Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho hay, tiềm năng phát triển đường thủy trong vận tải hàng hóa, hành khách là rất lớn. TP.HCM phải phấn đấu rất nhiều mới phát huy được hết những lợi thế, tiềm năng sông nước.
Theo ông Lâm, vừa qua đoàn công tác của TP.HCM do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn đã khảo sát thực địa để học tập kinh nghiệm quy hoạch bờ sông Seine (Pháp). Kinh nghiệm cho thấy để phát triển được mô hình "trên bến dưới thuyền", không chỉ phát triển mạng lưới đường sông, mà không gian hai bên bờ sông phải xanh, sạch, đẹp.
Muốn vậy phải có thời gian, lộ trình thường phải kéo dài 15 năm. Tuy nhiên, TP.HCM không chờ đến lúc đó mới phát triển các tuyến đường thủy. Hiện Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với Sở Du lịch bàn giải pháp phát triển giao thông đường thủy. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố có ít nhất 5 tuyến giao thông đường thủy.
TP.HCM cũng đã nghiên cứu phát triển tuyến đường thủy kết nối với Bình Dương qua sông Sài Gòn, cũng như phát triển thêm các tàu, nhà hàng nổi phục vụ du khách và người dân trên sông Sài Gòn. UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo các sở ngành thực hiện việc lập quy hoạch hai bên bờ sông Sài Gòn để kêu gọi đầu tư.
Theo dự thảo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023-2025 mà Sở Du lịch TP.HCM đã trình UBND TP.HCM, mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ có khoảng 10 chương trình du lịch kết nối từ cảng biển với các tuyến đường sông.
TP.HCM đã lên kế hoạch cho nhóm các sản phẩm du lịch thủy tầm xa, từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận với chiều dài lớn hơn 60km. Cụ thể, sẽ có tuyến đường thủy xuất phát từ cảng Sài Gòn, bến Bạch Đằng, bến Cầu Mống... đi các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ và tuyến Châu Đốc (An Giang) để kết nối qua Campuchia. Các tuyến xa thường phục vụ khách có nhu cầu giải trí, thể thao, đánh golf, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh…