TP.HCM mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào 15 ngành công nghiệp
Trong Hội nghị bàn tròn Doanh nghiệp Nhật Bản diễn ra vào sáng ngày 14/12 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp cùng Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCH) tổ chức, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã đề xuất với doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào 15 ngành công nghiệp nổi bật của TP.
Được biết, trong phiên hội nghị, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM – ông Ono Masuo cho biết, hiện Nhật Bản đang có 1.657 dự án đang hoạt động, chiếm 14% tổng số dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn TP với tổng vốn đầu tư hơn 5,7 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang gặp phải 4 vấn đề vướng mắc trong quá trình hoạt động, tập trung ở lĩnh vực: thuế, hải quan, pháp luật - lao động và môi trường - đời sống. Trước những vướng mắc trên, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đã tổng hợp 25 ý kiến cần tháo gỡ để gửi đến UBND TP.HCM.
Mặc khác, thông qua Nghị quyết 98, doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp FDI tham gia vào đầu tư. Do vậy, doanh nghiệp Nhật Bản rất cần sự chia sẻ minh bạch danh mục dự án, chính sách thu hút đầu tư đi kèm do TP.HCM ban hành để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư trong thời gian tới.
Tiếp nhận những đề nghị của doanh nghiệp Nhật Bản tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Phạm Trung Kiên cho biết, TP.HCM hiện có 15 ngành công nghiệp cần đẩy mạnh thu hút đầu tư. Trong đó, có 4 ngành công nghiệp trọng điểm (ngành sản xuất hàng điện tử, hoá dược, cơ khí chính xác, chế biến thực phẩm và đồ uống); 5 ngành công nghiệp mới (sinh học, dược phẩm, tự động hoá, công nghiệp bán dẫn và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao) và 6 ngành dịch vụ hỗ trợ nhiều tiềm năng (du lịch, tài chính bảo hiểm và ngân hàng đầu tư, thương mại điện tử, y tế, vận tải và logistics, công nghệ và giáo dục). Ngoài ra, TP cũng đang tập trung xây dựng trung tâm tài chính của khu vực. Vì vậy rất cần có sự tham gia đóng góp ý kiến cũng như vốn đầu tư của doanh nghiệp FDI.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết, mặc dù TP.HCM cầu thị trong thu hút đầu tư FDI nhưng TP sẽ kiên quyết không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… Đồng thời, TP cũng sẽ áp dụng các tiêu chí đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
Theo đó, TP sẽ ưu tiên cho các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng; là thành viên cùng tham gia các hiệp định thương mại tự do đa phương với Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Về những kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, TP sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan rà soát, đánh giá để cải cách, loại bỏ thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết. Cùng với đó, đơn giản hoá kết hợp sáng tạo, chủ động trong quá trình thực thi chính sách, thực hiện thủ tục hành chính các dự án đầu tư.
Cùng với đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi mong muốn, hai bên có thể có những định hướng tiếp tục nghiên cứu cho hợp tác kinh tế, hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản với cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM; hợp tác với phía Nhật Bản với chính quyền TP.HCM để thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư, thương mại, hợp tác kinh tế có chiều sâu hơn và những đóng góp rõ nét hơn trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản.
“Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế tốt, hiệu quả, chắc chắn sẽ là trụ cột quan trọng của khung hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. TP.HCM sẽ là một địa phương có sứ mạng, có trách nhiệm và có đóng góp tích cực trong quan hệ giữa hai nước”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.