Đây là một trong những nội dung trọng tâm của “Đề án định hướng phát triển hạ tầng dịch vụ TP.HCM giai đoạn 2020-2025, hướng đến năm 2040”, mới được UBND TP.HCM phê duyệt ban hành. Trong đó, giao các sở ngành, đơn vị liên quan xây dựng đề cương chuyên đề, nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian và hạ tầng phát triển một số ngành dịch vụ có tiềm năng tại một số khu vực phát triển trọng điểm…
Cụ thể, UBND TP.HCM giao Sở Công Thương triển khai nghiên cứu khả thi vị trí thành lập 3 trung tâm logistics lớn, gồm Trung tâm logistics Cát Lái, Trung tâm logistics Linh Trung và Trung tâm logistics Củ Chi trong giai đoạn 2021-2025, để từng bước hình thành hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, UBND TP.HCM cũng giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện rà soát, bố trí quỹ đất phù hợp trong quá trình lập mới, điều chỉnh quy hoạch phân khu.
Trước đó, TP.HCM cũng đã phê duyệt và ban hành “Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của Thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP. Từ đó, giúp TP.HCM nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế, góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics của cả nước so với GDP quốc gia.
Đề án này được triển khai sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra không chỉ cho TP.HCM mà cả khu vực, nếu Thành phố xây dựng được một kế hoạch triển khai khả thi. Theo Sở Công Thương TP.HCM, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin cần được xem là xu hướng tất yếu, ưu tiên của ngành logistics trong giai đoạn 2021-2025 với hai nhiệm vụ chiến lược là tập trung phát triển logistics cho ngành thương mại điện tử và cung cấp chuỗi dịch vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu.