Trung Quốc - Nam Mỹ củng cố trục thương mại chiến lược giữa bất ổn toàn cầu
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn và trật tự thương mại quốc tế đang thay đổi, Trung Quốc cùng các quốc gia Nam Mỹ đang đẩy mạnh xây dựng các mối liên kết kinh tế sâu rộng hơn nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại, mà còn củng cố vị thế địa chính trị và thực hiện chiến lược dài hạn.
Dòng chảy thương mại tăng tốc
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Colombia đạt 48,34 tỷ NDT (tương đương 6,7 tỷ USD) trong 4 tháng đầu năm 2025, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng vượt trung bình tăng trưởng thương mại đối ngoại của Trung Quốc, cho thấy tiềm năng đáng kể từ quốc gia Nam Mỹ này.

Không chỉ mở rộng kim ngạch, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu cũng thể hiện sự thay đổi trong định hướng tiêu dùng của thị trường Trung Quốc. Cà phê và hoa tươi, hai mặt hàng xuất khẩu cao cấp của Colombia lần lượt chiếm 14,2% và 10% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc ở từng nhóm hàng. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng cao cấp ngày càng tăng trong tầng lớp trung lưu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - yếu tố được đánh giá là động lực mới thúc đẩy thương mại giữa hai khu vực.
Bên cạnh thương mại hàng hóa, Trung Quốc đang chủ động thúc đẩy liên kết tài chính với khu vực Nam Mỹ. Tiêu biểu là thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa Ngân hàng Trung ương Brazil và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trị giá 27,69 tỷ USD, vừa được ký kết trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva tới Bắc Kinh. Thỏa thuận này không chỉ tạo ra cơ chế thanh khoản khẩn cấp, mà còn là tín hiệu rõ ràng về nỗ lực giảm phụ thuộc vào đồng USD - xu hướng được nhiều nền kinh tế mới nổi ủng hộ, nhất là trong bối cảnh bất ổn địa chính trị toàn cầu.
Chiến lược liên kết phản ứng với chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu
Từ sau các chính sách thuế quan cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump, trật tự thương mại toàn cầu đã trải qua nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc và các quốc gia Nam Mỹ đang hướng đến một trục liên kết thay thế, dựa trên nguyên tắc tự do hóa thương mại và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.
Brazil, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ đã ký 20 thỏa thuận hợp tác mới với Trung Quốc, bao gồm các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, năng lượng tái tạo, khoa học công nghệ và bán dẫn. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Brazil, đặc biệt là đậu tương, mặt hàng mà Bắc Kinh đang có chiến lược giảm nhập từ Mỹ.

Đáng chú ý, ngay trước thời điểm ký kết các thỏa thuận mới, Trung Quốc đã gỡ bỏ hạn chế nhập khẩu đậu tương đối với 5 doanh nghiệp Brazil từng bị đình chỉ trước đó. Giới quan sát cho rằng đây là ví dụ điển hình về sự đồng bộ giữa chiến lược thương mại và mục tiêu ngoại giao của Trung Quốc. Đồng thời, phản ánh tính toán lâu dài trong việc củng cố “chuỗi an ninh lương thực” giữa bối cảnh biến đổi khí hậu và bất ổn nguồn cung toàn cầu.
Vai trò mới của Mỹ Latinh
Từng được xem là “sân sau” truyền thống của Mỹ, khu vực Mỹ Latinh đang nổi lên như một mắt xích chiến lược trong chính sách mở rộng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Việc tăng cường hợp tác với các quốc gia như Colombia, Brazil, Chile hay Argentina là một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm mở rộng thị trường, chuyển dịch chuỗi giá trị toàn cầu và thiết lập mạng lưới thanh toán phi USD.
Sự hiện diện ngày càng rõ nét của Trung Quốc tại khu vực này không chỉ nằm ở thương mại hay đầu tư hạ tầng, mà còn bao gồm cả công nghệ, tài chính và năng lượng. Giới phân tích nhận định, trong tương lai gần, các khối liên kết kinh tế mới, ngoài trục truyền thống phương Tây sẽ tiếp tục hình thành và phát triển mạnh mẽ, trong đó, quan hệ Trung Quốc - Nam Mỹ là một trong những mô hình tiêu biểu nhất.
Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của khu vực Mỹ Latinh và Caribe, đồng thời giữ vị trí đối tác thương mại số một đối với một số nền kinh tế lớn trong khu vực như Chile, Brazil và Peru.
Tính đến nay, 5 quốc gia gồm Chile, Peru, Costa Rica, Ecuador và Nicaragua đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, cho thấy mức độ gắn kết ngày càng sâu sắc.
Kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và khu vực này lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD vào năm 2024, tăng hơn 40 lần so với đầu những năm 2000.