TS. Lý Tùng Hiếu: Triết lý kinh doanh của Lương Văn Can có giá trị ở mọi thời đại

Hồng Nga| 28/11/2022 09:00

Lương Văn Can là một chí sĩ yêu nước mà TS. Lý Tùng Hiếu - giảng viên Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM - rất yêu mến, cảm phục. Bởi không chỉ toàn tâm toàn ý, hy sinh tất cả để phụng sự cho đại nghĩa, cụ còn là một nhà nho yêu nước theo lối riêng với những triết lý kinh doanh đúng ở mọi thời đại. Sau nhiều năm dày công nghiên cứu, TS. Lý Tùng Hiếu phát hiện vẫn còn nhiều điều thú vị về Cụ cử Lương Văn Can. Nhân dịp ra mắt tập sách "Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam", Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã phỏng vấn TS. Lý Tùng Hiếu.

* Được biết năm 2005, ông đã công bố công trình nghiên cứu về Cụ cử, điều gì khiến ông tiếp tục đào sâu nghiên cứu để xuất bản tác phẩm Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam?

- Càng nghiên cứu tôi càng thấy nhiều điều thú vị về Lương Văn Can. Khác hẳn những lãnh đạo phong trào Duy Tân, Đông Du là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Cụ cử có lối đi riêng. Cụ là người đầu tiên có tư tưởng xây dựng đội ngũ nhà buôn đủ thương đức, thương tài để cạnh tranh với giới tư bản các nước. Có thể tình cờ hoặc duyên may, Cụ đã lập gia đình với một phụ nữ rất giỏi buôn bán Lê Thị Lễ và nhờ vậy đã toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp trồng người. Cụ đã sáng lập và điều hành Trường Đông Kinh Nghĩa thục bằng chính lợi nhuận kinh doanh của gia đình và gần như không lấy học phí từ học sinh. Để có tài liệu giảng dạy, Cụ đã biên soạn những tác phẩm như Quốc sự phạm lịch sư, Hán tự tuyệt kính, Âm học tùng đàm, Gia huấn, Hán tự quốc âm, Hạnh đàm loại ngữ, Châu thư loại ngữ...

Rồi khi bị lưu đày tại Phnom Penh (Campuchia), Cụ lại tìm thấy một thị trường mới khi kinh doanh ở đây chỉ tập trung tại một vài khu thị tứ và trong tay người Hoa và người Pháp. Sau khi phát hiện Nam Vang là một thị trường tiềm năng về giao thương, Cụ quyết định cùng vợ và con dâu khai phá thị trường này. Chính Cụ đã mở ra đường dây xuất nhập khẩu xuyên biên giới đầu tiên trong lịch sử thương mại Việt Nam, do doanh nhân người Việt Nam làm chủ. Nhờ thị trường này, Cụ lại có thêm nguồn tài chính đóng góp cho phong trào yêu nước và tiên phong mở đường cho những lớp thương nhân kế cận.

Những trải nghiệm đó mang đến cho Cụ những kinh nghiệm quý giá và đã để lại cho đời những trước tác là hai công trình mà Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn đã hỗ trợ tái bản cách đây vài năm, đó là Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm. Không chỉ từ lý thuyết mà từ thực tế, một lần nữa, Cụ làm nên sự khác biệt và để lại cho hậu thế một di sản vô cúng quý giá.

-3202-1669353779.jpg

* Nhưng hình như còn có nguyên do khác khiến ông quan tâm hơn đến Cụ cử...

- Đúng vậy. Tôi nguyên là học sinh Trường Trung học Lương Văn Can ở quận 8, TP.HCM. Năm 1991, cô hiệu trưởng đề nghị tôi tham gia Ban vận động Hội cựu học sinh của trường. Nhiệm vụ của chúng tôi có nhiều thứ, trong đó có đề mục phát huy di sản, truyền thống và tổ chức cuộc thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của danh nhân mà trường mang tên. 

Để tổ chức cuộc thi, chúng tôi phải tìm hiểu thông tin về Lương Văn Can. Ở thời điểm đó, chúng tôi không tìm thấy tư liệu hoàn chỉnh và thống nhất về thân thế và sự nghiệp của Cụ. Điều này thôi thúc tôi cố gắng tìm kiếm, biên soạn và nhờ có sự giúp đỡ của Tạp chí Xưa và Nay, trong đó có sự giúp sức nhiệt tình của anh Nguyễn Hạnh và nhà sử học Dương Trung Quốc, cùng với các thành viên gia tộc họ Lương, tôi mới có đủ nguồn tư liệu để xuất bản cuốn sách này.

* Chắc là có nhiều thách thức trong quá trình ông tìm kiếm tư liệu và chấp bút tác phẩm Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam?

- Phải nói là quá nhiều thách thức. Đầu tiên là tài liệu tản mạn và khi đối chứng thì sai lạc rất nhiều. Thậm chí, có cả những sai lạc trong các tài liệu của thành viên gia tộc họ Lương lưu giữ vì bản thân họ cũng tập hợp trên những tài liệu tản mạn và không chính thức. 

Có đến ba lần những tài liệu gia phả họ Lương bị thất thoát. Lần thứ nhất, vào năm 1908, khi thực dân Pháp đóng cửa Đông Kinh Nghĩa thục đã tịch thu toàn bộ tài liệu mà trường lưu trữ và cũng cấm dân chúng lưu trữ những tài liệu này. Lần thứ hai, vào năm 1939, ngôi nhà số 4 Hàng Đào, Hà Nội bị thực dân Pháp tịch biên, con cháu Cụ phải đưa gia đình đến một nơi khác. Đã có rất nhiều sách vở bị mất mát trong lúc đó. Đến năm 1967, gia đình ông Lương Trung Chính - cháu cố Cụ Lương Văn Can và là cháu nội của Anh hùng Lương Ngọc Quyến phải sơ tán vì không quân Mỹ ném bom Hà Nội. Những tài liệu ít ỏi còn sót lại được con cháu Cụ mang xuống hầm trú ẩn nhưng chẳng may hầm bị ngập nước nên hư hại gần hết. Bản Lương gia trước chi phả còn sót lại đến ngày nay cũng chỉ là bản sao. 

Nhưng sau khi chắp nối tất cả những gì sưu tầm được, tôi đã kết nối được quá trình sinh trưởng, lập nghiệp, đóng góp cho xã hội, đóng góp cho đất nước của Cụ Lương Văn Can để cung cấp cho các thế hệ sau những thông tin tương đối đầy đủ, chính xác và toàn diện về Cụ cũng như những đồng chí của Cụ.

* Ông rất yêu mến và dường như cũng muốn cho hậu thế biết được sự yêu mến của người dân cả nước đối với Cụ cử khi trích các thông cáo trên tờ Đông Pháp Thời Báo kêu gọi "nhà buôn đóng cửa, đồng nhơn để tang" để làm lễ truy điệu Cụ Lương Văn Can đưa vào sách?

- Lúc Cụ Lương Văn Can từ trần, một số báo chí ở Hà Nội và Sài Gòn đều muốn nhân cơ hội này dấy lên phong trào yêu nước dưới danh nghĩa đưa tang, truy điệu. Bởi trước đó, các phong trào yêu nước đều bị thực dân Pháp đàn áp. 

Năm 1918, sau khi cuộc khởi nghĩa Thái Phiên ở Huế bị đàn áp khốc liệt, không còn bất cứ hoạt động hay tổ chức cách mạng nào có thể hoạt động được. Nhưng năm 1923, chí sĩ Phạm Hồng Thái gây chấn động toàn cõi Đông Dương, thậm chí là Đông Á với sự kiện ném tạc đạn ám sát toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Trong bối cảnh trầm lắng, tiếng bom nổ như gây ra động đất, sóng thần, từ đó đánh thức lòng yêu nước của dân chúng Việt Nam đã bị đè nén suốt nhiều năm. Vì thế, năm 1925, khi Cụ Phan Bội Châu bị bắt tại Trung Quốc, dẫn giải về Việt Nam với hai bản án tử hình vắng mặt trước đó đã dấy lên phong trào đòi thực dân Pháp ân xá cho ông. Phong trào rất thành công và cuối cùng thực dân Pháp phải chấp nhận giam lỏng ông ở Bến Ngự, Huế. Sau đó một năm, Cụ Phan Chu Trinh từ Pháp trở về Việt Nam, bệnh nặng rồi qua đời. Những người dân yêu nước lại lấy sự kiện đưa tang và truy điệu Cụ Phan Chu Trinh để kích thích phong trào yêu nước.

Năm 1927, Cụ Lương Văn Can tạ thế. Những người yêu nước lại mượn lễ tang, truy điệu để một lần nữa khơi dậy phong trào yêu nước trên toàn quốc. Nhưng thực dân Pháp đã có kinh nghiệm từ hai sự kiện trước nên tổ chức đàn áp, vì thế lễ truy điệu Cụ Lương Văn Can không diễn ra được. Vì vậy mà nhiều người cứ ngỡ giới chí sĩ chỉ hướng đến Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh mà không coi trọng vai trò của Lương Văn Can. 

Học giả Nguyễn Hiến Lê đã nhận xét rất xác đáng phong trào Đông Kinh Nghĩa thục và Duy Tân trên cả ba miền đất nước. Học giả đánh giá cao nhất vai trò của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Lương Văn Can, trong đó Lương Văn Can là lãnh tụ số một. Những đánh giá đó rất chính xác vì những đóng góp của Lương Văn Can không kém gì hai người đứng đầu phong trào Duy Tân.

* Và ông cũng rất tâm đắc với tư tưởng "tâm đạo công bình" của chí sĩ Lương Văn Can?

- Tôi không phải là doanh nhân nhưng thời đi học và sau khi ra trường, tôi cũng buôn bán nhỏ để kiếm tiền trang trải việc học và nghiên cứu. Tôi nghiệm ra một điều, kinh doanh là phải có lợi nhuận. Và nếu lợi nhuận có thể tái đầu tư, có thể phát triển sự nghiệp, cứ thế lôi cuốn doanh nhân. Nếu không vấp ngã, không thất bại, có thể lấy lợi nhuận, danh tiếng, tỷ lệ thị phần làm đích đến và như vậy, mục tiêu ban đầu có thể bị lãng quên. Mục tiêu, hoài bão ấy có khi không chỉ là kinh doanh để kiếm lời mà có thể là đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Nếu đến lúc thành công, thành danh, thành đạt mà vẫn nhớ đến những hoài bão ban đầu thì đó là điều rất đáng quý.

Lương Văn Can là một chí sĩ đầu tiên nhắc nhỡ chúng ta "tâm đạo công bình" là vậy. Nghĩa là phải cân bằng lợi ích cá nhân đạt được qua kinh doanh và lợi ích xã hội mà việc kinh doanh mang lại. Cân bằng giữa lợi ích của doanh giới với lợi ích quốc gia đó chính là công đạo, bình tâm!

-2170-1669968886.jpg

* Bàng bạc trong cuốn sách còn rất nhiều tâm đắc của ông về triết lý kinh doanh, về thương đức thương tài của Lương Văn Can...

- Tôi tâm đắc về sự toàn tâm toàn ý, hy sinh tất cả để phụng sự cho đại nghĩa giành lại đất nước của Cụ cử. Sự nghiệp kinh doanh của gia đình Cụ rất thành công và Cụ đã lấy toàn bộ sản nghiệp đó dùng cho hoạt động yêu nước. Hướng đến đại nghĩa, quốc gia dân tộc, Cụ hy sinh tất cả và con cháu cũng theo gương Cụ.

Sinh thời, 5 người con trai của Cụ, người vì quốc nạn, người vì bệnh tật đều đã mất. Trong ba năm cuối đời, hai ông bà Cụ cùng với hai nàng dâu vừa làm quốc sự bằng viết lách, bằng giáo dục vừa phải nuôi 10 đứa cháu. Khi Cụ qua đời, nhiều năm sau, đất nước ta bước vào những năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, con cháu lại noi gương Cụ bán hết gia sản hiến cho lực lượng kháng Pháp. 

Và cũng thật may, Cụ cử đã để lại cho đời một di sản - những đóng góp mang tính tiên phong khai thông dân trí, hướng nội lực của những người yêu nước duy tân về kinh tế, chuyển sang đầu tư phát triển công nghiệp, thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - những ngành nghề làm nên nội lực kinh tế của một quốc gia, tạo vị thế mới cho đất nước. 

Ngày nay, không ai đòi hỏi hay trông mong doanh nhân theo gương Lương Văn Can hy sinh toàn bộ, hy sinh tất cả vì việc chung, chỉ mong có sự cân bằng giữa lợi ích kinh doanh với lợi ích của xã hội, của cộng đồng, của quốc gia.

* Nghiên cứu rất kỹ về doanh giới thời trước, ông thấy có điểm giống và khác nhau nào của hai lớp doanh nhân xưa và nay?

- Kinh doanh của doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX khác xa với bối cảnh chúng ta ngày nay. Lúc đó, tất cả huyết mạch kinh tế ở ba nước Đông Dương đều năm trong tay tư bản công thương nghiệp Pháp và doanh thương người Hoa. Lớp doanh nhân người Việt mới manh nha nhưng bị thực dân Pháp nghi ngờ núp bóng để hoạt động chính trị, bị giới chủ người Pháp và người Hoa cạnh tranh quyết liệt, thậm chí là tìm mọi cách "dìm hàng". Đến những năm 1930 mới có một lớp doanh mới như Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà... Tuy sự nghiệp của họ có thành công nhưng so với doanh nhân người Pháp và người Hoa thì không bằng. 

Doanh nhân Việt Nam ngày nay có vị trí mới, vị thế mới, một lực lượng mới rất hùng mạnh và là động lực quan trọng phát triển kinh tế thị trường và hội nhập với thế giới.

Còn điểm tương đồng là lòng yêu nước. Lòng yêu nước có trong mỗi con người Việt Nam, trong đó có doanh giới. Người góp phần khơi gợi lòng yêu nước trong doanh giới đầu thế kỷ XX chính là doanh nhân Lương Văn Can. Lý tưởng phụng sự xã hội, phục vụ đất nước là đích đến của doanh nhân Việt Nam ngày nay.

* Theo ông thì các trước tác của Lương Văn Can với triết lý kinh doanh thương đức thương tài cách đây cả trăm năm liệu có phù hợp với hiện nay?

- Phải thừa nhận là những cách ngôn về đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh của Cụ cử đúng với mọi thời. Thương học phương châm là những đúc rút từ sách vở, từ trải nghiệm kinh doanh của Cụ ở Hà Nội, ở Phnom Penh, cung cấp nhiều kiến thức mới mẻ với xã hội đương thời. Những triết lý kinh doanh của Cụ thể hiện trong Thương học phương châm vẫn đúng ở mọi thời. Đó là kinh doanh là con đường làm giàu cho cá nhân và làm giàu cho xã hội, cho đất nước. Người kinh doanh phải giữ "bình tâm công đạo", phải cân bằng giữa lợi nhuận, lợi ích cá nhân thu được với lợi ích của cộng đồng, của xã hội, của đất nước. Triết lý này đúng với mọi thời, mọi nơi chứ không chỉ phù hợp với những người khởi nghiệp đầu thế kỷ XX.

* Cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TS. Lý Tùng Hiếu: Triết lý kinh doanh của Lương Văn Can có giá trị ở mọi thời đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO