Trong nước

TP.HCM sẽ là hình mẫu về tăng trưởng bền vững

Hồng Nga 15/09/2023 15:15

TP.HCM có nhiều điều kiện để phát triển xanh, trở thành địa phương đi đầu, hình mẫu trong chuyển mình tăng trưởng xanh của cả nước.

Nhiều điều kiện phát triển kinh tế xanh

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) 2023, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, TP.HCM là đô thị đặc biệt, là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng, đóng góp ngân sách quốc gia lớn, có năng suất lao động cao nhất. TP.HCM cũng là trung tâm dịch vụ và công nghiệp lớn và là địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn nhất cả nước.

“Với vai trò đầu tàu cả nước về kinh tế, việc TP.HCM lựa chọn tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là hướng đi đúng, phù hợp định hướng của Đảng và xu thế thế giới”, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

01.jpg
Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2023

Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, với vị trí trung tâm kinh tế lớn và năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM đã triển khai các bước đi đầu trong phát triển mô hình này với Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi so với các địa phương khác về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên cả nước cũng như nước ngoài. Là trung tâm khoa học - công nghệ, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước, với sự chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển bền vững, thành phố sẽ thực hiện thành công kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đã đặt ra.

Tin vào sự thành công của TP.HCM nhưng ông Thành cũng lưu ý là để triển khai hiệu quả mục tiêu giảm phát thải ròng về 0, TP.HCM cần tập trung vào nhiều nội dung. Cụ thể, TP.HCM cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người dân về lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên… Ban hành các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu suất năng lượng, thúc đẩy phát triển công nghệ sạch song song với việc đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành đối với các dự án thân thiện môi trường, phát thải ít carbon.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cần tham gia tiên phong trong chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng được các nguồn vốn mới nổi, các dòng tài chính xanh…

Cần trọng tâm, lộ trình

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, TP.HCM sẽ trở thành địa phương đi đầu, là hình mẫu trong chuyển mình tăng trưởng xanh của cả nước.

nguyen-duc-hien.jpg
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển

Tuy vậy, ông Hiển cũng cho rằng, ngoài nỗ lực của thành phố, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Chính phủ và các bộ ngành cần sớm thể chế hóa đồng bộ. Bởi hiện nay, quá trình thể chế hóa nhiều định hướng, chủ trương về phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh vẫn còn khá chậm. Điều này phần nào cũng gây khó khăn cho TP.HCM trong chuyển dịch xanh. Nhiều vấn đề về năng lượng, đô thị cũng thiếu chính sách cụ thể.

“Ban Kinh tế Trung ương đang đánh giá việc triển khai các nghị quyết và ủng hộ cao TP.HCM với chức năng nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất các vấn đề mới nảy sinh. Ban Kinh tế Trung ương cam kết đồng hành với TP.HCM trong nghiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù để triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, trên cơ sở đó nhân rộng ra cả nước”, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cam kết.

Ông Hiển cũng lưu ý, tăng trưởng xanh không thể làm theo phong trào mà phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, có tiêu chí đánh giá. Trong đó, cần ưu tiên phát triển một số ngành trong Nghị quyết 29 như công nghệ số, bán dẫn, công nghệ cao...

TP.HCM cần có lộ trình và các cơ chế, chính sách cụ thể để chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Cần ưu tiên chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp, song song với việc cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Về nguồn lực tài chính để thực hiện tăng trưởng xanh, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện dư nợ tín dụng xanh cả nước mới chiếm 4,2% tổng dư nợ tín dụng, còn rất thấp. Nên ngành ngân hàng cần có cơ chế chính sách tài chính xanh, tạo sự chủ động cho các đô thị đặc biệt như TP.HCM.

“Thành phố cần tiếp tục có lộ trình, kế hoạch hành động cụ thể, rõ ràng để tạo thuận lợi trong triển khai, đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước có những đề xuất sáng kiến cho hoạt động này, để lan tỏa các mô hình triển khai thành công theo phương châm Nhà nước kiến tạo thể chế và dẫn dắt, doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm”, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới hợp tác cùng TP.HCM trong tăng trưởng xanh

tuyen-bo-chung-2.jpg

Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2023, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan và ông Jeremy Jurgens - Giám đốc Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trao bản tuyên bố chung đã được ký giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và GS. Klaus Schwab - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Đây là sự khởi đầu cho hợp tác, cam kết hỗ trợ của WEF với quá trình thực hiện tăng trưởng xanh của TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM sẽ là hình mẫu về tăng trưởng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO