Thay vì chỉ thông qua Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) - đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp (DN) có nhu cầu đầu tư dự án trên địa bàn TP.HCM và ra nước ngoài (Lào và Campuchia), theo Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND, phía ngân hàng (NH) thương mại cũng đề nghị cơ chế để NH phối hợp giới thiệu nguồn vốn vay ưu đãi đến các khách hàng DN hiện có của họ.
Khách mời tham gia Hội thảo |
Ý kiến này đã được ông Nguyễn Đình Tùng, quyền Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) nêu ra tại hội thảo “Giải pháp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi”do Câu lạc bộ CEO và HFIC phối hợp tổ chức ngày 11/7/2012, tại TP.HCM, và đã được phía HFIC đồng thuận.
Theo đó, thời gian tới, DN sẽ có thêm nhiều kênh tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ 50% đến 100% lãi vay. Thời gian hỗ trợ không quá 7 năm và mức vốn vay không quá 100 tỷ đồng/dự án.
Hiện HFIC giới thiệu các nguồn vốn ưu đãi thông qua kênh huy động vốn từ tổ chức nước ngoài và nhận ủy thác giải ngân từ các nguồn vốn của thành phố, như: nguồn vốn từ Ngân hàng thế giới (WB) 50 triệu USD; nguồn vốn từ Cơ quan phát triển Pháp (AFD) 50 triệu euro; nguồn vốn cho các dự án giảm thiểu chất thải rắn - sản xuất sạch hơn từ Quỹ xoay vòng; nguồn vốn Quỹ phát triển khoa học - công nghệ…
“Với nguồn vốn vay 50 triệu USD dự kiến cuối năm 2012 sẽ giải ngân hết, theo đó, HFIC cũng đang tiến hành giải ngân giai đoạn 2 nguồn vốn 50 triệu euro”, ông Dũng nói.
Các dự án được hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi chủ yếu thuộc lĩnh vực: đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao chuyên sâu, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất sản phẩm điện tử, robot công nghiệp, thiết bị thông tin, viễn thông và các loại hệ thống thiết bị tự động hóa, sản xuất các loại máy móc, thiết bị thế hệ mới, xây dựng ký túc xá cho sinh viên, xây dựng nhà ở cho công nhân, hệ thống xử lý rác thải...
Thế nhưng, từ kinh nghiệm cung cấp vốn tín dụng cho nhiều dự án về y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng... ông Dũng, chia sẻ, cũng có không ít trường hợp DN không thể tiếp cận được nguồn vốn, mặc dù lĩnh vực đầu tư được hưởng sự hỗ trợ theo Quyết định 33/2011/QĐ-UBND.
Nguyên nhân thường xuất phát từ các yếu tố như dự án thiếu tính pháp lý; DN xây dựng dự án chưa khả thi, cụ thể, các DN vừa và nhỏ không có chuyên gia nghiên cứu xây dựng dự án tốt, nguồn thu, chi xây dựng theo ý chủ quan của DN; không có báo cáo tài chính minh bạch.
Do đó, “DN nên tiếp cận các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, với những chuyên viên giỏi, để chuyển tải phù hợp ý tưởng dự án thành văn bản khả thi khi đi vay”, ông Dũng nhấn mạnh.
Song, đứng ở góc độ NH, ông Tùng cho biết, thực tế nhiều DN vừa và nhỏ có định hướng kinh doanh hay những dự án kinh doanh rất tốt, thế nhưng, việc văn bản hóa ý tưởng đó và xây dựng một báo cáo khả thi lại là một điều không đơn giản, rất khó đối với DN, do việc tiếp cận các hệ thống thông tin hay mua thông tin cần một khoản chi phí rất tốn kém.
“Không chỉ ở Việt Nam, các NH trong khu vực châu Á cũng cho rằng, có tới 67% các DN vừa và nhỏ thực hiện báo cáo tài chính thiếu minh bạch. Do đó, đừng bao giờ hy vọng và tin tưởng các báo cáo tài chính của họ là chính xác. Điều này có nghĩa, đây không phải là trường hợp của riêng DN nhỏ và vừa Việt Nam mà là vấn đề của cả khu vực”, ông Tùng khẳng định.
Thực tế cho thấy, sự tham gia của các NH thương mại trong quá trình hỗ trợ, tư vấn DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi sẽ giúp cho việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi dành cho DN được rộng lối hơn.