* Bà đánh giá như thế nào về vai trò của đội ngũ doanh nhân, lực lượng DN trong phát triển kinh tế đất nước?
- Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đội ngũ doanh nhân tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ doanh nhân có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học tăng lên trong những năm gần đây. Nhiều DN chú trọng đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, tạo thương hiệu uy tín trong nước và trên thế giới. Không chỉ vậy, doanh nhân, DN còn có trách nhiệm cao với xã hội, tích cực thực hiện các chương trình an sinh, bảo vệ môi trường. Có thể khẳng định, đội ngũ doanh nhân là lực lượng quan trọng, đóng góp to lớn vào sự phát triển bền vững của đất nước.
* Theo bà, thời gian qua, đặc biệt là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đội ngũ doanh nhân, DN TP.HCM đã có những đóng góp như thế nào đối với cộng đồng, với nền kinh tế?
- Nhân ái, nghĩa tình là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và truyền thống ấy hiện hữu trong mỗi người dân và càng lan tỏa khi đất nước, đồng bào gặp khó khăn do đại dịch, do thiên tai.
Hai năm vừa qua, dịch Covid-19 khiến việc sản xuất, kinh doanh của DN cũng bị ảnh hưởng theo và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, mỗi DN đã trở thành một pháo đài phòng, chống dịch. Đã có nhiều DN thực hiện phương án "ba tại chỗ”, "một cung đường hai điểm đến" vừa chống dịch nhưng vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh, đồng thời sẵn sàng ủng hộ sức người, vật chất để tạo nên phòng tuyến chống dịch mạnh mẽ. Khẩu trang, vật tư y tế, túi thuốc F0 cùng hàng nghìn tấn nhu yếu phẩm thiết yếu, hàng vạn túi quà an sinh được đưa đến đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Rồi hàng nghìn tỷ đồng mua vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, hàng nghìn tấn trang thiết bị, phương tiện, vật tư y tế được chuyển tới Ban vận động "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19" của thành phố. Trong thời điểm giãn cách xã hội, nhiều doanh nhân trở thành tình nguyện viên, người vận chuyển hàng hóa, đưa đón nhân viên y tế, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 và đóng góp xây dựng các bệnh viện dã chiến, khu cách ly...
Ban Thường trực UBMTTQ VN TP.HCM đã tiếp nhận hơn 10.800 đơn vị, cá nhân ủng hộ cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19" với số tiền hơn 5.556 tỷ đồng để chia sẻ, hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Khi thành phố bước sang giai đoạn bình thường mới, doanh nhân, DN lại nỗ lực khắc phục khó khăn. Rất nhiều DN đồng hành cùng tham gia phát triển kinh tế, làm nền tảng để thành phố giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, sớm phục hồi khi đại dịch Covid-19 được khống chế. Nhiều doanh nhân đồng hành cùng UBMTTQ VN TP.HCM bằng việc ủng hộ Quỹ Vì người nghèo; Quỹ Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc...
* Nhiều ý kiến cho rằng tinh thần cống hiến hết mình cho cộng đồng, cho xã hội đã tạo nên bản sắc riêng của doanh nhân, DN TP.HCM. Đó cũng là nền tảng để xây dựng hình ảnh doanh nhân trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
- Hầu hết doanh nhân Việt Nam đều làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn để đổi mới, phát triển, tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu, góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt, qua các đợt dịch Covid-19, doanh nhân, DN đã thể hiện rất rõ trách nhiệm xã hội; lòng nhân ái, nghĩa đồng bào được khơi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhiều doanh nhân định hình được sự thay đổi từ nhận thức đến hành động trong xây dựng văn hóa DN, văn hóa doanh nhân và gắn lợi ích của DN với lợi ích cộng đồng, từ đó khẳng định được bản sắc cũng như uy tín của mình.
Trong thời điểm giãn cách xã hội, nhiều doanh nhân trở thành tình nguyện viên, người vận chuyển hàng hóa, đưa đón nhân viên y tế, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 và đóng góp xây dựng các bệnh viện dã chiến, khu cách ly...
Lãnh đạo thành phố đã nhiều lần khẳng định, nếu không có sự đóng góp của cộng đồng DN, doanh nhân thì cuộc chiến chống dịch của cả nước nói chung, tại TP.HCM nói riêng sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Cái chất bản lĩnh, xông pha, đi đầu của lực lượng DN, đội ngũ doanh nhân TP.HCM lại tiếp tục tỏa sáng trong các phong trào hành động cách mạng. Doanh nhân không chỉ đẹp trên thương trường mà còn đẹp trong cả những vất vả, gian truân, khát khao làm giàu cho mình, mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng. Tôi nghĩ tâm - tài - trí chính là nền tảng chuẩn mực của những doanh nhân thành đạt ngày nay, hình thành nên văn hóa DN, là tiền đề để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong DN, doanh nhân.
* Theo bà, cộng đồng DN, doanh nhân thành phố cần làm gì để giữ mãi nét sáng đẹp đã được xây dựng thời gian qua?
- Nói đến doanh nhân, DN TP.HCM, chúng ta thường liên tưởng đến những con người sẵn sàng chấp nhận "một đời sóng gió lái con thuyền đi tới", là người lính trên thương trường, dám nghĩ, dám làm và dám chấp nhận thử thách, là những chiến sĩ luôn đồng hành cùng thành phố trên mặt trận phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội.
Để tiếp tục giữ được nét sáng đẹp như nói trên, thiết nghĩ từng DN, từng doanh nhân phát huy hơn nữa vai trò của mình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị. Trước mắt là tập trung phát triển DN, áp dụng khoa học, công nghệ mới, đột phá mới, khẳng định vị trí thương hiệu DN, đi đầu thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Trong một số lĩnh vực, ngành nghề cần có sự liên kết giữa các DN để cùng phát triển thương hiệu uy tín.
* UBMTTQ VN TP.HCM có chương trình hỗ trợ, đồng hành nào với doanh nhân, DN trong hoạt động cộng đồng, thưa bà?
- Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân TP.HCM đều nhận thức rõ về vị trí, vai trò quan trọng của doanh nhân, DN trong thời kỳ mới. Lãnh đạo thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi, nỗ lực tiếp sức, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng đội ngũ doanh nhân, lực lượng DN ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
UBMTTQ VN TP.HCM có nhiều đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp để tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý và môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, lành mạnh; giảm nhiều thủ tục hành chính; tăng cường các chính sách ưu đãi để tạo đà cho DN phát triển. UBMTTQ VN TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức các buổi gặp gỡ, lắng nghe những góp ý, hiến kế của doanh nhân, kể cả doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào, chuyên gia, trí thức... Qua đó đề xuất những vấn đề DN quan tâm với lãnh đạo thành phố, trong đó chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm lợi ích của DN, doanh nhân, lợi ích của người lao động, cộng đồng. Đồng thời, tổ chức tuyên dương, khen thưởng, vinh danh những DN, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với đất nước.
UBMTTQ VN TP.HCM mong muốn DN, doanh nhân thành phố luôn đồng hành trong các chương trình an sinh xã hội.
Kỷ niệm 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 -13/10/2022), xin chúc đội ngũ doanh nhân Việt Nam tràn đầy năng lượng tích cực, phát huy bản lĩnh doanh nhân, tự tin góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế!
* Cảm ơn bà!