TP.HCM xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Công an Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát phương tiện đường bộ hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn TP.HCM theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Đồng thời, chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP. Thủ Đức và các quận, huyện có liên quan phối hợp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến tình trạng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến”, xe chở quá số người quy định, xe quá tải, điều khiển phương tiện vi phạm về tốc độ và nồng độ cồn, tăng giá vé trái quy định, dừng, đỗ trái phép, chiếm dụng lòng đường và vỉa hè gây mất trật tự an toàn giao thông.
Sở Giao thông Vận tải được giao thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại địa phương theo quy định. Đồng thời duy trì kế hoạch thanh, kiểm tra về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hàng năm đối với đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn Thành phố; thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn có nhiều vi phạm, để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Sở được giao chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp với lực lượng Công an, Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.
Qua đó, tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ; đặc biệt chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) đối với việc chấp hành các quy định về thời gian lái xe, tốc độ, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, điều kiện của người lái xe kinh doanh vận tải, chở đúng số người quy định... và phối hợp với lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên theo quy định.
Mặt khác, tiếp tục tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lắp đặt biển báo cấm dừng, đỗ và hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường, khu vực thường xuyên có tình trạng xe đón, trả khách không đúng quy định để phục vụ công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô hợp đồng đưa đón trẻ em mầm non, học sinh không bảo đảm điều kiện kinh doanh vận tải, không đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật.
Ngoài ra, nghiên cứu tổ chức quy hoạch các bến xe, các điểm trung chuyển hành khách, hàng hóa hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển thực tế của từng địa bàn, nhằm phục vụ tốt nhất việc đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hóa; tổ chức liên ngành thẩm tra an toàn giao thông đối với các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông; chủ động phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ của trung ương, có kế hoạch xử lý các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông; quy hoạch mở rộng lòng đường, vỉa hè; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông giờ cao điểm tại khu vực tập trung đông người như trường học, chợ, bệnh viện, khu công nghiệp...
Sở Công Thương được giao phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị kinh doanh xăng dầu không được tổ chức xe khách vào đón, trả khách tại các cửa hàng xăng dầu để đảm bảo an toàn cho hành khách.