Những kỷ lục triệu đô được xác lập
"Thiếu nữ choàng khăn" của danh họa Lê Phổ |
Trong hàng nghìn tác phẩm của Lê Phổ, bức tranh tiêu biểu cho nguồn cảm hứng lớn của ông - đề tài thiếu nữ với khăn choàng. Tác phẩm điển hình cho tranh lụa hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ XX, thể hiện vẻ đẹp thanh tao của phụ nữ với các họa tiết về văn hóa Bắc Bộ. Tranh phô diễn kỹ thuật vẽ lụa hiện đại, khác tranh lụa truyền thống trong nước và khu vực Đông Á. Lê Phổ vẽ tác phẩm này vào năm 1938, lúc ông 31 tuổi, ở giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp. Thời điểm này, ông trở lại Paris lần hai, sau lần đầu đến lưu trú vào các năm 1931-1932.
Lê Phổ là danh họa có nhiều tranh trị giá triệu đô trên thị trường quốc tế. Tháng 5/2019, bức Nude (Khỏa thân) của ông được bán 1,4 triệu USD tại Hồng Kông. Trước đó, vào tháng 4/2017, bức Family Life (Đời sống gia đình) đạt 1,1 triệu USD khi được đấu giá tại Sotheby's Hong Kong.
Cũng trong phiên đấu giá tháng 5/2019, bức tranh lụa Les Désabusées (Vỡ mộng) của họa sĩ Tô Ngọc Vân được bán hơn 1,1 triệu USD.
Họa sĩ Phạm Hậu có hai bức sơn mài triệu đô là View of a Famous Old Pagodas landscape in North Vietnam (Phong cảnh chùa Thầy) giá 1 triệu USD, vẽ trong những năm 1930, đấu giá năm 2021 và bức bình phong Nine carps in the water (Chín con cá chép trong hồ nước) được bán hơn 1,1 triệu USD tại phiên đấu giá Modern and Contemporary Southeast Asian Art Evening Sale hồi tháng 2/2019.
Kỷ lục hiện tại của tranh Việt Nam là bức Portrait of Mademoiselle Phuong (Chân dung cô Phương) của Mai Trung Thứ - đạt 3,1 triệu USD (hơn 71,4 tỷ đồng) trong phiên đấu giá Beyond Legends: Modern Art Evening Sale tại Sotheby's Hong Kong ngày 8/4/2021.
"Chân dung cô Phương" của Mai Trung Thứ |
Thị trường thành hình
Mặc dầu vậy, theo nhận định của các nhà nghiên cứu mỹ thuật, giá tranh của các danh họa Việt Nam khi đấu trên sàn công khai vẫn thấp so với mặt bằng chung của khu vực. Thử so sánh, năm 2010, bức Bali Life của họa sĩ người Indonesia gốc Hoa Lee Man Fong (1913-1988) được Sotheby's đấu giá 25,3 triệu HKD (3,2 triệu USD) - lập kỷ lục tranh của họa sĩ Đông Nam Á lúc đó. Năm 2011, bức Tùng bách cao lập đồ - Triện thư tứ ngôn liên của Tề Bạch Thạch (Trung Quốc) được bán với giá 420 triệu nhân dân tệ (64,4 triệu USD). Tại Hàn Quốc, bức Vũ trụ của Kim Hwan Gi (1913-1974), được gõ búa ở Hong Kong năm 2019 với giá hơn 100 triệu HKD (12,8 triệu USD).
Có nhiều yếu tố khiến tranh Việt Nam, dù là của các danh họa thời Đông Dương giá vẫn thấp.
Thứ nhất, suốt một thời gian dài tại các triển lãm quốc tế, tranh Việt Nam gần như rơi vào quên lãng, nhất là sau khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa vào năm 1945. Dù trước đó, tranh của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân từng tham gia nhiều triển lãm ở Paris (1931), Roma (1932), Cologne (1933), Milano (1934)... và được đánh giá cao.
Thứ hai, thị trường mỹ thuật trong nước chỉ dừng lại ở giai đoạn sơ cấp. Tức là, người giàu Việt Nam chưa có thói quen đầu tư vào nghệ thuật mà thường đầu tư vào những thứ sinh lời nhanh như bất động sản, cổ phiếu, chứng khoán.
Trong khi đó, tại các nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore hay Nhật Bản, từ lâu đã hình thành thị trường mỹ thuật sôi động. Các tỷ phú xem nghệ thuật, trong đó có hội họa là một lĩnh vực để sưu tầm và đầu tư, từ đó giúp hình thành thị trường mua bán tranh chuyên nghiệp với đầy đủ lĩnh vực liên quan, như thẩm định giá, đấu giá, bảo hiểm, quản lý tranh, thành lập bảo tàng... Vì thế, tác phẩm của các họa sĩ trong những nước ấy trở nên có giá trị hơn, dẫn đến có giá cao hơn tại các sàn đấu giá quốc tế.
Thứ ba, cũng là tình trạng nhức nhối nhất của tranh Việt, là nạn tranh giả. Năm 2016, Christie’s bán bức Thuyền trên sông Hương của Tô Ngọc Vân với giá 57.000 USD và Lady of Hue của Lê Văn Đệ với giá 89.000 USD. Tuy nhiên, Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội cũng treo hai bức tranh giống hệt hai bức tranh đã bán. Phía bảo tàng nói họ mua bức của Tô Ngọc Vân năm 1965 và bức của Lê Văn Đệ năm 1976. Họa sĩ Tô Ngọc Thành - con trai Tô Ngọc Vân cho biết, hai bức tranh trên được sao chép nhiều lần, rất khó để xác định bức nào là nguyên mẫu.
Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng, thị trường tranh Việt Nam vài năm gần đây đang trên đà tăng trưởng tốt. Một thế hệ người sưu tập chuyên nghiệp đang dần thành hình, giá tranh của họa sĩ Việt Nam bắt đầu xuất hiện những tín hiệu lạc quan, không chỉ của những bậc thầy hội họa Đông Dương, chứng tỏ thị trường tranh Việt đang có rất nhiều tiềm năng.