Thời gian qua, số tiền thu được từ thu phí hạ tầng cảng biển đã được hòa vào ngân sách để đầu tư vào các công trình như dự án nút giao thông Mỹ Thủy, nút giao thông An Phú (thành phố Thủ Đức). Sắp tới sẽ góp vốn để triển khai khép kín Vành đai 2 TP.HCM, trong đó dự án hết sức quan trọng nối tiếp từ cầu Phú Hữu trên đường Võ Chí Công ra nút giao thông Bình Thái trên Xa lộ Hà Nội, dự án này có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết.
Đánh giá về việc thu phí hạ tầng cảng biển trong hơn một năm qua, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết việc thu phí được diễn ra hoàn toàn tự động và rất công khai, minh bạch, được sự đồng thuận rất cao từ doanh nghiệp.
TP.HCM có vai trò quan trọng trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển của thành phố lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, ùn tắc giao thông đã kìm hãm khả năng khai thác, phát triển các cảng ở TP.HCM và làm gia tăng chi phí vận tải, logistics.
Vấn đề thu phí hạ tầng cảng biển khiến các doanh nghiệp lo lắng sẽ làm tăng thêm chí phí. Tuy nhiên, nguồn thu này được thành phố dùng đầu tư các dự án hạ tầng giao thông có kết nối vào cảng biển. Như vậy, khi giao thông thuận lợi, các đơn vị vận tải sẽ được hưởng lợi.
"Chúng ta cần trao đổi và chia sẻ với các doanh nghiệp vận tải. Có thể hôm nay doanh nghiệp bỏ ra một đồng nhưng sau vài năm sẽ thu về được nhiều hơn. Về dài hạn, hạ tầng giao thông thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được thời gian và chi phí vận chuyển", Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết.
Một điểm sáng của ngành giao thông vận tải TP.HCM vừa qua là dự án Vành đai 3 đã chính thức khởi công vào ngày 18/6/2023. Suốt thời gian chuẩn bị, các đơn vị cùng phối hợp tập trung làm dự án đường Vành đai 3 với công tác thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật được thực hiện khoa học, bài bản, đúng quy định.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng kịp thời phối hợp các sở ngành, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư và các thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp để đảm bảo tiến độ khởi công. Không chỉ vậy, mô hình Vành đai 3 sẽ được áp dụng cho các dự án về sau, đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và một số công tác khác phải làm song song.
"Sắp tới, khi nghị quyết mới được bấm nút thông qua, nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn các dự án ở TP.HCM cũng nhanh chóng được giải quyết. Bên cạnh đó, quá trình triển khai những dự án như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cảng Cần Giờ cũng hiệu quả hơn", Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm nói.