Trái phiếu doanh nghiệp: Cuộc chơi kén chọn

NGỌC ANH| 13/08/2018 06:37

Từ ngày 2/8/2018, các ngân hàng Việt Nam bị siết lại việc mua trái phiếu doanh nghiệp.

Trái phiếu doanh nghiệp: Cuộc chơi kén chọn

Ảnh minh họa: Thế Giới Di Động là một trong số ít doanh nghiệp từng được CGIF bảo lãnh phát hành trái phiếu

Cụ thể, ngân hàng muốn mua trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu và ban hành quy định nội bộ phù hợp với Thông tư số 15/2018 của Ngân hàng Nhà nước.

Các ngân hàng cũng phải có những quy định kiểm soát nội bộ cho việc mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành cho mục đích thực hiện các dự án tiềm ẩn rủi ro. Đáng chú ý, từ nay, các ngân hàng sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành cho mục đích cơ cấu lại các khoản nợ.

Từ cơ sở Thông tư số 15/2018 của Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn từ ngân hàng cho doanh nghiệp vay thông qua mua phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ bị chặn. Trước mắt, thị trường đã chứng kiến ở các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2018, các doanh nghiệp hoặc tìm vốn từ thị trường quốc tế, như trường hợp Novaland, hoặc gọi vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài.

Đơn cử, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa huy động thành công 500 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó, 300 tỷ đồng là do tổ chức nước ngoài mua. Đã không có sự hiện diện của tổ chức tín dụng trong đợt phát hành trái phiếu của VCSC.

Lâu nay, ngân hàng là bên mua chủ lực các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chiếm tới 75% khối lượng đầu tư toàn thị trường. Nay kênh này bị siết lại, các doanh nghiệp không thể không lo. Với thị trường vốn quốc tế, chỉ những tên tuổi lớn như Vingroup, Masan, Novaland... mới đủ khả năng đạt các điều kiện tham gia và đủ hấp dẫn, thu hút sự chú ý đối với giới đầu tư.

Link bài viết

Ngay tổ chức CGIF, dù sứ mạng là thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu các nước Đông Nam Á, nhưng theo chia sẻ từ các công ty chứng khoán, để thuyết phục CGIF bảo lãnh thì phải là doanh nghiệp đầu ngành, hoạt động trong các lĩnh vực tiềm năng và ít rủi ro như hàng tiêu dùng, năng lượng. Điều này lý giải vì sao chỉ một số doanh nghiệp như Thế Giới Di Động, Masan từng được CGIF bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định như doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư ngoại phải có lãi ở năm liền kề, phải thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp, đã ít nhiều hạn chế khả năng tham gia gọi vốn nước ngoài qua kênh trái phiếu của doanh nghiệp.

Lực cản còn đến từ nguyên nhân Việt Nam thiếu các công ty có định mức tín nhiệm uy tín nên việc xếp hạng trái phiếu doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, dù doanh nghiệp có thể đạt các điều kiện để phát hành trái phiếu nhưng giới đầu tư trong nước vẫn chưa tin tưởng về hiệu quả kinh doanh, về khả năng trả nợ, nên chưa mặn mà với trái phiếu doanh nghiệp.

Để kéo được nhóm nhà đầu tư này tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, rất cần sự minh bạch về thông tin, cũng như sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao. Nghĩa là cũng chỉ những doanh nghiệp có khả năng thanh toán tốt, cổ phiếu có tính thanh khoản thì mới có thể hy vọng thành công trong các đợt phát hành trái phiếu.

Ở góc độ khác, trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, vấn đề quan trọng là mặt bằng lãi suất. Lãi suất huy động phải thấp, nguồn tiền từ hệ thống ngân hàng phải dồi dào, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tốt, lạm phát ở mức vừa phải, tỷ giá ổn định thì trái phiếu doanh nghiệp mới có sức hấp dẫn.

Với trái phiếu chuyển đổi, ngoài yếu tố kinh tế vĩ mô, nhà đầu tư còn quan tâm đến diễn biến thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán phải sôi động thì mặt bằng giá cổ phiếu của doanh nghiệp mới cao và khối lượng giao dịch cổ phiếu mới mạnh, tạo động lực cho nhà đầu tư rót tiền đầu tư trái phiếu để hy vọng vào giá trị chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu.

Từ các phân tích này, rõ ràng trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất kén chọn và còn mới mẻ, mới chỉ đạt 1% GDP. Trong khi ở thị trường các nước trong khu vực, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành kênh huy động vốn hiệu quả. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Malaysia, Singapore đạt từ 30 - 40% GDP, thậm chí tại Hàn Quốc lên tới 70% GDP, theo nghiên cứu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).

Sự khác biệt này, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký VBMA, đến từ nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, ở các thị trường như Singapore, Philippines, Thái Lan, nhà đầu tư phi ngân hàng thương mại (công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí...) chiếm 30 - 50% thị phần đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Về kỳ hạn phát hành, thay vì chỉ ngắn hạn (3 - 5 năm) như Việt Nam, tỷ trọng các kỳ hạn dài 5 - 15 năm ước tính có thể chiếm trên 40% giá trị phát hành, thậm chí kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp của Singapore, Malaysia có thể lên tới trên 25 năm.

Việt Nam cũng đã đặt những mục tiêu mới cho trái phiếu doanh nghiệp trong nền kinh tế. Theo chiến lược phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030. Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây sẽ là mục tiêu rất thách thức nếu các điều kiện hậu thuẫn cho trái phiếu doanh nghiệp vẫn không thay đổi nhiều so với hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trái phiếu doanh nghiệp: Cuộc chơi kén chọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO