Trái cây Việt đang quay lại thị trường

Nguyên Phương| 26/10/2022 06:00

Không chấp nhận thua trên sân nhà, trái cây Việt đang nỗ lực quay lại thị trường trong nước, chấp nhận đầu tư, dù biết con đường trở lại không dễ dàng.

Trái cây ngoại chiếm lĩnh

Khoảng 5 năm gần đây, thị trường chứng kiến nho, cam, táo kiwi, cherry... của nhiều nước ồ ạt vào Việt Nam. Thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, 8 tháng đầu năm 2022, cả nước chi hơn 1,2 tỷ USD nhập khẩu rau quả các loại, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập từ Trung Quốc tăng đến 64% với giá trị tương đương 388 triệu USD, Nam Phi tăng 27%, Úc tăng 28%, Hàn Quốc tăng 50%.

Ông Phạm Văn Bảng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tiên Thảo, đơn vị chuyên phân phối các loại trái cây nhập khẩu cho biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến lượng tiêu thụ trái cây nhập khẩu tăng là do một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập khá trở lên tại Việt Nam đang gia tăng nhanh.

Theo nhân viên hàng trái câu nhập khẩu Farmers Market: "Trước đây, trái cây nhập khẩu được xem là hàng cao cấp nên thường chỉ dùng biếu tặng hoặc dành cho giới nhà giàu, nhưng bây giờ trái cây nhập khẩu có giá tương đối phù hợp với mức thu nhập của người thành thị, không chênh lệch nhiều so với trái cây nội, nhưng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn hẳn nên người tiêu dùng có xu hướng chuộng hàng ngoại hơn".

Một tâm lý khác đó là: "Trái cây trong nước có nhiều loại ngon hơn nhưng thường chỉ bán theo mùa. Hơn nữa, nhiều loại trái cây lại rất ít được bày bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà phải ra chợ mới có và chưa thật an tâm về chất lượng. Thậm chí một số loại trái cây nội dù mua ở siêu thị cũng không ngon do bảo quản chưa tốt. Có thể quá trình sản xuất, trình độ và công nghệ mình chưa đạt hiệu quả như ở nước ngoài", chị Thanh Tâm (quận 7) cho biết.

-7054-1666670252.jpg

Nỗ lực giành lại thị trường

Sau thời gian gặp khó khăn về xuất khẩu, một số doanh nghiệp (DN) đã có cách nhìn khác về thị trường trái cây nội địa.

Ông Bùi Anh Minh - chủ DN chuyên chế biến, xuất khẩu nông sản thẳng thắn nhìn nhận, tắc biên liên tục là nguyên nhân khiến công ty của ông phải quay lại thị trường nội địa, dù biết sẽ không dễ dàng. Tuy vậy, ông chấp nhận đầu tư vì đây là biện pháp duy nhất.

Bà Nguyễn Phương Uyên - Công ty Sản xuất - Chế biến nông sản Thịnh Tín Đạt (Đồng Nai) cũng quyết tâm trở lại thị trường trái cây nội địa với kế hoạch rõ ràng và dài hơi. Theo bà Uyên, việc chen chân vào hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi để bán trái cây hiện nay rất khó khăn vì đã có các "ông lớn" án ngữ. Vì thế, DN của bà Uyên chú trọng tìm nguồn khách tại chỗ, bán lẻ qua cửa hàng tạp hóa và đặc biệt đẩy mạnh kênh bán trái cây qua online.

DN của ông Trương Ngọc Vùng chuyên về sầu riêng cho biết, sẵn sàng đầu tư xây dựng kho lạnh để đưa sầu riêng ra thị trường nội địa quanh năm chứ không mang tính mùa vụ như hiện nay, bởi người tiêu dùng Việt Nam rất mê loại trái cây này.

Ở góc độ quản lý nhà nước, để nâng cao giá trị trái cây Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Anh Nam khẳng định, sẽ có chính sách khuyến khích hơn nữa việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ mở rộng công suất các cơ sở chế biến trái cây. Đặc biệt, DN cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trái cây Việt đang quay lại thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO