GĐ Cao su Đức Minh và mục tiêu chuỗi cung ứng toàn cầu

LÊ LOAN thực hiện| 25/06/2015 06:56

Từ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) sau 31 năm gắn bó để ra điều hành doanh nghiệp tư nhân...

GĐ Cao su Đức Minh và mục tiêu chuỗi cung ứng toàn cầu

Từ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) sau 31 năm gắn bó để ra điều hành doanh nghiệp (DN) tư nhân, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, ví "sự chuyển giao" này là quá trình khởi nghiệp muộn màng trong bị động.

Đọc E-paper

Bị động vì lời hứa với anh em trong Hội Cao su - Nhựa TP.HCM cùng nhau xây dựng cụm công nghiệp tập trung cho ngành cao su thành phố, và một phần cũng muốn mở ra cơ hội cho đồng sự cấp dưới được thử sức, phát huy năng lực tại Casumina.

Mười hai năm trước, khi thị trường trong nước đón nhận những chiếc lốp xe ô tô radian bán thép đầu tiên do chính DN Việt là Công ty Công nghiệp Cao su Miền Nam (nay là Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam) sản xuất, thì Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Kỹ thuật Casumina, sau này là Phó tổng giám đốc, và 4 cộng sự nữa đã được Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) trao giải thưởng cho công trình sáng chế này.

Đây được xem là một trong rất nhiều thành công liên quan đến ngành cao su mà ông Nguyễn Quốc Anh đã đồng kiến tạo trong suốt 31 năm gắn bó với Casumina.

Khi nghỉ hưu sớm tại Casumina, ông chuyển qua điều hành Công ty TNHH Cao su Đức Minh, vẫn miệt mài nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm cao su bán thành phẩm, thành phẩm cung ứng cho các DN trong và ngoài nước, trong đó có cả Casumina.

* Năm 2009, ông nghỉ việc tại Casumina, nhưng năm 2007 Công ty TNHH Cao su Đức Minh đã được thành lập, tại sao gọi là bị động, thưa ông?

- Năm 2007, tôi được chọn kế nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM. Lúc đó, tôi muốn các DN trong Hội chuyên môn hóa công nghiệp cao su hơn, cũng như khép kín từ khâu luyện, ép cao su... cho đến sản phẩm cuối cùng, nên đã kêu gọi một số DN dời nhà máy ra ngoại thành, thành lập cụm công nghiệp tập trung về cao su.

Cuối cùng tôi chọn được khu đất trong Khu công nghiệp Xuyên Á (Đức Hòa, tỉnh Long An), có 8 DN cùng tham gia. Công ty TNHH Cao su Đức Minh do tôi thành lập, được điều hành bởi một doanh nhân hội viên, đảm nhận công đoạn luyện cao su, phần bẩn nhất trong công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành cao su.

Đức Minh chủ yếu cung cấp bán thành phẩm cho các DN trong cụm. Đến năm 2009, nhận thấy bản thân cũng đã có sức ỳ nhất định sau gần 17 năm nắm giữ vị trí Phó tổng giám đốc Casumina, phụ trách về kỹ thuật, và nghĩ nếu tôi nghỉ việc lúc này chắc chắn các đồng sự khác, nhỏ tuổi hơn tôi sẽ có cơ hội "cầm cờ" với những dự án dài hơi từ 5 - 10 năm hay thậm chí hơn nữa, nên tôi quyết định từ nhiệm trước tuổi hưu 5 năm. Tôi trở thành người khởi nghiệp muộn màng trong thế bị động là vậy.

* Từ một người chuyên về kỹ thuật, làm thế nào ông tìm kiếm nguồn khách hàng khi bắt đầu với DN mới?

- Năm 1998, RMIT có mở một lớp cao học về quản lý kỹ thuật tại Melbourne (Úc), tôi đã đăng ký học. Mục đích của tôi muốn học để về quản lý hệ thống kỹ thuật cũng như phát triển tư duy về kỹ thuật.

Kiến thức từ khóa học đã giúp tôi thay đổi hẳn tư duy kỹ thuật trong quản lý hệ thống gồm 7 nhà máy của Casumina với vài trăm kỹ sư. Tôi đã biết làm thế nào để mọi người cùng đồng lòng làm tốt công việc.

Ba mươi mốt năm làm việc ở Casumina, thời gian và những công trình giúp Casumina lọt vào Top 75 nhà sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới phần nào cũng cho tôi tiếng thơm, đủ để "hữu xạ tự nhiên hương", khiến khách hàng có cơ sở tin tưởng và đồng hành cùng tôi phát triển một mặt hàng chủ lực nào đó.

* Được biết, màng hơi (Bladder) dùng trong công nghiệp sản xuất lốp xe, Đức Minh đã có chỗ đứng khá vững ở thị trường trong nước khi trở thành DN Việt đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này có thể sản xuất được sản phẩm này, tại sao ông không triển khai khi đang đương nhiệm tại Casumina?

- Thời điểm quyết định nghỉ làm ở Casumina cũng là lúc tôi nhận ra các nhà sản xuất lốp xe trong nước đang thiếu một phụ kiện màng hơi, nên hầu hết các DN sản xuất lốp xe ô tô, máy cày lớn, xe sân golf, xe cắt cỏ... đều phải nhập khẩu màng hơi từ nước ngoài. Đây chính là sản phẩm CNHT của ngành lốp xe.

Song với Casumina, đây là sản phẩm thuộc dạng đặc chủng. Màng hơi này sẽ cung cấp cho rất nhiều khách hàng, kể cả những đối thủ của Casumina, nếu do Casumina sản xuất thì người khác nhìn mình sẽ không khách quan.

Thế nên, ngoài việc chỉ cung ứng bán thành phẩm cao su cho các DN trong cụm công nghiệp, Đức Minh đã bắt đầu sản xuất màng hơi, cung ứng cho gần 90 nhà sản xuất lốp xe tại thị trường nội địa từ Nam ra Bắc.

Những sản phẩm Đức Minh phát triển hoàn toàn không trùng với các sản phẩm Casumina đã và đang phát triển. Chúng tôi chỉ sản xuất những sản phẩm được xem là khó, ít DN Việt chọn làm, và chọn cách thâm nhập vào thị trường ngách. Điển hình, chúng tôi đang sản xuất lốp xe nâng, và hiện nay chỉ có một vài DN sản xuất sản phẩm này.

* Có bao giờ ông nghĩ mình sẽ hợp tác với các DN khác để mở rộng hơn quy mô sản xuất?

- Ban đầu tôi cũng nghĩ vậy nhưng người Việt mình làm ăn chung với nhau rất khó. Mỗi DN gánh vác một công đoạn thì tốt, nhưng nếu hợp tác để cùng làm một công việc thì rất dễ xảy ra cạnh tranh không lành mạnh.

* Theo quy hoạch tổng thể về phát triển CNHT, năm 2020 Việt Nam sẽ đáp ứng được 60% nhu cầu linh kiện phụ tùng của 3 lĩnh vực, trong đó có nhựa - cao su, theo ông, liệu Việt Nam có thực hiện được?

- Các DN Việt Nam mới tiếp cận được với nền sản xuất tiên tiến, nên mọi việc vẫn còn lạ lẫm, có thể kể đến như công nghệ chưa đầy đủ, kiến thức, nhân lực thiếu, nhưng khâu yếu nhất của các DN Việt Nam là quản trị DN.

Chính vì vậy, khi tìm mua sản phẩm CNHT, các nhà cung ứng thường nhìn vào cách quản trị của DN Việt Nam và đánh giá chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng phải mất đến vài ba chục năm để xây dựng một nền công nghiệp tiên tiến, trong khi Việt Nam chỉ mới bắt đầu gần đây thông qua việc kêu gọi, hô hào, nên đến năm 2020 chắc chỉ có thể đáp ứng được 60% nhu cầu linh kiện phụ tùng đối với xe gắn máy, đồ điện tử, gia dụng, còn với ô tô thì cực kỳ khó.

* Để một DN hội nhập tốt cần hai yếu tố, đó là nội lực và chính sách nhà nước. Từ khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay, ông thấy sự chủ động của các DN Việt Nam và chính sách nhà nước có song hành?

- Thực tế, Nhà nước cũng có nhiều chính sách tốt để hỗ trợ các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà sản xuất lớn hoặc tham gia vào CNHT, đổi mới thiết bị... Nói chung, Nhà nước có chính sách hết, nhưng từ chính sách đến thực thi lại đang có một khoảng cách lớn.

Chẳng hạn, chính sách tốt nhưng những người thi hành chính sách lại không làm đến nơi đến chốn khiến không đạt được kết quả như mong muốn. Vấn đề lớn nhất của mình là đội ngũ thực hiện chính sách chứ không phải bản thân chính sách.

Hiện nay, các DN Việt Nam đang dần nhận biết vị thế của mình, tuy nhiên, nếu không đổi mới thiết bị, công nghệ sẽ dẫn đến lạc hậu và không tham gia được các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phần đông DN đã nhận thức được vấn đề này, họ sẵn sàng đổi mới thiết bị, công nghệ nhưng cái khó nhất của các DN Việt Nam hiện nay là vốn đầu tư. Các DN nước ngoài luôn có được nguồn vốn rẻ, với mức lãi suất khoảng 5%/năm, trong khi Việt Nam lãi suất dài hạn tốt nhất cũng 10% trở lên.

Lợi nhuận của ngành cao su trên thế giới bây giờ bình quân chỉ đạt trên dưới 10% doanh thu. Rõ ràng, lãi suất từ vốn vay đầu tư đang gần như ăn hết lợi nhuận của DN, nên DN phải dè dặt trong việc đầu tư công nghệ và thiết bị do sợ không thu hồi được vốn.

* Năng lực sản xuất, dự án khả thi... được xem là những yếu tố tiên quyết để các tổ chức tài chính xét duyệt cho DN vay vốn. Theo ông thì làm sao để DN đạt được hai yếu tố ấy?

- Đây là câu chuyện con gà và quả trứng, cái nào có trước. Chưa có máy móc thì chưa có khách hàng, chưa có khách hàng thì dự án không khả thi... do đó, DN khó vay được vốn. Để giải quyết vấn đề, bắt buộc phải có sự đột phá, tức có máy móc, công nghệ trước thì khách hàng mới đến với DN.

Thường ngân hàng rất dễ duyệt cho vay đối với những dự án của các công ty nước ngoài có kinh nghiệm làm cao su lâu năm, đã có nhà máy ở nước sở tại, sau đó xây dựng thêm nhà máy ở nước thứ hai, thứ ba...

Còn DN chưa có thị trường, chưa có khách hàng thì ngân hàng ngại cho vay. Tôi cho rằng nên có điểm đột phá, làm thế nào để các ngân hàng mạnh dạn cho DN vay, vay mua địa ốc thì khó, chứ vay mua máy móc, thiết bị chắc chắn sẽ có sản phẩm.

* So với việc tự đổi mới và đổi mới cùng đối tác nước ngoài, theo ông, đâu là hướng tốt cho các DN Việt Nam?

- Hiện tại cũng đã có một số DN nước ngoài nhắm vào các DN Việt Nam để liên doanh. Điển hình, trong Hội Cao su - Nhựa TP.HCM cũng đã có DN liên doanh với DN Đan Mạch để làm gạch cao su, làm ron ống nước...

Tuy nhiên, để DN nước ngoài chọn liên doanh với DN trong nước thì DN trong nước phải có nội lực mạnh. Vừa qua, khi khảo sát các DN hội viên, kết quả cho thấy, nội lực của các DN trong nước chưa mạnh lắm nên tôi cố gắng thúc đẩy họ có điều kiện thì nên đầu tư vào máy móc, thiết bị, vì năm nay lãi suất ngân hàng tương đối tốt.

Tôi nghĩ trong năm nay sẽ có nhiều DN đầu tư vào CNHT ngành cao su để tạo nền tảng đón các dòng vốn FDI từ nước ngoài vào Việt Nam, hay đón sự chuyển dịch từ các nước tiên tiến sang Việt Nam với lợi thế nhân công giá rẻ.

* Theo các chuyên gia, DN trong ngành may mặc, da giày, gỗ mỹ nghệ..., nhân công giá rẻ không còn là điều kiện quyết định, mà trách nhiệm về an sinh xã hội mới là yếu tố quyết định, ông có đồng tình?

- Với các ngành khác, điều này đúng, nhưng với ngành cao su thì chưa phải là mấu chốt. Với ngành cao su là phải nói đến công nghệ và quản trị, làm sao để khách hàng yên tâm đặt hàng.

Điều này khác với khi bạn mua một sản phẩm cuối cùng như cái áo, đôi giày, cái ly, cái tách..., vì khi sản phẩm bị hỏng, bạn có thể bỏ đi và thay cái khác, nhưng khi một sản phẩm CNHT ngành cao su hỏng thì cái xe sẽ ngưng hoạt động, hoặc cái ron cao su trong máy bị hỏng thì cả cái máy sẽ ngưng hoạt động, nên sự đồng đều về chất lượng sản phẩm là cực kỳ quan trọng so với các sản phẩm tiêu dùng khác.

Chính vì vậy, khi nói đến sản xuất cho CNHT là người ta nói đến điều này, cụ thể là làm thế nào để một triệu sản phẩm ra lò phải giống nhau. Chẳng hạn như trước đây Samsung từng than phiền cái ốc vít Việt Nam. Thực tế cái ốc vít làm rất dễ nhưng vấn đề là làm sao để khi vặn vào điện thoại cái ốc vít nào cũng chặt, chứ cái chặt cái lỏng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả một thương hiệu lớn.

* Như vậy làm thế nào để cải thiện được hoạt động trong lĩnh vực CNHT, mà cụ thể là ngành công nghiệp cao su, thưa ông?

- Đây cũng giống như chuyện của người nông dân, họ có thể giàu lên, mua xe hơi, nhà lầu, đi ăn nhà hàng trong một sớm một chiều, nhưng để thay đổi phong thái, cách ăn uống ngay lập tức sẽ rất khó đối với họ.

Ngay như ngành công nghiệp cũng vậy, bạn có thể mua một thiết bị tiên tiến, có thể mướn kỹ sư giỏi để làm, nhưng lề thói quản trị DN cũng giống như văn hóa của người nông dân, mình còn quản trị theo kiểu gia đình, xuề xòa thì chắc chắn sản phẩm sẽ không bao giờ tốt được. Đó chính là cái khó của các DN Việt hiện nay.

Có một chuyện vui, đó là ở Biên Hòa có một nhà máy sản xuất ron cao su do Nhật đầu tư, xưởng sản xuất lát gạch bông, gắn máy lạnh. Giám đốc nhà máy quy định khi có cao su rơi xuống đất rồi thì phải vứt đi, không được dùng lại dù nền nhà rất sạch.

Một nhân viên lao công rất ngạc nhiên, cho biết trước đây khi còn làm việc ở xưởng sản xuất bánh kẹo, anh thấy đôi khi cũng có trường hợp bánh kẹo rớt xuống đất được nhặt lên, và thắc mắc ở đây cao su không ăn được mà sao lại vứt đi! Đây chính là thói quen, là tư duy. Chính điều này làm cho các sản phẩm không đồng nhất.

* Với những gì vừa chia sẻ, ông đã áp dụng vào "đứa con tinh thần" của mình như thế nào?

- Với tuổi đời chỉ có 8 năm, doanh thu tầm 1 triệu USD/năm, như đã chia sẻ, cách làm của Đức Minh là tập trung vào thị trường ngách. Thế nên, đối với khách hàng trong nước, tôi cung cấp sản phẩm bán thành phẩm, đến giờ này vẫn chưa thấy họ phàn nàn gì.

Hiện nay tôi cũng đang xuất khẩu một lượng sản phẩm cung ứng cho ngành cao su xây dựng Hàn Quốc, đơn hàng khá đều, ngày một tăng, có tính bền vững và tiềm năng phát triển cao. Tại thị trường Nhật, chúng tôi cũng định vị được với một số đơn hàng về thắng bằng túi hơi dùng để khởi động và tắt máy.

Đây là những sản phẩm đơn chiếc được sử dụng trong các nhà máy nghiền xi măng, các hãng đóng tàu, nghiền quặng lớn theo hình thức mua đứt bán đoạn. Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng lượng khách nước ngoài đang tìm đến Đức Minh đặt hàng ngày càng nhiều, DN đang vượt công suất.

Điều này giúp tôi tự tin mình đã đi đúng hướng. Chưa biết trong tương lai chúng tôi có chen chân được vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn công nghiệp lớn hay không, nhưng cái chính là DN phải tự đổi mới.

Đức Minh đang tự đổi mới với những thiết bị hiện đại, hy vọng sẽ góp phần nội địa hóa được một số linh kiện về cao su, khi các DN nước ngoài vào Việt Nam.

Đặc điểm của ngành cao su là hầu như các DN cùng ngành đều biết nhau, khi các DN nước ngoài vào Việt Nam họ cũng thường tìm tới đầu mối là Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, từ những văn phòng đại diện đến các nhà cung ứng nguyên vật liệu để các DN đến đặt hàng.

Tương lai tôi hướng đến xuất khẩu nhiều hơn. Hiện chúng tôi cũng đang chuẩn bị đầu tư thêm một số thiết bị để nhận một số đơn hàng lớn từ nước ngoài theo hình thức vừa gia công, vừa mua đứt bán đoạn.

Năm nay chúng tôi tham gia chương trình kích cầu của TP.HCM, đổi mới hoàn toàn thiết bị nên cũng kỳ vọng sẽ nâng mức doanh thu lên gấp đôi so với năm trước bằng xuất khẩu.

* Xem ra Đức Minh đang "bỏ rơi" thị trường nội địa?

- Trong ngành cao su, một khi xuất khẩu được sản phẩm thì sẽ có rất nhiều cơ hội nâng mình lên để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn thị trường trong nước đã có những nhà cung ứng nội địa, cái khó là mình làm sao xuất khẩu được những đơn hàng lớn với chất lượng ổn định.

* Mở rộng đầu tư đồng nghĩa với mở rộng quy mô DN. Với tiềm năng đang có, đến nay đã có nhà đầu tư hay tổ chức tài chính nào muốn đồng hành cùng ông?

- Hiện tại Đức Minh còn quá nhỏ để các nhà đầu tư hay các tổ chức tài chính quan tâm đặt vấn đề hợp tác, nhưng sắp tới đây có thể Casumina sẽ đầu tư cùng với Đức Minh để phát triển một số sản phẩm CNHT.

Với ngành CNHT, DN làm một mình sẽ không đi được đường dài, bắt buộc phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng trước mắt phải chấp nhận làm theo kiểu nhà thầu phụ, nhà cung ứng thứ cấp.

Hiện tại, những DN lớn trong ngành CNHT cao su của Việt Nam vẫn là nhà thầu phụ của một số nhà cung ứng khác, ở cấp thứ 3 hoặc thứ 4 gì đó. CNHT không phải hôm nay xới lên, đưa ra bàn luận là tháng sau hay năm sau sẽ có, mà đây là công việc dài hơi, là sự đồng bộ. DN phải đi từ từ, từ nhà thầu phụ của nhà thầu phụ rồi mới dần bước lên cao.

* Cảm ơn những chia sẻ của ông!

>TGĐ BKAV: Tiên phong phải chấp nhận gió bão

>CEO tương lai DongABank: Người mê thử thách lớn

>Chiến lược kinh doanh của "Vua ngọc trai"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
GĐ Cao su Đức Minh và mục tiêu chuỗi cung ứng toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO