tin số hóa và công nghệ cao. 

* Trong các dự án đã làm, ông cho rằng dự án nào có thể góp phần ghi dấu ấn của KTS. Ngô Viết Nam Sơn? 

- Thật ra là khi hành nghề, tôi luôn để tâm huyết vào công việc và hướng về tương lai. Nghĩa là dự án nào mình đang làm hay sắp làm, đều là những thử thách mới, đều có thể trở thành dấu ấn mới, đóng góp cho xã hội. 

Những dự án mà tôi tâm đắc, thường là những dự án đóng góp thiết thực cho địa phương về mặt kinh tế - xã hội và văn hóa, môi trường. 

Mr-Nam-Son-Trang-trong-5583-1635330838.j

Trong đó, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung cho thành phố Đà Nẵng, được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, mà tôi cùng KTS. Kathrin Moore (Mỹ), cùng Viện Thiết kế UPI thực hiện. Đồ án được đánh giá cao về mặt thực tiễn, cho nên mới đây, khi điều chỉnh quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, thì Đà Nẵng đã tiếp tục mời tôi làm cố vấn, hợp tác với tư vấn Singapore và các chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Một dự án khác là quy hoạch Khu trung tâm mới thế kỷ XXI cho thành phố Huế tại An Vân Dương, đã được phê duyệt và đang xây dựng. Trong đó, có dự án quy hoạch và kiến trúc khu đô thị hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế của tôi, đã được phê duyệt và đang thi công. Các dự án này góp phần thu hút mở rộng phát triển mới thành phố Huế về phía Đông, giảm áp lực xây dựng lên khu trung tâm hiện hữu, để giúp bảo tồn tốt hơn khu trung tâm di sản thế kỷ XIX và thế kỷ XX. 

 Bên cạnh dự án quy hoạch và kiến trúc cho một quần thể tôn giáo là Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi (Đồng Nai), cũng đã được phê duyệt và đang xây dựng, tôi còn được mời làm cố vấn quy hoạch cho nhiều tỉnh, thành, trong đó hiện nay đang là Cố vấn trưởng Quy hoạch cho tỉnh Khánh Hòa.

* Tôi rất ấn tượng với câu nói: “Đừng để Sài Gòn ngập trong rác công trình” của ông...

- “Rác công trình” không nhất thiết là một công trình cũ nát. Nó có thể là một công trình hiện đại, nhưng nó vẫn là rác khi gây tác động xấu đến môi trường, hoặc cố ý phá bỏ công trình di sản để xây mới, mà lại làm đô thị trở nên “xấu” hơn! Không chỉ tại TP.HCM, mà cả nước, đang mọc lên không ít “rác công trình” như vậy, gây thiệt hại lớn cho đất nước.

* Dưới góc nhìn của một kiến trúc sư, nên hiểu thế nào cho đúng về một thành phố văn minh, hiện đại, thưa ông?

- Nhiều người cho rằng thành phố văn minh, hiện đại là thành phố có nhiều nhà cao tầng, những xa lộ thênh thang. Cách nhìn đó tuy không sai nhưng chưa đủ. Một thành phố văn minh, hiện đại còn phải cải thiện và nâng cao được mức sống vật chất và tinh thần của người dân. Chỉ khi đời sống văn minh hiện đại, thì mới có đô thị văn minh hiện đại!

Gần đây, người ta đang nói nhiều đến khái niệm “thành phố đáng sống”. Nhưng câu hỏi đầu tiên cần trả lời là thành phố đó đáng sống đối với ai? Nếu một đô thị hiện đại mà chỉ phục vụ cho thiểu số tầng lớp giàu, mà không phục vụ cho mọi tầng lớp người dân, thì tôi không cho là văn minh, hiện đại. 

* Còn khái niệm thành phố xanh, không gian xanh...

- Có một thực tế là diện tích xanh ở TP.HCM còn quá thấp. Theo quy hoạch, dự kiến đạt 6-7m2 cây xanh/người, nhưng thực tế hiện nay chỉ đạt 0,5m2/người. Nhiều đô thị tiên tiến trên thế giới đạt đến 20-30 m2/người. 

Cần cẩn thận với tình trạng nhiều dự án “địa ốc xanh,” nhưng thật sự chỉ xanh trên bản vẽ, khi không gian xanh được “quy hoạch” trên không gian dân cư hiện hữu, hoặc chỉ tạm trồng cỏ để về sau tiếp tục xây dựng lên đó.   

Cần hiểu rõ khái niệm thành phố xanh và không gian xanh. Không phải trồng nhiều cây xanh, có nhiều mặt nước là đủ, mà còn phải phát triển bền vững về quy hoạch, kiến trúc. Tức quy hoạch phải thân thiện với môi trường, không ngập, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, không làm đô thị nóng lên... kiến trúc không tiêu tốn nhiều năng lượng, không phát tán ánh sáng mặt trời làm nóng xung quanh... 

2-8302-1635331618.jpg

* Là con của KTS. Ngô Viết Thụ - người châu Á duy nhất giành được giải thưởng Khôi nguyên La Mã và đã để lại hàng loạt công trình kiến trúc nổi tiếng như Dinh Độc lập ở TP.HCM, Viện Hạt nhân và chợ Đà Lạt, nhà thờ Phủ Cam và Viện Đại học Huế... Điều gì khiến ông tự hào nhất về cha của mình?

- Nhiều người nghĩ rằng, điều tự hào nhất của tôi về cha là giải thưởng La Mã và các công trình mà ông để lại. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ.  Tôi còn tự hào về các giá trị của bản thân ông, bao gồm cách tư duy và ứng xử trong cuộc sống. Cha tôi là một người khí tiết, ông không màng đến chức vụ hay danh lợi. Đã có lúc cha tôi được đề nghị làm bộ trưởng và có nhiều cơ hội kiếm tiền, nhưng ông từ chối. Ông chỉ thích hành nghề, làm thơ, vẽ tranh và chẳng bao giờ thích tranh giành, hơn thua với ai. Cha hay dạy tôi: “Bất tranh nhi thiện thắng” (Người thắng là người không bao giờ tranh đua với ai).

Nhiều người tưởng cha tôi chỉ giỏi về kiến trúc, nhưng ông còn giỏi về thiền, về đạo, về văn hóa Á Đông, rồi hội họa, âm nhạc, văn thơ. Và tôi cũng học được từ cha rất nhiều, như học về kinh dịch, phong thủy, địa lý, về Khổng tử, Mạnh tử, Lão tử, âm nhạc, hội họa...

* Là người thích sáng tác và chơi nhạc, đó cũng là cách để ông cân bằng cuộc sống và công việc...

- Âm nhạc đỉnh cao và kiến trúc đỉnh cao đều có điểm chung là đều hướng đến giá trị nghệ thuật, giá trị nhân sinh và nó không bị trói buộc bởi những giá trị đời thường như tiền bạc hay danh lợi. Bởi âm nhạc mà vương vấn chuyện danh lợi, thì tâm hồn, cảm xúc khó mà thăng hoa. Tôi có thói quen sáng tác nhạc để ghi lại cảm xúc ngẫu hứng, hay những thời điểm có sự kiện hay kỷ niệm. Giống như nhật ký âm nhạc vậy, để sau này mỗi khi nghe lại, được sống lại thời điểm đó, nên rất thú vị. Âm nhạc còn giúp tôi được bình an trong tâm hồn. Khi chơi nhạc, tôi cảm thấy được thư giãn, quên hết mọi vấn đề phức tạp trong cuộc sống!    

* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: “Đã làm kiến trúc thì tôi luôn hướng về tương lai”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO