Hướng ngoại

PHƯƠNG THANH| 26/12/2009 08:36

Nên làm gì khi người phụ nữ “hướng ngoại”? Anh đặt câu hỏi ấy khi chỉ còn một nhóm hợp chuyện ngồi lại với nhau sau buổi liên hoan ở cơ quan. Về sau Lam mới biết, anh đang đi tìm lời giải cho bài toán của chính mình...

Hướng ngoại

Nên làm gì khi người phụ nữ “hướng ngoại”? Anh đặt câu hỏi ấy khi chỉ còn một nhóm hợp chuyện ngồi lại với nhau sau buổi liên hoan ở cơ quan. Về sau Lam mới biết, anh đang đi tìm lời giải cho bài toán của chính mình...\

Lúc ấy, Lam cũng góp chuyện: Có khi nào nguyên nhân lại đến từ chính “nạn nhân” không? Chẳng hạn, phải xem lại cách cư xử của người chồng, có đến nỗi để vợ rơi vào tình trạng cô đơn, cảm thấy mình bị bỏ rơi, phải đi tìm niềm vui ở bên ngoài, tìm sự an ủi nơi người khác... Thế nào mà từ sau đó, Lam và anh lại thân nhau.

Theo lời anh kể thì anh rất chiều vợ. Chẳng biết ở nhà họ thế nào, chứ ở cơ quan thì Lam biết, anh thường xuyên sang chợ nhỏ ở đối diện để mua thức ăn về nhà; anh thường đón con gái từ trường về chờ ở phòng làm việc để hết giờ làm hai bố con cùng về; anh cũng hay tham khảo ý kiến mấy bà, mấy cô về những món hàng dành cho phụ nữ mà anh định mua tặng vợ.

Anh biết giá gạo lên hay xuống, anh còn hướng dẫn mấy cô gái trẻ mới đi làm dâu cách chọn mua cá biển sao cho tươi. Anh không phải sếp, nhưng thuộc loại “kỳ cựu” nên được nhiều người nể trọng về chuyên môn. Anh nói chuyện có duyên, ít khi từ chối giúp đỡ người khác.

Là người quảng giao, chuyện lai rai với anh em đồng nghiệp là đương nhiên, nhưng từ “bê tha” chắc chắn không dành cho anh. Nói chung, Lam chưa nghe ai bình luận không tốt về con người ngoài gia đình của anh. Nhiều chị em trong cơ quan còn xem anh như mẫu người chồng lý tưởng. Vậy sao người phụ nữ của anh vẫn chưa hài lòng nhỉ?

Khi đã thân thân, có dịp trò chuyện riêng, Lam hỏi nhỏ anh “chuyện ấy” thế nào. Anh bảo, về phía anh thì không có vấn đề gì, “máy móc ngon”, vẫn nồng nàn cho đến trước khi bị vợ “né”. Anh kể, tình địch của anh là đồng nghiệp của chị, cũng là đồng nghiệp cũ của anh (trước đây anh và chị làm cùng). Họ quen biết nhau, thỉnh thoảng cũng giáp mặt nhau, nhưng anh “coi như không có chuyện gì”. Sao vậy? Anh bảo, làm thế nào được, khi anh đã từng thẳng thắn nói chuyện với vợ, chị bảo chị thích thế.

Chị không còn yêu anh, anh chịu, chứ anh không đủ can đảm phá vỡ gia đình của hai đứa con - hai nhân vật giờ là “mục tiêu” phục vụ của đời anh. Anh vẫn tận tụy với gia đình, còn có phần hơn, vì anh sợ hai con anh sẽ nhận ra tình trạng của cha mẹ, vì chị vắng nhà nhiều hơn. Lam phục anh, đến thế mà anh vẫn “bình thản” được. Chỉ khi trò chuyện riêng, Lam mới hiểu nỗi đau của người đàn ông bị “cắm sừng”.

Lam khuyên anh, nếu đã chịu đựng được đến thế thì cố gắng hơn chút nữa, tìm cách kéo chị về. Chẳng hạn, tạo ra những cuộc đi chơi xa cả nhà, hoặc những cuộc sinh hoạt có anh em họ hàng, để nhắc chị nhớ về trách nhiệm với gia đình. Anh nhớ giữ gìn lời ăn tiếng nói, đừng hắt hủi hay lăng mạ chị. “Phút lạc lòng” của chị, dù có hơi dài so với nhiều người khác, rồi cũng sẽ qua nếu anh có đủ rộng lượng để cảm thông và tha thứ. Anh cũng phải tạo sự hấp dẫn riêng cho mình. Phụ nữ trung niên vẫn thích lãng mạn. Lam chỉ biết nói đến thế thôi, chứ có “nằm trong chăn” đâu mà biết con “rận” nó ở chỗ nào. Chắc chị cũng có lý do gì đó. Mừng là anh vẫn kiên trì giữ gìn và chờ đợi.

Từ cái buổi liên hoan ở cơ quan ấy, Lam có thêm một người bạn. Lam rất thích trò chuyện với anh. Anh nói chuyện nhà mình với Lam, như một nơi để “xả”. Lam vui vì được tin cậy. Lam cũng kể chuyện nhà mình với anh. Ngồi bên anh, Lam không có cảm giác khác giới. Lam cho anh biết, chồng Lam không bao giờ can thiệp vào chuyện bạn bè của Lam, để Lam tự do trong các mối quan hệ. Chính điều này làm cho Lam thấy mình có trách nhiệm giữ gìn lòng tin ấy. Anh bảo, anh ngưỡng mộ chồng Lam. Lam cũng kể sơ với chồng, rằng Lam có chơi thân với một đồng nghiệp nam, thỉnh thoảng đi ăn uống cùng nhau. Chồng Lam nghe, không biết có để tâm không, nhưng không thấy nói gì.

Dạo này chồng Lam hay vắng nhà. Những chuyến công tác xa của anh có khi kéo dài đến nửa tháng, khi về lại tối mắt tối mũi vì tiếp khách này, gặp người kia, giải quyết việc nọ. Rất ít khi chồng Lam về nhà trước chín giờ tối. Thấy chồng bận bịu và mệt mỏi, Lam chỉ lẳng lặng làm bổn phận của mình - chăm sóc miếng ăn, nâng niu giấc ngủ cho chồng, đâu dám chuyện trò, kể lể gì. Cô con gái nhỏ của Lam vừa đến tuổi dậy thì, con gái lớn lúc này có một cậu bạn trai học cùng ở gần nhà, suốt ngày sang “mượn tập”.

Tuần rồi, mẹ chồng Lam đến nhà cô ở hai ngày, lúc chồng cô đi vắng, bà bức xúc kể lể về người chị dâu cậy có tiền, chỉ đạo người giúp việc không cần làm theo ý bà. Bố Lam ở quê dạo này cũng yếu nhiều, ông bị một khối u trong phổi, chắc đau lắm, nhưng kiên cường chịu đựng, chẳng than vãn câu nào, nhưng khoảng tháng nay đã nhiều lần bỏ bữa. Những chuyện ấy, Lam chẳng nói được với chồng, có thời gian đâu mà nói, nhưng Lam lại kể với anh, trong thời gian nghỉ ngắn ngủi giữa giờ làm. Anh hỏi thăm bố Lam, chia sẻ với Lam những hiểu biết về tâm lý người già để Lam động viên mẹ chồng, kể kinh nghiệm ứng xử với con... Lam thấy nhẹ nhõm.

Từ ngày thân với anh, Lam thường đi làm trong một tâm trạng háo hức. Ngày nghỉ cuối tuần, nhất là những hôm chồng Lam đi vắng, Lam thấy sao mà nó dài, nó trống trải. Khi ở nhà, nhớ lại những cuộc trò chuyện với anh, nhớ lại vẻ mặt và những câu nói tếu táo, ý nhị của anh, Lam hay cười một mình. Nửa tháng trước, anh đi làm từ thiện theo đoàn của cơ quan ba ngày, tự nhiên Lam thấy cứ bồn chồn như nhớ như mong. Cảm giác này, hồi xưa cũng xuất hiện mỗi khi chồng Lam đi công tác, nhưng lâu rồi không thấy, từ khi sự vắng mặt của chồng Lam ở nhà quá thường xuyên.

Hôm rồi, dù chỉ bị cảm sơ, nhưng chồng Lam vẫn báo với cơ quan nghỉ một ngày. Sáng dậy, Lam đặt nồi cháo, rồi đi chợ mua tim, gan, cật kèm theo một nắm tía tô để làm cho chồng một tô cháo giải cảm. Lam dặn dò kỹ lưỡng bà giúp việc chuẩn bị bữa trưa cho chồng. Trước khi đi làm, Lam vào phòng xem chồng thế nào. Chồng Lam kéo tay Lam, ánh mắt thiết tha, bảo Lam xin nghỉ ở nhà với anh. Lam cũng âu yếm vuốt ve chồng, nhưng bảo không nghỉ được. Dùng dằng một lúc, Lam đi làm.

Lam đã nói dối chồng, chẳng có việc gì gấp gáp cả. Đến cơ quan rồi, Lam cũng định nói với mọi người là có việc bận để về, nhưng lại thôi. Trưa nay, Lam đã hẹn đi ăn với anh. Suốt buổi sáng, Lam không làm việc được, đầu óc rối bời những suy nghĩ trái chiều. Lam làm vậy với chồng có quá đáng không?

Nhưng, Lam đã chờ đợi quá nhiều rồi, Lam cũng có thể làm chút gì đó cho riêng mình chứ. Lam vui khi ở bên anh. Chỉ là những cuộc trò chuyện thôi, tâm sự với nhau chuyện con cái, gia đình; chia sẻ kinh nghiệm ứng xử; thông tin với nhau những điều liên quan đến công việc, đồng nghiệp; bàn luận về một cuốn sách đã đọc...

Lam đã nói rồi, gần bên anh, Lam không có cảm giác khác giới, nên chẳng làm gì “có lỗi” với chồng cả. Nhưng, Lam có hư không, khi từ chối gần chồng vì một cuộc hẹn với người đàn ông khác? Như thế có gọi là Lam đang “hướng ngoại” không? Lam không biết. Chẳng lẽ, lời giải cho bài toán của gia đình anh giờ chính chồng Lam cũng phải đi tìm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hướng ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO