TP.HCM thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất cả nước

Minh Huy| 16/06/2023 09:00

Theo khảo sát tình hình lao động của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, TP.HCM là một trong những tỉnh, thành phố có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất cả nước, trên 30%.

TP.HCM thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất cả nước

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ) đã có cuộc khảo sát với 8.343 người lao động. Kết quả cho thấy có đến 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm. Tỷ lệ này đã giảm so với trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (62% tại thời điểm tháng 8/2021 và 53% tại thời điểm tháng 10/2021). Tuy nhiên, vẫn còn khá cao, cho thấy bối cảnh nhiều thách thức đối với thị trường lao động.

Các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%. Còn xét theo địa phương, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng là những tỉnh, thành phố có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.

Nói về nguyên nhân không có việc làm của người lao động, Ban IV chỉ ra 32,4% người lao động không có việc cho biết rằng họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh. Trong khi đó, 27,1% người cho biết nguyên nhân mất việc do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí do không có đơn hàng.

Theo cơ quan này, trong một cuộc khảo sát xu hướng tình hình doanh nghiệp vừa được thực hiện mới đây với các doanh nghiệp còn hoạt động trong năm 2023, có đến 71,3% doanh nghiệp dự kiến phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên. Do đó, số lượng người lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp không những không giảm đi mà tăng lên diễn ra từ quý IV/2022 sang quý I/2023, và dự báo còn tiếp diễn trong các quý còn lại của năm 2023.

Đáng chú ý, liên quan đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, có 14% người lao động tham gia khảo sát đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong số này, 61% cho biết nguyên nhân không có nguồn tiết kiệm hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất khi không có việc, trong khi 14% còn lại là lo lắng vào sự ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội. "Khi được hỏi về khả năng đóng lại bảo hiểm xã hội, 48% số lao động từng rút bảo hiểm xã hội cho biết không muốn đóng lại", Ban IV thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO