Số liệu từ Ngân hàng Thế giới vào năm 2012 cho thấy, 189 triệu tấn rác, tương đương 70% lượng rác thải hằng năm tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đến từ Trung Quốc. Theo báo cáo, đất nước đông dân nhất thế giới thải ra hơn 520.000 tấn rác mỗi ngày, và lượng rác thải tính trên đầu người vào khoảng 1,02 kg. Đến năm 2015, lượng rác thải cả năm đã lên tới hơn 220 triệu tấn, tức tăng hơn 16%.
Chưa hết, trước khi nói không với “rác ngoại” hồi đầu năm 2018, Trung Quốc được xem là “bãi rác của thế giới”, khi nhập khẩu, xử lý và tái chế các loại rác thải từ 43 quốc gia khác trong suốt gần 3 thập kỷ. Một nghiên cứu từ các nhà khoa học thuộc Đại học bang Georgia cho hay, kể từ năm 1992, Trung Quốc đã nhập hơn 106 triệu tấn rác nhựa, tức 45% lượng rác nhựa toàn cầu - con số tương đương trọng lượng của hơn 300 tòa nhà Empire State cao 102 tầng tại New York.
Trong một diễn biến khác, ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc là một trong các nước dẫn đầu nền kinh tế số toàn cầu, với 802 triệu người dùng Internet thường xuyên, chiếm hơn một nửa dân số. Trong đó, số người dùng Internet qua điện thoại đạt gần tuyệt đối - 98%. Nước này cũng sở hữu thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, chiếm 42% lượng giao dịch mua bán toàn cầu và thị trường thanh toán qua điện thoại có tổng giá trị giao dịch lớn gấp 11 lần Hoa Kỳ.
Theo một dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chính sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số cùng lượng rác thải khổng lồ chưa tìm ra cách tiêu hủy hiệu quả là 2 yếu tố thúc đẩy Trung Quốc trở thành cái nôi của nhiều giải pháp công nghệ sáng tạo trong xử lý rác thải.
Link bài viết
Cắt giảm rác ngay khi giao đồ ăn
Năm 2017, một bài viết chỉ rõ tác động tiêu cực đến môi trường từ bao bì đóng gói của nhiều ứng dụng giao đồ ăn, gồm cả 3 “ông lớn” là Meituan, Ele.me và Baidu Takeout, đã liên tục “gây bão” trên mạng xã hội Trung Quốc. Trung bình, các ứng dụng này thực hiện 34 triệu lượt giao hàng mỗi ngày trong nửa đầu năm 2018.
Trước áp lực phải cắt giảm bao bì đóng gói, Ele.me đã thành lập một phòng nghiên cứu tại Thượng Hải mang tên RELAB để tìm ra giải pháp. Một trong số các ý tưởng thành công nhất của RELAB là thêm lựa chọn “không cần dùng đũa” vào ứng dụng của mình. Đến tháng 11/2018, sáng kiến này đã giúp tiết kiệm 43 triệu đôi đũa tre. Và, sau khi tích hợp lựa chọn trên vào ứng dụng Alipay, RELAB phát hiện, số người từ chối nhận đũa khi đặt thức ăn đã tăng từ 5 - 7 lần.
Dù còn sơ khai, sáng kiến của Ele.me là điển hình cho thấy, các nền tảng công nghệ có thể giúp cắt giảm rác thải dễ dàng và hiệu quả như thế nào. Đồng thời, Ele.me dự báo, giá trị của ngành dịch vụ giao đồ ăn tại Trung Quốc sẽ chạm mức 700 tỷ CNY trong năm 2020, đạt tăng trưởng thường niên 62%, từ 100 tỷ CNY vào năm 2016. Với đà phát triển này, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ hòng cắt giảm lượng rác thải phát sinh chắc chắn sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.
Thúc đẩy tái chế rác trong cộng đồng nhờ mạng xã hội
Một trong số những rào cản lớn nhất trong tái chế rác đến từ việc thiếu phân loại chất thải khô và chất thải hữu cơ. Thế nên, một số startup Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy quá trình phân loại rác tại nguồn thông qua mạng xã hội WeChat. XiaoHuangGou (XHG) là một trong số những cái tên được chú ý nhất, khi gọi vốn thành công 164 triệu USD cho vòng series A vào năm ngoái.
Hệ thống thùng rác thông minh do XHG quản lý sẽ tiếp nhận giấy, nhựa, kim loại, vải, thủy tinh, và trả lại số tiền tương ứng vào ví điện tử WeChat cho người sử dụng, dựa trên trọng lượng và tỷ lệ tái chế rác trên thị trường. Sau đó, đội thu gom rác của XHG sẽ mang số rác đã phân loại này đến các cơ sở tái chế để tiếp tục xử lý.
Xử lý rác thải thực phẩm nhờ… gián
Dịch vụ nhà hàng, ăn uống là một trong số những ngành công nghiệp phát triển nhất tại Trung Quốc, với tổng doanh thu vào năm 2017 đạt 625 tỷ USD; và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, đi kèm với đó là một lượng lớn thức ăn thừa được thải ra mỗi ngày. Giải quyết tình trạng này, một số công ty công nghệ tại Trung Quốc đã thành lập hàng loạt trang trại nuôi gián để xử lý thức ăn thừa.
Một nhân viên đang quan sát kệ nuôi gián của công ty Gooddoctor ở tỉnh Tứ Xuyên. |
Toạ lạc tại ngoại ô thành phố Tế Nam, phía đông tỉnh Sơn Đông, Shandong Qiaobin hiện là một trong số các công ty chăn nuôi gián phát triển nhất. Hàng ngày, đàn gián 1 tỷ con sẽ được các kỹ sư tại đây cho ăn khoảng 50 tấn rác thải, chủ yếu là thức ăn thừa, tương đương với khối lượng của 7 con voi trưởng thành.
Không chỉ giải quyết hiệu quả gánh nặng rác thải thực phẩm, gián trong các trang trại này còn được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hay chế thuốc. Ông Liu Yusheng - Chủ tịch Hiệp hội Ngành công nghiệp Côn trùng Sơn Đông - khẳng định: “Gián là một trong số những giải pháp công nghệ sinh học dành cho xử lý và tái chế chất thải nhà bếp”.
Bên cạnh các trang trại quy mô lớn, tại một số khu vực ngoại thành, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng đã bắt tay vào chăn nuôi gián. Đơn cử như trường hợp của Li ở tỉnh Tứ Xuyên, trước kia là người bán điện thoại, song giờ đã chuyển hẳn sang nuôi gián, để bán cho các trang trại nuôi gia súc hay các xưởng sản xuất dược phẩm.
Tại Tứ Xuyên, một công ty khác tên Gooddoctor cũng đang nuôi một đàn gián 6 tỷ con với mục đích tương tự. Wen Jianguo - quản lý tại trang trại gián của Gooddoctor - chia sẻ: “Tinh chất từ gián rất phù hợp để chữa loét miệng, dạ dày và các vết thương ngoài da, thậm chí còn có thể chữa ung thư dạ dày”.