TP.HCM xem xét phương án xã hội hóa dịch vụ công

HT| 21/09/2020 07:14

TP.HCM có thể sẽ triển khai thí điểm xã hội hóa dịch vụ công, là một trong những phương án của đề án thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

TP.HCM xem xét phương án xã hội hóa dịch vụ công

Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính đánh giá TP.HCM tiên phong đi đầu thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Các hoạt động giao dịch dân sự, kinh tế của TP.HCM có sự khác biệt, cả về quy mô diện tích và nếu thực hiện mô hình một cửa tập trung cấp tỉnh (mô hình trung tâm hành chính công) sẽ xảy ra ách tắc, do vậy Thành phố vẫn thực hiện phân tán ở các sở/ngành và thực hiện một cửa tập trung ở cấp quận, huyện và cấp xã, phường.

Về một số kết quả thực hiện Nghị định 61 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết có 1.474 thủ tục được giải quyết qua cơ chế một cửa cấp sở/ngành; 199 thủ tục cấp quận/huyện; 113 thủ tục cấp xã/phường. Trong đó có 451 thủ tục được giải quyết theo cơ chế liên thông cùng cấp; có 371 thủ tục thực hiện liên thông giữa các cấp chính quyền; thực hiện 4 tại chỗ 83 thủ tục.

Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trong tháng 6 là trên 6,621 triệu hồ sơ, đã giải quyết hơn 6,506 triệu hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn đạt 99,19%. Các cấp chính quyền trên địa bàn đang cung cấp 668 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4, với trên 660.000 hồ sơ, số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 19,6% trong tổng số hồ sơ tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm 2020.

Về xây dựng quy trình nội bộ theo Nghị định 61, TP.HCM đã ban hành 47 quyết định, phê duyệt trên 800 quy trình nội bộ, trong đó có 73 quy trình liên thông giữa các sở ngành… Trong quá trình thực hiện, có nhiều đơn vị sáng tạo cách làm, đổi mới phương thức giải quyết dịch vụ công nhằm tăng hiệu quả xử lý công việc, giảm thời gian đi lại của người dân, doanh nghiệp. Sở Công Thương và quận Tân Phú là hai trong số những đơn vị điển hình thực hiện thí điểm cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Ba phương án giải quyết dịch vụ công

TP.HCM có trên 320 xã/phường, 24 đơn vị cấp quận/huyện, trên 20 sở, ban, ngành, các ban quản lý các khu công nghiệp và như vậy sẽ tương ứng với từng ấy điểm giải quyết thủ tục. Nhưng hiện nay cơ chế một cửa gắn với thẩm quyền cơ quan hành chính một địa phương, với một cơ quan nhất định và người dân muốn làm thủ tục phải đến đúng nơi mình định cư. Như vậy, người dân vẫn phải qua nhiều cửa khi cần giải quyết thủ tục hành chính.

Khắc phục những bất cập trên, Văn phòng Chính phủ xây dựng đề án thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. TP.HCM là một trong số những địa phương được chọn thí điểm đổi mới, sau khi sơ kết sẽ nhân rộng toàn quốc.

Về những điểm đổi mới của đề án lần này, Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính cho biết đang xây dựng ba phương án thực hiện:

1. Tổ chức bộ phận một cửa theo hướng phi địa giới hành chính. Như vậy bộ phận hành chính một cửa sẽ có quyền tiếp nhận tất cả hồ sơ trên địa bàn cấp tỉnh/thành phố. Tuy nhiên, thẩm quyền giải quyết, xử lý hồ sơ vẫn tôn trọng vai trò của địa phương. Nghĩa là người dân có thể nộp hồ sơ tại bất kỳ cấp hành chính nào và nơi đó có trách nhiệm chuyển hồ sơ về đúng nơi có thẩm quyền xử lý.

2. Xã hội hóa dịch vụ công ở một số quy trình nhất định. Theo đó, địa phương chủ động lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức đủ năng lực chuyển giao và quyết định những bước nào thì xã hội hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

3. Song song với việc chuyển giao một số dịch vụ công, sẽ chuyển giao việc tiếp nhận, xử lý các kiến nghị đối với quá trình gián tiếp và thực hiện song song để người dân lựa chọn.

Sau khi nghiên cứu ưu/nhược điểm của ba phương án, nhiều ý kiến đang nghiêng về việc xã hội hóa dịch vụ công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM xem xét phương án xã hội hóa dịch vụ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO