Doanh nhân Hoàng Văn Thủy: "Kinh doanh là duyên và cũng là cơ hội"

Lữ Ý Nhi| 17/03/2020 04:00

Tôi thắc mắc: "Đang giữa mùa dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vận tải trầm lắng nhưng tại sao hãng xe của công ty vẫn đông?". Ông Thủy nói: "Khó khăn cũng là cơ hội để thành công nếu biết cách tạo khác biệt".

Doanh nhân Hoàng Văn Thủy:

Doanh nhân Hoàng Văn Thuỷ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn xe khách Đại Hoàng Thủy.

Câu chuyện của tôi với Tổng giám đốc Công ty CP Đại Hoàng Thủy liên tục bị ngắt quãng vì những cuộc điện thoại trao đổi công việc cũng như xin ý kiến chỉ đạo. Bên ngoài cửa hãng xe Khảm Diệu (thương hiệu của Công ty CP Đại Hoàng Thủy), hàng trăm khách hàng vẫn đang chờ khởi hành. Tôi thắc mắc: "Đang giữa mùa dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vận tải trầm lắng nhưng tại sao hãng xe của công ty vẫn đông?". Ông Thủy nói: "Khó khăn cũng là cơ hội để thành công nếu biết cách tạo khác biệt".

Trong khi lượng khách đi lại giảm hơn 60% trong mùa dịch Covid-19, khiến các doanh nghiệp vận tải lỗ gần 5 triệuđ/chuyến xe, trung bình một tháng lỗ gần 50 triệu đồng thì lượng khách đến với hãng xe Khảm Diệu vẫn đông đúc, thậm chí không đủ lượng xe. Hãng này còn có kế hoạch tăng thêm 100 chiếc dòng xe Limousine vào cuối năm 2020 so với lượng xe hiện tại là 30 chiếc. Từ năm 2020-2025, công ty tiếp tục đạt 1.000 chiếc xe cao cấp Limousine phục vụ khách các tuyến miền Tây, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc.

* Ông mới nói: "Trong khó khăn có cơ hội", ông đã biến khó khăn thành khác biệt như thế nào?

- Sau khi dịch Covid-19 xảy ra hai tuần, thay vì ngồi "ngủ gục" hoặc thở dài trông chờ cơn dịch đi qua thì chúng tôi đưa ra chiến lược: Phải hành động! Và, bài toán kinh doanh được tôi nhẩm tính: Với 26 đầu xe, nếu bán đúng giá vé thì chỉ có 30% công suất xe được vận hành, hơn 70% xe không có chuyến, trong khi vẫn phải trả chi phí lương tài xế, nhân viên và các khoản vận hành khác. 

Thay vì lợi nhuận 100% thì chỉ cần chấp nhận thu về 60%. Ngay lập tức, chúng tôi đưa ra chương trình "Đồng hành cùng khách hàng mùa dịch bằng cách giảm giá vé từ 300.0000 - 350.000đ xuống còn 180.000đ cho lộ trình đi từ TP.HCM lên Đăk Lăk, Gia Lai và ngược lại

Chỉ sau vài ngày, lượng khách mua vé tăng đột biến đến mức không đủ xe. Tôi cho rằng, đây là một chiến lược đột phá và thành công, bởi sau đó một số hãng xe cũng bắt đầu giảm giá vé nhưng khách đã trải nghiệm dịch vụ cũng như quen với hãng nên vẫn truyền tai nhau để đi xe của Khảm Diệu.

Link bài viết

* Khởi sự từ một công ty sản xuất chế biến cà phê nhưng lại với tay sang vận tải, ông không ngại thất bại như từng kinh doanh bất động sản?

- Với tôi, kinh doanh là duyên và cũng là cơ hội. Cơ hội để tôi lấn sân sang vận tải cũng bắt nguồn từ kinh doanh cà phê. Nhiều năm phải mua cà phê từ các tỉnh Tây Nguyên, sau đó thuê xe chở về TP.HCM chế biến, chi phí vận chuyển rất cao nên tôi tính đến bài toán kinh doanh vận tải hành khách.

Cụ thể, mỗi chuyến xe nếu vận chuyển khoảng 3 tấn cà phê sẽ tiết kiệm được 6 triệu đồng. Trừ chi phí cầu đường, tài xế, xăng dầu mất khoảng 4 triệu đồng, vẫn lời 2 triệuđ/chuyến. Nếu kết hợp chở thêm 34 hành khách/chuyến xe, nhân giá vé 350.000đ người sẽ có thêm hàng triệu đồng lợi nhuận nữa.

So với bất động sản, kinh doanh vận tải hành khách không rủi ro vì thị trường không có tính chu kỳ và cũng không lên xuống bất ổn, nhất là không phụ thuộc quá nhiều vào việc giải ngân của ngân hàng vào thời điểm nhạy cảm, bất động sản đóng băng. 

* Nhưng nhiều năm qua, đã có không ít hãng vận tải xe khách thua lỗ như Tập đoàn TT, PT?

- Theo tôi, nguyên nhân thua lỗ của các tập đoàn, công ty như TT, PT không phải vì rủi ro mà vì chiến lược kinh doanh đa ngành và bất động sản. Khi lãi suất tăng phi mã giai đoạn năm 2011-2012, các công ty này không thể ngờ kịch bản lãi suất đột ngột tăng cao dẫn đến các dự án đói vốn và dẫn đến thua lỗ. 

Mặc dù mô hình phát triển thành tập đoàn đa ngành là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, nhưng qua thất bại của nhiều doanh nghiệp cho thấy, đầu tư dàn trải, không chú trọng hoặc chưa đẩy mạnh vào lĩnh vực then chốt, khi bối cảnh kinh tế thay đổi, công tác quản trị doanh nghiệp không theo kịp và sai sót, thua lỗ là hậu quả tất yếu.

* Cũng nằm trong số doanh nghiệp thất bại vì... bất động sản, bài học ông rút ra là gì?

- Thời điểm trước năm 2010, khi bất động sản bùng nổ, thấy dễ... kiếm sống nên tôi cũng "nhảy" vào làm. Lúc đầu mua các dự án quy hoạch nhỏ, khoảng 40 nền rồi phân lô, xây dựng để bán và phát triển mạnh vào giai đoạn thị trường đang nóng. Tuy nhiên, khi thị trường đóng băng, tôi cũng gặp rủi ro. Mặc dù lúc đó kịp dừng lại, không mua thêm các dự án mà chỉ bán những dự án đang tồn nhưng vẫn gặp không ít khó khăn vì khi thị trường đã đóng băng, ngân hàng không cho vay thì cũng không còn nhiều người quan tâm dự án. 

Nhận ra, chu kỳ phát triển của bất động sản chỉ 5-6 năm. Sau chu kỳ 5 năm, cộng với ngân hàng siết lại, không cho vay nữa thì hàng loạt dự án và nhà đầu tư cũng bị khó vì người bán nhiều, người mua ít. Bài học rút ra: Kinh doanh bất động sản là kiếm tiền thời vụ, lướt sóng nên phải biết dừng đúng lúc. Hơn nữa, nếu không đủ lực và kinh doanh theo kiểu "ăn xổi", thất bại là khó tránh.

Muốn kinh doanh bền vững thì phải có nội lực ổn định, phải có nguồn tài chính dự phòng và chiến lược phù hợp. Kinh doanh bây giờ không còn cái thời "tay không bắt giặc" như ngày xưa - khi thị trường bất động sản đang nóng, mà đang là cuộc chơi sàng lọc của những người đủ nội lực và kinh nghiệm. 

* Nói như ông, kinh doanh vận tải không có rủi ro?

- Đã kinh doanh thì không thể không có rủi ro. Quan trọng là cách quản trị và xử lý rủi ro như thế nào. Trong lĩnh vực vận tải hành khách, do nhu cầu thị trường còn cao và nhiều cơ hội nên xây dựng thương hiệu không khó. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong dịch vụ hay một lỗi nhỏ từ nhân viên, tài xế cũng sẽ ảnh hưởng thương hiệu chung. Vậy nên, việc quản trị, xây dựng văn hóa công ty để nhân viên theo nếp, đặc biệt luôn theo sát dịch vụ là điều tôi phải chú trọng xây dựng và quan tâm mỗi ngày. 

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ cũng giúp việc quản lý hiệu quả và dễ dàng hơn. Song muốn áp dụng công nghệ thì tư duy của người lãnh đạo cũng phải thay đổi, phải liên tục học hỏi, cập nhật. Để có các phần mềm quản lý hành trình, dịch vụ, bán vé... tôi đều phải trải nghiệm qua thực tế, sau đó mới thuê viết phần mềm theo đặc thù và yêu cầu của từng mô hình hoạt động trong công ty.

* Một lúc điều hành 4 công ty về du lịch, vận tải hành khách, kinh doanh cà phê và bất động sản nhưng không phải lĩnh vực nào ông cũng có kinh nghiệm, theo ông kinh nghiệm chiếm bao nhiêu phần trăm tỷ lệ thành công?

- Khi đã là một doanh nhân, quen với việc kinh doanh thì việc đầu tư thêm lĩnh vực nào cũng không khó. Nhất là các lĩnh vực tôi kinh doanh lại liên kết hàng dọc với nhau, lĩnh vực này bổ sung cho lĩnh vực kia. Đơn cử như kinh doanh cà phê, dẫn đến vận tải, từ vận tải, dẫn đến du lịch, cho thuê xe dịch vụ cao...

 Ngoài sự trải nghiệm để học hỏi và tự trau dồi kinh nghiệm, điều quan trọng là trước khi đầu tư vào lĩnh vực gì, cần tìm hiểu kỹ thị trường, nhu cầu và khả năng của mình. Đơn cử, trước khi đầu tư vào vận tải, tôi phải thăm dò và tìm hiểu thị trường cũng như các doanh nghiệp đi trước để tìm điểm mạnh, điểm yếu cũng như tìm thị trường ngách và nhu cầu người dùng đang thiếu. Và phải đến hai năm mới quyết định. Hay như khi làm cà phê, tôi đã có một hành trình dài đi từ người làm thuê, đến anh thợ rang xay mới đủ kinh nghiệm và tình yêu với cà phê.

Link bài viết

Riêng bất động sản, sau những bài học tự thân được rút ra, tôi cũng đã chuyển hướng đầu tư đi vào chiều sâu, chỉ phát triển những dự án pháp lý rõ ràng, không cần quá lớn và nhắm vào giá trị cũng như nhu cầu thật của người mua.

* Theo ông, một trong những vướng mắc trong lĩnh vực kinh doanh vận tải cần được tháo gỡ là gì?

- Hiện nay, các doanh nghiệp đang kinh doanh theo cơ chế thị trường nhưng vẫn còn nhiều cơ chế, quy định chưa thật sự khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Đơn cử, việc quy định bến đỗ xe vẫn còn bị giới hạn, khống chế số lượng. Nếu doanh nghiệp vận tải có số khách cao hơn phải tăng chuyến, có nghĩa vượt qua số lượng quy định sẽ không được chấp nhận vào bãi. Điều này đang gây khó khăn và cản trở việc phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp. Vừa rồi, chúng tôi cũng đã có kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải và cuối tháng 5 này sẽ được xem xét.

* Điều hành 4 công ty, có vẻ ông luôn bận rộn, có khi nào ông thấy mệt mỏi và muốn buông bớt công việc?

- Điều ngược lại là càng làm nhiều việc, tôi càng thấy mình được trẻ hóa trong suy nghĩ và tác phong. Đặc biệt luôn cảm thấy cuộc sống có giá trị và... vui. Vui vì mình còn có nhiều việc để làm, vui vì mình còn có ích, nhất là được làm việc mình thích.

* Nói vậy, con đường kinh doanh của ông bắt nguồn từ... thích, hoàn toàn cảm tính chứ không hề lý tính?

- Mỗi người khi bắt đầu một công việc gì đều là chữ "duyên", còn sau đó cái duyên có đi cùng với mình hay không lại là sự nỗ lực, đam mê và thấu hiểu tình yêu của mình với nhân duyên đó.

Ngày xưa, khi mới 16 tuổi, cha mất, tôi trở thành người trụ cột gia đình và phải rời làng quê xứ Nghệ đi làm việc nhà, bưng bê cho một tiệm phở. Sau 5 tháng, tôi xin đi cuốc rẫy trồng cà phê cho các ông chủ ở Tây Nguyên và một năm sau, tự đi khai thác rừng trồng cà phê.

Lúc đó, tôi chưa có khái niệm gì về chữ "duyên". Chỉ biết rằng, những ngày tháng bên rẫy cà phê, hằng ngày chăm bón, tưới tắm cho cây và học được rất nhiều kỹ thuật trồng, chăm sóc, thậm chí biết cách làm thế nào để cây cà phê có năng suất cao. Nhìn cây lớn lên từng ngày, xanh tốt và trĩu quả,tôi vô cùng thích thú và muốn gắn bó với loại cây này.

Năm 1997, trong một lần về TP.HCM, bắt gặp một cơ sở chuyên rang xay cà phê gia công cho các doanh nghiệp. Có cảm giác đây chính là "nhân duyên" để mình gắn với cà phê. Tôi xin vào làm ở cơ sở này với công việc "bổ củi" để đốt lò và chạy việc vặt. Lúc đó, tôi có hơn 4ha cà phê ở Tây Nguyên và quyết định bán lại nhưng chẳng ai mua vì thời điểm năm 1995-1996, giá cà phê lúc đó xuống chỉ còn 2.500đ/kg cà phê nhân.

Thấy tôi chăm chỉ, ham học hỏi, một ông chú lâu năm trong cơ sở đã chỉ cho tôi kỹ thuật rang xay cà phê, ngày nào cũng nêm nếm, uống thử và tìm hiểu nhiều kỹ thuật rang xay khác nhau, tôi trở nên yêu thích công việc này và thành nhân viên kỹ thuật xuất sắc. Một lần, bạn bè ở quê gọi điện xin cà phê uống, tôi xin ông chủ và được cho 10kg. Gửi về cho bạn 2kg, còn lại tôi đem ra quán cà phê giới thiệu và bán cà phê. Cũng từ đó, tôi có khái niệm tiếp thị sản phẩm và kinh doanh cà phê. 

Link bài viết

Tôi bắt đầu nhận ra, nếu chỉ bán cà phê thô, tiền lời thu được chỉ từ 2.000 - 3.000đ/kg nhưng nếu có thương hiệu thì tiền lời tới 10.000-15.000đ/kg. Thế là từ chữ "duyên"và cảm tính đã dẫn tôi đến bài toán kinh doanh cà phê một cách lý tính, có phân tích thị trường và hiệu quả kinh doanh từ những con số lợi nhuận thực.

* Và ông có... thất bại?

- Có trong tay kỹ thuật và sản phẩm ngon, vì tôi chỉ chọn mua cà phê chín, đảm bảo khô tự nhiên chứ không mua cà phê sấy (vì hôi mùi khói), tôi tự tin mở công ty sản xuất cà phê ở ấp 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Những ngày tháng đầu tự làm cà phê rồi đi bỏ mối cho các quán cà phê hay tạp hóa. Do chưa có thương hiệu nên rất ít người biết, vì vậy khó khăn khi bán sản phẩm là có nhưng thất bại thì không.

Sau bao nhiêu năm thăng trầm, thậm chí có lúc gần như trở về số không và mất trắng nhưng tôi vẫn tự nhủ: "Đã có duyên thì phải nuôi dưỡng, không có thành công nào dễ dàng nếu không có sự nỗ lực và tình yêu đi đến cùng". Hơn nữa, cà phê Việt cần có nhiều hơn thương hiệu Việt và nếu thành công, tôi đang góp phần tạo thêm giá trị cho cà phê Việt. 

Năm 2011, tôi nâng mức sản xuất đạt trên 6.000 tấn/năm. Ngoài 70% doanh thu tại thị trường Việt Nam, 30% cà phê của công ty được xuất sang các nước Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... Hiện Công ty Đại Hoàng Thủy đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành hàng cà phê và sản phẩm Paris Coffee và Hoàng Thị Coffee cũng được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Riêng thương hiệu Mario Cafe còn có chuỗi cửa hàng theo mô hình cà phê vỉa hè, dành cho người thật sự ghiền cà phê đã nhượng quyền trên 3.000 cửa hàng trên cả nước. 

Hiện chúng tôi đang có 23.000ha trồng cà phê sạch ở Đăk Lăk để xuất khẩu qua Nhật Bản và hai trang trại nuôi chồn ở Bình Phước để sản xuất cà phê chồn với giá bán 15 triệu đồng/kg.

* Ông nói muốn có nhiều thương hiệu cà phê Việt nhưng tại sao thương hiệu cà phê của ông nghe lại... rất Tây?

- Nắm bắt xu hướng người dùng thích uống cà phê mộc, sạch nên tôi đầu tư rất tỉ mỉ để làm ra sản phẩm cà phê ngon nhất, thương hiệu độc đáo nhất. Ngoài nguyên liệu cà phê chọn lọc, 80-90% là chín cây, sau đó phơi nắng chứ không sấy, tôi còn nhập công nghệ rang xay của Đức và công nghệ bắn màu của Nhật Bản. Tuy nhiên, do tâm lý sính ngoại của người Việt, khi nghe thương hiệu cà phê của Đại Hoàng Thủy, nhiều người nóinghe "nhà quê""lúa" quá nên tôi phải lấy tên... Tây, một phần cũng nằm trong kế hoạch xuấtkhẩu.

* Từ cậu bé đi làm thuê thành ông chủ của một công ty nghìn tỷ, ông quan niệm thế nào về sự... thành đạt?

- Bản chất của tôi là một nông dân nên khi trở thành chủ doanh nghiệp nghìn tỷ, tôi vẫn giữ bản chất của một anh... nông dân mộc mạc, vẫn ngồi quán vỉa hè với nhân viên. Theo tôi, người lãnh đạo càng gần gũi, nhân viên sẽ cởi mở, chia sẻ cảm xúc, nhờ vậy mình cũng hiểu nhân viên và đồng cảm, giải quyết ngay tâm tư của họ. Đó cũng là nét riêng văn hóa công ty. 

Một doanh nhân thành đạt không chỉ là tài sản hay những giá trị vật chất có được mà chính là những giá trị mà doanh nhân đó xây dựng được từ trí tuệ, bản lĩnh và cách ứng xử nhân văn với đồng nghiệp, nhân viên. 

* Liệu có mâu thuẫn không khi vẫn thấy ông dùng xe sang và nhiều hàng hiệu?

- Hàng hiệu không tạo ra khoảng cách và cũng không làm nên tính cách của một người. Việc sử dụng hàng hiệu đúng lúc, đúng nơi là cách tôn trọng bản thân mình cũng như đối tác. Bạn không thể đến một cuộc hội nghị, nơi có các vị khách quốc tế hạng sang bằng những bộ trang phục bình dân và ngược lại, không thể đến với khách hàng, nhân viên bằng bộ trang phục quá lịch lãm. Vấn đề là cách mình sử dụng ở đâu, với ai, đó cũng là một văn hóa.

* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Hoàng Văn Thủy: "Kinh doanh là duyên và cũng là cơ hội"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO